Phú Thọ quyết liệt thu hồi đất cho dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng

Chủ tịch tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông yêu cầu Bí thư, chủ tịch các xã, phường có đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua cần 'xắn tay' vào cuộc ngay, tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng và phải khởi công các khu tái định cư vào ngày 19/8 tới cho kịp tiến độ.

Thu hồi trên 630ha đất, tái định cư hơn 1.800 hộ dân

Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là một trong những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, đóng vai trò chiến lược trong việc kết nối vùng Tây Bắc với các trung tâm kinh tế lớn của vùng đồng bằng sông Hồng và cảng biển Hải Phòng.

Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là một trong những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, đi qua tỉnh Phú Thọ dài gần 100km, đi qua 5 phường và 15 xã. Ảnh AI.

Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là một trong những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, đi qua tỉnh Phú Thọ dài gần 100km, đi qua 5 phường và 15 xã. Ảnh AI.

Trong đó, đoạn tuyến đi qua tỉnh Phú Thọ dài gần 100km, đi qua 5 phường và 15 xã, điểm đầu tuyến tại xã Đan Thượng, điểm cuối tại phường Phúc Yên; tuyến có 4 nhà ga hỗn hợp và 1 ga hành khách; có 2 trạm tác nghiệp kỹ thuật tại xã Hạ Hòa và xã Quảng Yên.

Tổng diện tích đất dự kiến sử dụng hơn 630 ha và phải thực hiện công tác tái định cư cho trên 1.800 hộ dân. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (dự kiến) 12.363,2 tỷ đồng.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc (cũ), nay là tỉnh Phú Thọ đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng kế hoạch triển khai và dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đây là tiền đề quan trọng nhằm bảo đảm tiến độ cho một dự án có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn như tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế, nhiều khó khăn, vướng mắc đã nảy sinh, đặc biệt là về vấn đề cơ chế chính sách.

Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ trình bày một số khó khăn vướng mắc dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng gặp phải sau hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hòa Bình. Ảnh: phutho.gov.

Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ trình bày một số khó khăn vướng mắc dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng gặp phải sau hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hòa Bình. Ảnh: phutho.gov.

Tại Hội nghị đánh giá tiến độ dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng mới đây do Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông chủ trì, đại diện các sở, ban, ngành và các địa phương tỉnh Phú Thọ đã thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, khó khăn.

Một trong những bất cập nổi bật là việc chưa có sự thống nhất trong bảng giá đất. Khi sáp nhập tỉnh, các văn bản pháp lý về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do UBND tỉnh cũ ban hành không còn phù hợp, không đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục thực hiện sau sáp nhập.

Ngoài ra, hiện chưa có quy định cụ thể về cách thức triển khai công tác GPMB song song với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Bộ Xây dựng cũng chưa ban hành hướng dẫn thống nhất để các địa phương thực hiện đồng bộ trên toàn tuyến...

Để dự án được triển khai đúng tiến độ vào cuối năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông nhấn mạnh, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là dự án trọng điểm quốc gia, mang ý nghĩa chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Do vậy, cần quyết tâm cao trong triển khai thực hiện và phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành liên quan.

Về phương thức tổ chức GPMB, tỉnh Phú Thọ thống nhất giao Ban Quản lý dự án (QLDA) khu vực Vĩnh Phúc thực hiện vai trò vừa là chủ đầu tư, vừa trực tiếp thực hiện toàn bộ công tác GPMB tại địa bàn Vĩnh Phúc.

Đối với khu vực Phú Thọ, công việc này do Ban QLDA khu vực Phú Thọ đảm nhận, phối hợp cùng Trung tâm Phát triển quỹ đất tổ chức triển khai GPMB trên đoạn tuyến đi qua địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông chủ trì hội nghị chỉ đạo công tác GPMB dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: phutho.gov.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông chủ trì hội nghị chỉ đạo công tác GPMB dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: phutho.gov.

