Khó khăn trong việc xác định tổ hợp tuyển sinh của các trường đại học năm 2025

Hội thảo Định hướng tuyển sinh 2025, nhằm thông tin, định hướng cho các trường THPT và học sinh trước những thay đổi kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển năm 2025.

Chiều ngày 15/11/2024, tại Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh (HUIT) đã diễn ra Hội thảo định hướng tuyển sinh đại học năm 2025 với chủ đề “Tăng cường hiệu quả công tác hướng nghiệp và phát triển giáo dục”.

Đại biểu tham dự hội thảo.

Đại biểu tham dự hội thảo.

Đại điện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh; Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Cần Thơ; đại diện các trường THPT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tham dự.

Năm 2025 là năm đầu tiên các em học sinh học chương trình giáo dục phố thông 2018 dự thi tốt nghiệp. Đây không chỉ là nỗi băn khoăn, lo lắng của các em học sinh, của quý thầy cô bậc trung học phổ thông (THPT), mà còn là điểm quan tâm của các trường Đại học. Phương án nào, tổ hợp môn nào cần điều chỉnh để đảm bảo bám sát định hướng của Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018 để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh tuyển sinh đã và đang được các trường đại học cân nhắc, chọn lọc.

Chia sẻ tại hội thảo, Nhà giáo ưu tú PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh (HUIT) - cho biết: Hội thảo với mục tiêu cung cấp thêm những thông tin và định hướng chính xác cho các trường THPT cũng như học sinh trước những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển năm 2025. HUIT kỳ vọng thông qua hội thảo lần này sẽ góp phần giải quyết những khó khăn trong công tác hướng nghiệp, đồng thời mở ra nhiều cơ hội để nâng cao chất lượng đầu vào cho các trường đại học.

Nhà giáo ưu tú PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh.

Nhà giáo ưu tú PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh.

Theo Hiệu trưởng HUIT, với việc có thêm các môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt khi học sinh có thể tùy chọn 2 môn bất kỳ trong 4 môn thi tốt nghiệp THPT. Chính vì vậy, việc xây dựng tổ hợp môn trong xét tuyển phải vừa đảm bảo kiến thức nền của học sinh khi vào học đại học ở từng ngành cụ thể, vừa tương thích và phù hợp với sự lựa chọn đa dạng của học sinh.

Nhà trường cũng đang tiến hành xây dựng và có một số điều chỉnh trong đề án tuyển sinh năm 2025, sớm công bố để thí sinh nắm rõ”, Nhà giáo ưu tú PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn thông tin.

Tại hội thảo, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ các chính sách và định hướng mới nhất nhằm tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh của các trường đại học, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc lựa chọn ngành học phù hợp cho học sinh.

 Ông Phạm Phương Bình - Phó Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp và đại học (Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh), phát biểu tại hội thảo.

Ông Phạm Phương Bình - Phó Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp và đại học (Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh), phát biểu tại hội thảo.

Sở Giáo dục và đào tạo TP. Hồ Chí Minh cũng tham gia đóng góp tại hội thảo với tham luận “Tình hình công tác triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 tại TP. Hồ Chí Minh”, với những kết quả, thách thức trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ đó gợi mở các phương án cải tiến nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh trong giai đoạn chuẩn bị thi đại học.

Bên cạnh đó hội thảo còn nhận được chia sẻ về thực trạng, giải pháp công tác hướng nghiệp và tuyển sinh tại trường trung học phổ thông. Đại diễn các trường THPT đã chia sẻ về những khó khăn mà các trường THPT gặp phải trong công tác hướng nghiệp cho học sinh. Đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể, từ việc tăng cường liên kết giữa các trường đại học với các trường trung học đến việc tổ chức các hoạt động tư vấn chuyên sâu để giúp học sinh có lựa chọn phù hợp hơn.

 Thầy Trần Công Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh), phát biểu tại hội thảo.

Thầy Trần Công Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh), phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Khả - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông chia sẻ về Dự thảo “Phương án tuyển sinh năm 2025 của Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh”, bao gồm: Các tiêu chí tuyển sinh (7.000), các ngành đào tạo trọng điểm (34 ngành nghề) và chiến lược thu hút sinh viên tài năng.

Còn về phương thức xét tuyển năm 2025: Nhà trường xét tuyển theo 5 phương thức: Phương thức 1: Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025; Phương thức 2: Kết quả học tập THPT (5 học kỳ); Phương thức 3: Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Phương thức 4: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo Đề án; và Phương thức 5: Kết quả điểm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh kết hợp kết quả học tập THPT.

TS. Nguyễn Văn Khả - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông (Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh).

TS. Nguyễn Văn Khả - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông (Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh).

Nhấn mạnh trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế tri thức, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng trở nên cấp thiết. TS. Nguyễn Văn Khả cho biết, HUIT luôn nỗ lực đồng hành cùng các em học sinh và phụ huynh trong hành trình chọn lựa nghề nghiệp phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động hiện đại.

Hội thảo lần này không chỉ là cơ hội để các đại diện giáo dục gặp gỡ và trao đổi, mà còn là nơi HUIT tiếp thu những ý kiến đóng góp từ các đơn vị khác để không ngừng cải thiện và hoàn thiện phương án tuyển sinh của mình. “Chúng tôi hiểu rằng hướng nghiệp và tuyển sinh không chỉ là quy trình thu hút sinh viên mà còn là cách để các em tự khám phá khả năng và tìm ra con đường phù hợp cho bản thân. HUIT cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ và cung cấp các chương trình đào tạo tiên tiến, gắn liền với thực tế và giúp sinh viên vững vàng bước vào thị trường lao động”, TS. Nguyễn Văn Khả nói và cho biết, HUIT mong muốn sự kiện này sẽ giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp và tuyển sinh, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học và trung học phổ thông nhằm mang lại những giá trị thiết thực cho học sinh và phụ huynh.

TS. Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh.

TS. Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu kết luận hội thảo, TS. Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định cam kết của nhà trường trong việc hỗ trợ công tác hướng nghiệp, tuyển sinh và cùng đồng hành với các trường THPT, các em thí sinh và các bậc phụ huynh trong việc hỗ trợ chọn nghề nghiệp phù hợp.

Đồng thời cho biết, Trường dự kiến dành 50%-60% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đáng chú ý, trường giảm chỉ tiêu xét kết quả học tập THPT theo 5 học kỳ xuống còn 15%-20% và tăng chỉ tiêu xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kho-khan-trong-viec-xac-dinh-to-hop-tuyen-sinh-cua-cac-truong-dai-hoc-nam-2025-359042.html
Zalo