Khó khăn của ngành xây dựng trong những tháng cuối năm

Những tháng cuối năm thường được coi là 'mùa xây dựng' tại tỉnh Hưng Yên, khi các công trình từ giao thông, hạ tầng đến nhà ở dân sinh đều bước vào giai đoạn thi công cao điểm. Tuy nhiên, năm nay, ngành xây dựng đang phải đối mặt với hai khó khăn lớn, đó là thời tiết không thuận lợi và tình trạng thiếu hụt lao động, dẫn đến sự chậm trễ về tiến độ các dự án.

Hoạt động xây dựng nhà ở dân sinh tại xã Ngô Quyền (Tiên Lữ)

Hoạt động xây dựng nhà ở dân sinh tại xã Ngô Quyền (Tiên Lữ)

Thông thường, những tháng cuối năm, đặc biệt từ tháng 8 trở đi, thời tiết tại tỉnh Hưng Yên chuyển sang hanh khô, mát mẻ, thuận lợi cho các hoạt động xây dựng. Thế nhưng, năm nay, tình hình thời tiết lại diễn biến phức tạp. Sau những tháng hè nắng nóng kéo dài, bão, lũ và mưa lớn xuất hiện, gây ra gián đoạn cho nhiều công trình. Trong khi đó, ngay từ những tháng đầu năm, hoạt động xây dựng, đầu tư hạ tầng đã diễn ra sôi nổi ở tất cả các địa phương trong tỉnh với hàng trăm dự án lớn nhỏ như: Giao thông, đô thị, khu công nghiệp... Bên cạnh đó là hoạt động xây dựng nhà ở, công trình dân dụng với gần 1 nghìn ngôi nhà xây mới, nâng cấp, sửa chữa.

Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ thầu xây dựng công trình đường giao thông tại huyện Khoái Châu cho biết: Mưa nhiều khiến chúng tôi phải tạm dừng thi công nhiều lần. Các hạng mục bê tông, nền móng đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi độ ẩm, dẫn đến việc phải chờ thời tiết khô ráo hơn để tiếp tục thi công. Chỉ tính riêng công trình của tôi, tiến độ đã chậm hơn dự kiến gần 2 tháng.

Các công trình giao thông và hạ tầng vốn cần sự khô ráo và ổn định của thời tiết để tiến hành các hạng mục như đổ bê tông, lát đá, hoặc trải bê tông nhựa. Mưa nhiều không chỉ làm chậm tiến độ mà còn gây nguy cơ hư hại các phần đã thi công, dẫn đến chi phí sửa chữa, bảo trì tăng cao. Các nhà thầu đứng trước áp lực không chỉ về thời gian mà còn về tài chính khi phải tăng nhân lực, vật tư để khắc phục hậu quả của thời tiết xấu.

Tổng số vốn theo kế hoạch đầu tư công năm 2024 trên địa bàn thành phố Hưng Yên là gần 693 tỷ đồng, với 86 công trình. Như Dự án Đường giao thông liên xã Phú Cường - Hùng Cường năm nay được bố trí nguồn vốn 13,6 tỷ đồng, đến tháng 8 đã giải ngân được 6 tỷ đồng. Hiện nay, công trình đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đang cần đẩy mạnh việc thi công nền đường nhưng phải chững lại gần 1 tháng nay do ảnh hưởng của thời tiết, mưa, lũ.

Ngoài yếu tố thời tiết, sự thiếu hụt lao động cũng đang là một thách thức lớn với ngành xây dựng tại tỉnh. Theo tổng hợp của Sở Xây dựng, toàn tỉnh có hơn 18 nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng, cùng với hơn 600 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã được cấp phép. Song, với tình hình thực tế xây dựng hiện nay, có rất nhiều công trình đang triển khai, từ các dự án hạ tầng giao thông, đô thị đến các khu dân cư và nhà ở, lực lượng lao động địa phương không thể đáp ứng được nhu cầu tăng cao này.

Ghi nhận từ các địa phương, dù đã có sự điều chuyển lao động từ các tỉnh lân cận đến làm việc, nhưng nguồn nhân lực vẫn thiếu hụt. Các công nhân lành nghề thường tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, hoặc các khu công nghiệp, nơi họ được trả lương cao hơn. Việc thiếu nhân lực lao động trong ngành xây dựng ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ đầu tư xây dựng.

Ông Trần Đình Phúc, một nhà thầu tại huyện Văn Lâm, chia sẻ: Chúng tôi phải thuê thêm 50% lao động ngoại tỉnh từ tháng 5 đến nay, nhưng không phải ai cũng có kinh nghiệm làm việc trong ngành xây dựng. Do người lao động vừa làm vừa học, công việc thường kéo dài hơn dự kiến, chưa kể có những công trình phải tạm dừng do không đủ nhân lực. Để thu hút và giữ lao động, chi phí phục vụ trả lương cũng tăng lên từ 15 đến 20%.

Trước tình hình này, ngành xây dựng Hưng Yên đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp để vượt qua khó khăn. Sở Xây dựng đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung nguồn lực, ưu tiên hoàn thiện những hạng mục quan trọng, đồng thời tăng cường sử dụng công nghệ và máy để giảm bớt sự phụ thuộc vào lao động thủ công. Đặc biệt, việc khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng hợp tác, chia sẻ nguồn lực lao động cũng được đề xuất như một giải pháp trước mắt. Đối với các công trình lớn, Sở Xây dựng yêu cầu nhà thầu cần lên kế hoạch dự phòng, chủ động điều chỉnh tiến độ thi công phù hợp với điều kiện thời tiết và nguồn lao động hiện có. Ngoài ra, ngành xây dựng khuyến cáo các nhà thầu đặc biệt chú ý đến vấn đề an toàn lao động, nhất là trong điều kiện thời tiết bất thuận, mưa bão. Các công trình nên ưu tiên hoàn thành những hạng mục ngoài trời khi thời tiết khô ráo và tăng cường biện pháp bảo vệ kết cấu công trình trong thời gian mưa lớn để tránh thiệt hại.

Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, tỉnh đã có chủ trương tăng cường đào tạo nghề cho lao động địa phương, đồng thời kết nối với các địa phương lân cận nhằm huy động thêm lực lượng lao động. Đây là giải pháp dài hạn giúp cải thiện nguồn nhân lực trong ngành xây dựng của tỉnh.

Vi Ngoan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kho-khan-cua-nganh-xay-dung-trong-nhung-thang-cuoi-nam-3175601.html
Zalo