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua địa phận tỉnh Phú Thọ có điểm đầu tuyến tại xã Đan Thượng, điểm cuối tại phường Phúc Yên; tuyến có 4 nhà ga hỗn hợp và 1 ga hành khách; có 2 trạm tác nghiệp kỹ thuật tại xã Hạ Hòa và xã Quảng Yên. Ảnh minh họa

Phải khởi công dự án tái định cư vào ngày 19/8 tới

Đặc biệt, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế chính sách bồi thường, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông giao Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương tham mưu xây dựng một chính sách GPMB chung áp dụng trên toàn tỉnh.

Chính sách này cần đảm bảo không có sự chênh lệch giữa các địa phương sau sáp nhập và đồng thời đánh giá rõ tác động của việc thực hiện đầu tư công đến người dân và ngân sách địa phương.

Sở phải hoàn thiện, trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 31/7/2025 để làm cơ sở pháp lý cho toàn bộ quá trình triển khai bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Song song với đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng phải đề xuất bổ sung giá đất vào bảng giá đất của các khu tái định cư, làm căn cứ để giao đất tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Nhiệm vụ này phải hoàn thành trong tháng 10/2025.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng làm cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đường sắt tỉnh, là đầu mối tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Xây dựng định kỳ hàng tuần, hàng tháng. Sở cũng được giao xây dựng kế hoạch tổng thể GPMB chung của dự án trên địa bàn, trong đó xác định rõ các mốc thời gian triển khai và trách nhiệm cụ thể của từng cấp, ngành.

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua địa phận tỉnh Phú Thọ có điểm đầu tuyến tại xã Đan Thượng, điểm cuối tại phường Phúc Yên; tuyến có 4 nhà ga hỗn hợp và 1 ga hành khách; có 2 trạm tác nghiệp kỹ thuật tại xã Hạ Hòa và xã Quảng Yên.

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua địa phận tỉnh Phú Thọ có điểm đầu tuyến tại xã Đan Thượng, điểm cuối tại phường Phúc Yên; tuyến có 4 nhà ga hỗn hợp và 1 ga hành khách; có 2 trạm tác nghiệp kỹ thuật tại xã Hạ Hòa và xã Quảng Yên.

Để có cơ sở triển khai kiểm kê và lập phương án bồi thường, Sở Xây dựng được giao tham mưu văn bản đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Ban QLDA đường sắt sớm bàn giao hồ sơ thiết kế sơ bộ điều chỉnh phương án tuyến, cũng như mốc giới tại thực địa.

Sở Tài chính được giao tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm bố trí vốn phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án.

Để đảm bảo sự chủ động từ cơ sở, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các xã, phường có tuyến đường sắt đi qua phải thành lập Ban Chỉ đạo GPMB cấp xã trước ngày 20/7.

Trong đó, Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND xã/phường làm Phó trưởng ban thường trực. Các Ban chỉ đạo cấp xã có trách nhiệm tổ chức quy hoạch khu tái định cư, lấy ý kiến nhân dân, đảm bảo công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm trực tiếp trước UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo dự án đường sắt do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban.

Tập trung hoàn thiện đầy đủ các điều kiện cần thiết cho lễ khởi công dự án tái định cư, dự kiến tổ chức vào ngày 19/8 tới đây, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, cùng các địa phương lựa chọn địa điểm phù hợp, đủ điều kiện thi công.

Việc chuẩn bị mặt bằng, mốc giới, hồ sơ pháp lý liên quan phải được hoàn tất trong thời gian ngắn, bảo đảm đúng tiến độ, đúng quy trình, thủ tục đầu tư công.

Theo Nghị quyết 187/2025/QH15 của Quốc hội, dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dài khoảng 419km có điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng) với tổng vốn 203.231 tỷ đồng (tương đương 8,37 tỷ USD), khởi công trong tháng 12/2025 và phấn đấu hoàn thành chậm nhất năm 2030.

Mục tiêu nhằm xây dựng tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, bảo đảm kết nối hiệu quả các mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng.

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/phu-tho-quyet-liet-thu-hoi-dat-cho-du-an-duong-sat-lao-cai-ha-noi-hai-phong-post1216191.vov
Zalo