Khó khăn tài chính Israel phải đối mặt khi xung đột kéo dài

Chi phí tài chính tăng vọt từ cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hamas đang làm dấy lên mối lo ngại về tác động lâu dài của cuộc chiến đối với nền kinh tế của đất nước.

Một người lao động thuê từ Malawi làm việc trong nhà kính của nông trang Sharsheret, gần Gaza hồi tháng 1/2024. Ảnh: El Pais

Một người lao động thuê từ Malawi làm việc trong nhà kính của nông trang Sharsheret, gần Gaza hồi tháng 1/2024. Ảnh: El Pais

Theo hãng tin AP, chi tiêu quân sự Israel đã tăng vọt và tăng trưởng đã đình trệ, đặc biệt là ở các khu vực biên giới nguy hiểm mà người dân đã được sơ tán. Các nhà kinh tế cho biết đất nước có thể phải đối mặt với tình trạng đầu tư giảm và thuế cao hơn khi chiến tranh đè gánh nặng lên ngân sách chính phủ và buộc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn giữa các chương trình xã hội và quân đội.

Chi tiêu quân sự tăng vọt

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, trung bình mỗi tháng chính phủ Israel đang chi nhiều hơn cho quân đội, từ 1,8 tỷ USD trước cuộc đột kích ngày 7/10/2023, lên khoảng 4,7 tỷ USD vào cuối năm ngoái.

Theo viện này, chính phủ Israel đã chi 27,5 tỷ USD cho quân đội vào năm ngoái, xếp thứ 15 trên toàn cầu sau Ba Lan. Chi tiêu quân sự tính theo tỷ lệ phần trăm sản lượng kinh tế hàng năm là 5,3%, so với 3,4% của Mỹ và 1,5% của Đức.

Chiến tranh tổn hại đến tăng trưởng và nguồn cung lao động

Trong 3 tháng sau khi Hamas tấn công, sản lượng kinh tế của Israel đã giảm 5,6%, mức giảm tệ nhất trong số 38 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Nền kinh tế đã phục hồi một phần với mức tăng trưởng 4% trong nửa đầu năm nay nhưng chỉ tăng 0,2% trong quý 2.

Chiến tranh còn gây ra thiệt hại thậm chí còn nặng nề hơn cho nền kinh tế của Gaza, nơi 90% dân số đã phải di dời và phần lớn lực lượng lao động thất nghiệp. Nền kinh tế Bờ Tây cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nơi hàng chục nghìn lao động Palestine mất việc làm tại Israel sau ngày 7/10. Ngân hàng Thế giới cho biết nền kinh tế Bờ Tây đã suy giảm 25% trong quý đầu tiên.

Tại Israel, chiến tranh đã gây ra nhiều gánh nặng kinh tế. Việc kêu gọi nhập ngũ và gia hạn nghĩa vụ quân sự đe dọa làm giảm nguồn cung lao động. Những lo ngại về an ninh ngăn cản đầu tư vào các doanh nghiệp mới và sự gián đoạn trong các chuyến bay đã khiến nhiều du khách tránh xa, ảnh hưởng đến ngành du lịch.

Trong khi đó, chính phủ cũng phải chu cấp chỗ ở cho hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa ở phía Nam gần biên giới với Gaza và ở phía Bắc nơi họ phải hứng chịu hỏa lực từ Hezbollah.

Một trong những mối lo ngại lớn nhất là thời gian chiến tranh kéo dài hơn một năm và chưa có dấu hiệu kết thúc. Năm 2006, nền kinh tế Israel đã phục hồi nhanh chóng sau cuộc chiến với Hezbollah ở miền Nam Liban. Nhưng cuộc xung đột đó chỉ kéo dài 34 ngày.

Ngày 27/9, công ty tư vấn tài chính Moody's Ratings hạ xếp hạng tín dụng của chính phủ Israel xuống hai bậc.

Nền kinh tế vẫn mạnh, với mức nợ khiêm tốn

Giới phân tích đánh giá dù bị ảnh hưởng song nền kinh tế Israel khó có thể sụp đổ. Đất nước này có nền kinh tế đa dạng, phát triển cao với ngành công nghệ thông tin mạnh mẽ, hỗ trợ doanh thu thuế và chi tiêu quốc phòng. Tỷ lệ thất nghiệp thấp và chỉ số chứng khoán TA-35 tăng 10,5% trong năm.

Ngay cả trong bối cảnh giao tranh, các công ty công nghệ đã huy động được khoảng 2,5 tỷ USD vốn trong quý 3.

Ngay khi Israel bắt đầu cuộc chiến, mức nợ chính phủ cũng chỉ ở mức tương đối khiêm tốn là 60% GDP.

Nguồn hỗ trợ từ Mỹ

Trước chiến tranh, viện trợ quân sự của Mỹ cho Israel lên tới khoảng 3,8 tỷ USD/năm theo một thỏa thuận được ký kết dưới thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama. Con số này chiếm khoảng 14% chi tiêu quân sự trước chiến tranh của Israel,.

Theo báo cáo của dự án Chi phí chiến tranh của Đại học Brown được công bố vào ngày 7/10/2024, kể từ khi chiến tranh ở Gaza bắt đầu và dẫn đến xung đột leo thang trên khắp Trung Đông, Mỹ đã chi kỷ lục ít nhất 17,9 tỷ USD viện trợ quân sự cho Israel.

Ngoài viện trợ quân sự, Mỹ đã cung cấp hỗ trợ tài chính quan trọng cho Israel trong thời kỳ khó khăn. Quốc hội năm 2003 đã phê duyệt 9 tỷ USD bảo lãnh tín dụng cho phép Israel vay với lãi suất phải chăng sau khi nền kinh tế bị ảnh hưởng do cuộc nổi dậy của người Palestine. Một số khoản bảo lãnh này vẫn chưa được sử dụng và về mặt lý thuyết Israel có thể được khai thác để ổn định tài chính của chính phủ nếu Israel phải đối mặt với chi phí vay không đủ khả năng chi trả.

Giải pháp trước mắt

Chính phủ Israel đã triệu tập một ủy ban để đưa ra các khuyến nghị về quy mô ngân sách quốc phòng trong tương lai và đánh giá cách chi tiêu quốc phòng tăng có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào.

Nhà kinh tế học Zvi Eckstein, người đứng đầu Viện Chính sách Kinh tế Aaron tại Đại học Reichman, cho biết một ngân sách bao gồm một số khoản tăng thuế và cắt giảm chi tiêu xã hội sẽ là cần thiết để hỗ trợ sự phục hồi sau chiến tranh và chi trả cho các chi phí quốc phòng đang diễn ra có khả năng cao hơn.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo AP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/kho-khan-tai-chinh-israel-phai-doi-mat-khi-xung-dot-keo-dai-20241021184401808.htm
Zalo