Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp vừa và nhỏ là thiếu vốn, chi phí quá nhiều
Về kinh phí đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) trong doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ (DNVVN), chỉ 14,7% DN đầu tư ở mức trên 30%; 15,4% đầu tư ở mức 20-30%; 28,7 % DN đầu tư ở mức 10-20% và đầu tư dưới 10% là 35% DN; 6,3% DN không đầu tư.
Ngày 3/12 tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu truyền thống và phát triển tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta gia đoạn 2021-2030".
Theo Tổng cục Thống kê, số DN cả nước tính đến 31/12/2021 là 718.697 trong đó, số DN quy mô siêu nhỏ, chiếm 69,3%; DN quy mô nhỏ chiếm 24,4%; DN quy mô vừa, chiếm 3,5%; số DN có quy mô lớn, chiếm 2,6%. Số DN thành lập mới năm 2022 là 148.533 DN, tăng 27%. Đến hết năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, DNVVN chiếm khoảng 97%, sử dụng 51% lao động và đóng góp hơn 40% GDP.
TS. Đỗ Thị Kim Anh, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng cho biết, theo điều tra, khảo sát tại 10 tỉnh/thành phố với mẫu thống kê chi tiết 300 DN, khảo sát 1.200 nhân lực khoa học, công nghệ trẻ, chủ DN, đại diện các nhà quản lý, kết quả cho thấy, 47,8% DNVVN có áp dụng thành tựu KH&CN; 18,4% có nghiên cứu đổi mới sáng tạo; 14,3% áp dụng thành tựu nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo KH&CN. Nhưng có tới 19,5% DN không áp dụng thành tựu gì.
Về kinh phí đầu tư cho phát triển KH&CN trong DNVVN, chỉ 14,7% DN đầu tư ở mức trên 30%; 15,4% đầu tư ở mức 20-30%; 28,7 % DN đầu tư ở mức 10-20% và đầu tư dưới 10% là 35% DN; 6,3% DN không đầu tư.
Cũng theo kết quả khảo sát, chỉ có 49/300 DN cho biết họ có bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D). Ngoài ra, 8% DN cho biết R&D hoạt động theo nhiệm vụ lãnh đạo giao; 4% hướng tới việc xây dựng chương trình đào tạo nội bộ và 28% DN cho biết bộ phận này vận hành theo cơ chế khác.
Mặc dù có nhiều thuận lợi trong hội nhập, chuyển đổi số và các chính sách hỗ trợ, song các chuyên gia cho rằng, theo khảo sát thì khó khăn lớn nhất đối với DNVVN trong đầu tư phát triển KH&CN là thiếu vốn, chi phí nhiều; 51,8% DN cho rằng thiếu kinh phí đầu tư công nghệ mới; rủi ro về công nghệ lỗi thời, đầu tư công nghệ không đủ tạo lợi nhuận, thiếu bộ phận R&D; và có tới 46,1% DN cho rằng thiếu nhân lực KH&CN có chất lượng.
Theo các chuyên gia, qua kết quả nghiên cứu, khảo sát cho thấy, Việt Nam với khoảng 97% DN thuộc nhóm vừa và nhỏ, sự đổi mới tư duy trong việc áp dụng công nghệ vẫn chưa mạnh mẽ, khiến nhiều DN gặp khó khăn trong việc bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ hiện đại. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ trong các DN Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực chế tạo và dịch vụ, vẫn còn ở mức độ thấp. Bên cạnh đó, các DNVVN còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tiếp cận và ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo; khó khăn vấn đề vốn; xây dựng hình ảnh và nhận diện thương hiệu; phát triển nguồn nhân lực KH&CN.
Nhân lực KH&CN trẻ sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số, giúp DN ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và quản lý, đồng thời đây sẽ là chìa khóa giúp các DNVVN sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc phát triển nguồn nhân lực KH&CN vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực KH&CN, các chuyên gia cho rằng, các DN, đặc biệt là DNVVN, cần nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc đầu tư vào nguồn nhân lực KH&CN để có thể ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh.
Đồng thời, cần xây dựng các chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển nhân lực KH&CN trẻ, giúp họ tiếp cận với các công nghệ mới và đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường. Tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh nhằm thúc đẩy DN, các đơn vị, cá nhân đầu tư cho phát triển KH&CN, nghiên cứu sâu.
Để tháo gỡ các nút thắt chính sách, Nhà nước cần sớm ban hành các nghị định hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là trong việc thực hiện các quy định về ưu đãi cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, cần thực hiện thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ.
PGS.TS. Bùi Quang Tấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, hiện nhiều ngành đã ứng dụng AI vào trong sản xuất, kinh doanh giúp nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, mở ra cơ hội việc làm mới hấp dẫn cho lực lượng trẻ. Trong thời gian tới, nên có chính sách ưu đãi để khuyến khích nghiên cứu và phát triển công nghệ. Đầu tư vào giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.