Khó khăn trong giải ngân vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Điện Biên

Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg, ngày 8/1/2022, với 7 dự án thành phần, 11 tiểu dự án. Bên cạnh những dự án triển khai có hiệu quả, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án trên địa bàn huyện Điện Biên còn gặp nhiều khó khăn. Văn bản hướng dẫn chưa thực sự phù hợp với địa phương là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp.

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, năm 2024, xã Noong Luống được phân bổ nguồn vốn là 446 triệu đồng, đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân vốn đạt 0%.

Phóng viên làm việc với lãnh đạo xã Noong Luống (huyện Điện Biên).

Phóng viên làm việc với lãnh đạo xã Noong Luống (huyện Điện Biên).

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thế Hoàn, Chủ tịch UBND xã Noong Luống cho biết: Trong quá trình thực hiện các dự án, tiểu dự án: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khó khăn hỗ trợ con giống. Theo ông Hoàn: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến không thể giải ngân được nguồn vốn, khó khăn trong quá trình tìm đơn vị cung ứng con giống từ sự chưa thống nhất giữa các văn bản có liên quan. Theo quy định tại Khoản 4, Điều 20, Nghị định 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nội dung: "Ưu tiên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi và những hàng hóa, dich vụ khác do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án. Đơn giá thu mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tính theo giá thị trường trên địa bàn cùng thời điểm, được UBND cấp xã xác nhận tại giấy biên nhận mua bán với người dân". Tuy nhiên, tại Văn bản số 2196/SNN-CNTYTS ngày 19/9/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn một số nội dung liên quan đến điều kiện sản xuất, mua bán con giống vật nuôi và văn bản số 69/SNN-CPPTNT& KTTT triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2024 yêu cầu các dự án thực hiện hỗ trợ sản xuất phải theo quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018.

Tổ chức, cá nhân sản xuất con giống vật nuôi phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 55 về chăn nuôi trang trại; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp và công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với giống vật nuôi; cơ sở nuôi giữ giống gốc, cơ sở đào tạo dòng, giống vật nuôi phải có nhân viên kỹ thuật có trình độ đại học trở lên và một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học, cơ sở nuôi đàn giống cấp bố mẹ đối với lợn, gia cầm, đàn nhân giống... có hồ sơ giống ghi tên giống, cấp giống xuất xứ, số lượng, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật (Khoản 2, Điều 22, Luật Chăn nuôi).

Đối ứng 40% kinh phí theo quy định là không khả thi đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia dự án.

Đối ứng 40% kinh phí theo quy định là không khả thi đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia dự án.

Cũng giống như xã Noong Luống, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, xã Thanh An gặp không ít những khó khăn, dẫn đến nguồn vốn "đóng băng". Theo ông Lò Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Thanh An: Năm 2024, từ nguồn vốn Chương trình, xã được phân bổ 309 triệu đồng. Tính đến tháng 12/2024, tỷ lệ giải ngân đạt 0%. Lý giải nguyên nhân, ông Chính cho rằng: Đối tượng triển khai thực hiện dự án hỗ trợ giảm nghèo là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, không có sinh kế ổn định. Thế nhưng, kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng trên chỉ ở mức 60%, còn lại họ phải đối ứng 40%. "Đa số hộ nghèo trên địa bàn xã thuộc diện khó khăn, bệnh tật, nên việc đối ứng 40% kinh phí theo quy định là không khả thi đối với những hộ tham gia dự án" - ông Chính nói.

Đối với các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn phần lớn người dân chỉ đề xuất Nhà nước hỗ trợ nuôi trâu, bò sinh sản.

Đối với các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn phần lớn người dân chỉ đề xuất Nhà nước hỗ trợ nuôi trâu, bò sinh sản.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Điện Biên được phân bổ nguồn vốn trên 33 tỷ đồng, trong đó kinh phí năm 2023 chuyển nguồn sang năm 2024 hơn 17 tỷ đồng. Kinh phí giao mới cho năm 2024 trên 16 tỷ đồng (trong đó: Vốn ngân sách Trung ương trên 15 tỷ đồng, ngân sách huyện đối ứng hơn 491 triệu đồng), hiện đã thực hiện được Tiểu dự 1 - Dự án 4 - Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Năm 2024, huyện đã giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo ước đạt 13,83%. Ông Đặc Quốc Hương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện - cơ quan thường trực thực hiện Chương trình cho biết: Về thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất khó khăn trong việc kết nối, tìm kiếm được các đơn vị tổ chức, cá nhân đủ năng lực để làm chủ trì liên kết thực hiện các dự án liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Không có đơn vị cung ứng con giống gia súc đảm bảo theo quy định của Luật Chăn nuôi. Khó khăn trong việc xác định nội dung hỗ trợ về loài vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế của các đối tượng thụ hưởng. Đối với các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, phần lớn chỉ đề xuất Nhà nước hỗ trợ nuôi trâu, bò sinh sản (vì đối với chăn nuôi lợn thì đang xuất hiện lại bệnh dịch tả lợn châu Phi, chăn nuôi gia cầm không đem lại hiệu quả kinh tế). Đối với Tiểu dự án 3 - Dự án 4, hỗ trợ giao dịch việc làm căn cứ Khoản 1, Điều 71, Thông tư 55/2023/TT - của Bộ Tài chính. Đối với các doanh nghiệp tư vấn, hỗ trợ, tuyển dụng lao động thông qua hội chợ chưa có định mức hỗ trợ cụ thể, do đó không có cơ sở để lập dự toán, ký hợp đồng với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh (theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP), đây là những nguyên nhân dẫn đến chưa thể thực hiện được các dự án chương trình mục tiêu quốc gia.

Bài, ảnh: Quang Hùng

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/kho-khan-trong-giai-ngan-von-tu-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-tai-huyen-dien-bien
Zalo