Khó khăn phát sinh sau 15 ngày vận hành chính quyền cấp xã mới tại Đắk Lắk

Sau hơn 2 tuần chính thức vận hành mô hình chính quyền hai cấp, tại nhiều xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hàng loạt khó khăn đã nảy sinh, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chuyên môn và việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Có mặt tại Trung tâm phục vụ hành chính công của xã Ea Knốp từ sáng sớm, song đến 10h30 bà Phạm Thị Lý ở khối 2, phải ngậm ngùi quay về vì cán bộ trả lời hồ sơ của bà chưa thể thực hiện. Bà Lý cho biết, đây là lần thứ 4 bà đến xã mới để hỏi về kết quả thủ tục điều chỉnh sổ đỏ của bà, nhưng lần nào đến, cán bộ đều trả lời là chưa có con dấu.

Đường truyền yếu dẫn đến sự chậm trễ, ách tắc trong việc thực hiện thủ tục trực tuyến cho người dân

Đường truyền yếu dẫn đến sự chậm trễ, ách tắc trong việc thực hiện thủ tục trực tuyến cho người dân

Thực tế cho thấy, sau khi chuyển sang mô hình mới, nhiều xã rơi vào tình trạng "đóng băng" hồ sơ do thiếu con dấu và vướng mắc thủ tục hành chính chuyển tiếp giữa cấp huyện cũ và đơn vị mới. Những sự chậm trễ này trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.

Cũng như người dân, đội ngũ cán bộ tại các xã đang chịu áp lực lớn khi vừa phải làm quen với công việc mới, vừa gồng gánh xử lý hồ sơ tồn. Ông Nguyễn Như Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã Ea Knốp cho biết, đơn vị được biên chế 9 công chức, trong đó có 60% phải làm trái chuyên ngành nên tình trạng lúng túng chậm trễ là khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Như Hiếu (đứng) cùng cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Ea Knốp hỗ trợ người dân tới làm thủ tục

Ông Nguyễn Như Hiếu (đứng) cùng cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Ea Knốp hỗ trợ người dân tới làm thủ tục

Bên cạnh việc nhiều cán bộ phải “xoay ngang” công việc không đúng chuyên ngành, ở Ea Knốp còn xảy ra các sự cố treo hệ thống phần mềm hành chính hoặc kết nối rất yếu. Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Knốp, những bất cập vừa nêu, cộng thêm việc chưa được cấp con dấu chuyên môn khiến việc giải quyết thủ tục hành chính gần như bị tê liệt.

“Bây giờ Ủy ban đang soạn sẵn thư xin lỗi rồi, chờ đến ngày là xin lỗi vì dân đến nộp là phải nhận, đẩy vào trong hệ thống thì giờ hồ sơ đang bị tồn. Hiện bây giờ thì anh em cũng đang cố gắng xử lý, vừa thực hiện việc nhập hồ sơ trên hệ thống để chờ phần mềm xử lý cho dân. Một mặt là xử lý cái hồ sơ bằng thủ công để giải quyết tình huống trước mắt. Những cái hồ sơ nào giải quyết thủ công được thì huy động lực lượng để ra mà xử lý hồ sơ cho dân”, ông Hưng cho biết.

Tại xã Quảng Phú – nơi được xem là trung tâm, dù cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo, song địa phương cũng không tránh khỏi những khó khăn về nhân lực, đường truyền và nguồn lực. Ông Nguyễn Công Văn, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết từ ngày 1/7 đến nay, xã chưa được cấp ngân sách cho các hoạt động thiết yếu nên phát sinh nhiều khoản vay, ứng bên ngoài, rất bất tiện:

“Hiện tại đến giờ phút này xã cũng chưa được cấp nguồn để triển khai tổ chức các hoạt động, hầu như để đáp ứng được yêu cầu thì phải vay, mượn hoặc là hợp đồng với các đơn vị dịch vụ làm trước rồi sau này trả sau. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện cũng nhận được sự đồng tâm, đồng lực của cán bộ công chức và sự quan tâm của nười dân với một mong muốn từng bước sẽ hiện đại nền hành chính để đáp ứng yêu cầu”, ông Văn chia sẻ.

Dù đã hoạt động được 15 ngày, song các cán bộ vẫn vừa làm việc vừa loay hoay dọn chỗ ngồi vì cơ sở vẫn còn đang tạm bợ

Dù đã hoạt động được 15 ngày, song các cán bộ vẫn vừa làm việc vừa loay hoay dọn chỗ ngồi vì cơ sở vẫn còn đang tạm bợ

Trước tình hình này, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã có các chỉ đạo, về tận dụng trụ sở cũ, khẩn trương sửa chữa thêm phòng ốc; phối hợp với Viettel và VNPT để nâng cấp đường truyền Internet. Tỉnh cũng yêu cầu ngành Công an đẩy nhanh tiến độ cấp đổi con dấu cho các đơn vị. Ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định, tỉnh cam kết đồng hành cùng các xã, phường, tháo gỡ khó khăn từng bước để chính quyền cấp xã mới sớm vận hành ổn định.

“Sở Tài chính cân đối ngay ngân sách cho các địa phương, trong đó có khoản Trung ương hỗ trợ 500 triệu đồng một xã sau sáp nhập. Các xã bây giờ phân cấp phân quyền rất lớn, xã hoạt động mà không có kinh phí làm sao được. Rất lưu ý những thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, không để ách tắc, chúng tôi sẽ kiểm tra lại tất cả những vấn đề về mặt hỗ trợ”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Mô hình chính quyền hai cấp là bước đi tất yếu nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, thực tiễn tại Đắk Lắk cho thấy, để hệ thống đi vào vận hành trơn tru, rất cần sự phối hợp đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, cùng với đó là cơ chế linh hoạt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập ngay từ giai đoạn đầu.

Nam Trang/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/kho-khan-phat-sinh-sau-15-ngay-van-hanh-chinh-quyen-cap-xa-moi-tai-dak-lak-post1215761.vov
Zalo