Khó khăn trong lấy nước đổ ải, làm đất gieo cấy lúa xuân
Thời vụ gieo cấy lúa xuân đang đến gần, hiện nay đang là giai đoạn chính lấy nước đổ ải, làm đất. Tuy nhiên, khó khăn đang gặp phải là nguồn trên các sông trên địa bàn đều thấp hơn trung bình nhiều năm 20 – 30 cm; khô hạn kéo dài trong mấy tháng gần đây ruộng cần nhiều lượng nước hơn. Các doanh nghiệp thủy nông đang tập trung triển khai các biện pháp bơm tưới đảm bảo đủ nước, không để xảy ra tình trạng mạ chờ ruộng chậm thời vụ gieo cấy.
Qua tìm hiểu được biết, các trạm bơm tưới trên địa bàn tỉnh đang tranh thủ nguồn trên các sông vận hành hết khả năng. Trạm bơm Quế Lâm (Xí nghiệp thủy nông thị xã Kim Bảng) có 2 máy, tổng công suất 5.000 m3/h lấy nguồn từ sông Đáy phục vụ cho diện tích sản xuất của phường Quế, xã Văn Xá (thị xã Kim Bảng) và 1 phần xã Kim Bình (thành phố Phủ Lý). Mực nước sông Đáy xuống thấp, trạm bơm chỉ hoạt động cầm chừng dẫn đến tiến độ đổ ải trong vùng phục vụ không cao. Chị Lê Thị Tâm, công nhân vận hành trạm bơm Quế Lâm cho biết: Trạm hoạt động từ đầu tháng 1, bình quân mỗi ngày chỉ hoạt động được 8 – 10 giờ đồng hồ, có ngày mực nước sông xuống quá thấp chỉ bơm 3 – 4 giờ. Công nhân trực trạm thường xuyên theo dõi để vận hành tối đa khả năng của máy bơm khi có nước triều trên sông lên. Với điều kiện như hiện nay, khả năng thời gian bơm sẽ phải kéo dài hơn 5 – 7 so với những vụ trước mới có thể đủ lượng nước đổ ải, làm đất trong vùng phục vụ.
Các trạm bơm khác trong tỉnh cũng đang trong điều kiện khó khăn về thiếu nguồn tưới đổ ải. Trạm bơm Giáp Ba (Xí nghiệp Thủy nông thị xã Kim Bảng) đảm nhiệm phục vụ gần 70% diện tích đất gieo cấy của thị xã Kim Bảng mực nước tại bể hút xuống thấp, nên phần lớn thời gian tưới đổ ải từ đầu vụ chỉ duy trì được 1 – 2 máy trong tổng số 6 máy. Với trạm bơm Như Trác lấy nước trên sông Hồng tưới cho khoảng 5.000 ha đất lúa của huyện Lý Nhân và Bình Lục sau đợt xả nước hồ thủy điện Hòa Bình (sau ngày 16/1) thường mất nguồn phải dừng hoạt động 8 giờ/ngày (từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau). Nhất là các trạm bơm trên địa bàn thị xã Duy Tiên hầu hết đều phải cắt giảm số máy hoạt động bơm tưới.
Trạm tưới chính Chợ Lương hoạt động từ ngày 10/1, trong suốt thời gian vận hành chỉ có khoảng 3 ngày chạy được 3 máy, còn lại phải giảm xuống từ 1 – 2 máy do mực nước trên sông Duy Tiên xuống quá thấp (+0,6), trong khi để trạm hoạt động hiệu quả mực nước phải từ +0,9m trở lên. Do vậy, tiến độ lấy nước đổ ải trên địa bàn thị xã Duy Tiên khá chậm, mới đạt khoảng 40% diện tích đất cấy (cùng thời điểm hàng năm đạt 60%). Theo ông Kiều Viết Hùng, Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông thị xã Duy Tiên: Khoảng 10 năm trở lại đây nguồn nước trên các sông mới lại thiếu hụt nặng như năm nay. Đơn vị đang cố gắng tăng thời gian trực vận hành và lắp các tổ máy bơm dã chiến tại các điểm cần thiết để lấy nước cho những vùng khó khăn. Với khả năng như hiện nay, việc bơm tưới sẽ phải nghỉ tết muộn đến chiều ngày 30 và vận hành sớm từ chiều mùng 2 mới có thể kịp thời vụ.
Theo tính toán chung, khả năng đến trước Tết Nguyên đán diện tích đất gieo cấy cỏ đủ nước của tỉnh chỉ đạt hơn 70%, trong khi cùng thời điểm những năm trước đạt trên 90% diện tích. Để bảo đảm việc lấy nước phục vụ đổ ải, làm đất gieo cấy các đơn vị thủy nông đang tích cực tận dụng nguồn nước triều trên các sông (sông Hồng và sông Đáy) để bơm tưới. Đồng thời, kéo dài thêm thời gian tưới, không loại trừ khả năng có trạm sẽ phải bơm xuyên Tết. Ông Trương Đức Thiện, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình, Công ty TNHH MTV KTCTTL Hà Nam cho biết: Xác định rõ khó khăn, việc bơm tưới vụ xuân năm nay đã được công ty triển khai sớm từ cuối tháng 12 năm trước. Đến thời điểm hồ thượng nguồn xả nước đã đạt 20% diện tích đủ nước. Thời gian tới, đơn vị sẽ chỉ đạo các xí nghiệp và phối hợp cùng Công ty KTCTTL Bắc Nam Hà tăng cường bơm tưới, tận dụng tối đa nguồn nước triều trên các sông để có đủ nước làm đất theo yêu cầu mùa vụ.
Yêu cầu về nước tưới đổ ải, làm đất gieo cấy đang rất cần thiết, khẩn trương. Cùng với nỗ lực từ đơn vị thủy nông, các địa phương trong tỉnh tập trung giữ nước tránh thất thoát. Đồng thời, những diện tích có đủ nước làm đất ngay, ưu tiên những vùng có lịch gieo cấy sớm ngay sau tết Nguyên đán. Như vậy, đảm bảo lịch gieo cấy lúa xuân 2025 trong khung thời vụ tốt nhất.