Khó khăn bủa vây lao động trung niên tìm việc
Dù có lợi thế hơn so với lao động trẻ về mặt kinh nghiệm, song lao động trung niên lại bị 'vướng' định kiến là có năng suất làm việc kém hơn, hoặc khó thích nghi với những thay đổi và công nghệ mới. Điều này dẫn đến việc họ ít có cơ hội được phỏng vấn và tuyển dụng, nên gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm.
Có kinh nghiệm vẫn khó tìm việc
Gần 20 năm kinh nghiệm làm kế toán kho, cuối năm 2021, bà Nguyễn Thị Thúy (44 tuổi; ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) rơi vào cảnh thất nghiệp do dịch bệnh. Từ đó đến nay, bà Thúy đã gửi hồ sơ ứng tuyển hơn 10 công ty nhưng chỉ có 3 nơi gọi đi phỏng vấn và kết quả cuối cùng là bà vẫn chưa tìm được việc làm."Các công ty đều đòi hỏi cao ở kỹ năng thực hành, phải sử dụng thành thạo phần mềm kế toán mới nhất mà mấy năm không đi làm tôi chưa kịp cập nhật, do đó, tôi không được tuyển dụng"- bà Thúy kể.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Chung (45 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) dù đã có kinh nghiệm 10 năm làm Trưởng phòng kinh doanh kiêm trợ lý Giám đốc doanh nghiệp nhưng cũng vẫn chịu cảnh thất nghiệp suốt gần 4 năm nay, kể từ khi Công ty gặp khó khăn, phải dừng sản xuất do dịch bệnh Covid - 19. “Tôi đã gửi hồ sơ xin việc cả trực tiếp và online nhưng hầu hết đều bị từ chối luôn vì lý do tuổi tác. Một số bạn bè, người quen biết về kinh nghiệm của tôi thì cũng giới thiệu công việc kinh doanh phù hợp với chuyên môn, nhưng khi thử việc tôi cảm thấy không còn đủ sức đi thị trường như các bạn trẻ, làm kinh doanh không còn hiệu quả như trước nữa nên chủ động xin thôi”- ông Chung cho biết.
Còn bà Nguyễn Thu Trang (42 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội), từng là quản lý bán hàng của một tập đoàn kinh doanh trang sức hiện cũng chịu cảnh thất nghiệp, sau khi nghỉ việc ở Công ty cũ vì lý do tuổi tác. Bà Trang kể, do công việc cũ áp lực và muốn có thời gian dành cho gia đình, cho bản thân nhiều hơn, bà Trang đã xin nghỉ việc.Sau một thời gian nghỉ ngơi, bà Trang bắt đầu đi tìm một công việc khác để đi làm trở lại, thế nhưng nộp hồ sơ ở đâu, bà cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. "Kinh nghiệm quản lý bán hàng nhiều năm ở Công ty cũ của tôi chưa đủ thuyết phục nhà tuyển dụng bởi họ cần nhiều hơn thế. So với ứng viên trẻ, tôi mất lợi thế về sự đa năng, nhạy bén cũng như quỹ thời gian" - bà Trang thất vọng nói. Hiện bà chấp nhận làm kinh doanh tự do ở nhà để có thu nhập.
Cần chủ động thích ứng với xu hướng làm việc mới
Hiện nay, trường hợp người trung niên khó khăn tìm kiếm việc làm như trên không hiếm.Báo cáo thị trường lao động tháng 8 của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho thấy nhóm từ 35 tuổi trở lên có nhu cầu tìm việc khá cao, chiếm 40,95%, chỉ sau nhóm từ 25-34 tuổi (chiếm 48,86%). Tuy nhiên, lao động ở độ tuổi trung niên có thể gặp khó khăn khi tìm việc trên thị trường lao động hiện nay.
Nguyên nhân trước hết phải kể đến là do thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và tự động hóa đã thay đổi nhiều ngành nghề, khiến cho những kỹ năng truyền thống mà lao động trung niên sở hữu trở nên lỗi thời. Các công việc hiện đại thường yêu cầu kỹ năng sử dụng công nghệ mới mà lao động trung niên có thể thiếu.Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, 70% các vị trí công việc yêu cầu người lao động phải có kỹ năng công nghệ thông tin/tin học văn phòng. Đây là thách thức đối với lao động trung niên trong việc chuyển đổi kỹ năng làm việc.
Bên cạnh đó, lao động trung niên cũng gặp phải sự cạnh tranh với lao động trẻ. Lao động trẻ thường được ưu tiên tuyển dụng vì họ được đào tạo mới, có năng lực sử dụng công nghệ và có thể sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn.Điều này tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt cho lao động trung niên. Nhà tuyển dụng có thể có định kiến rằng lao động trung niên có năng suất làm việc kém hơn, hoặc khó thích nghi với những thay đổi và công nghệ mới.Những định kiến này dẫn đến việc họ ít có cơ hội được phỏng vấn và tuyển dụng. Có trên 60% lao động trung niên không được đào tạo bằng cấp kỹ thuật, trong khi con số này ở nhóm lao động trẻ chỉ là 45%.
Nguyên nhân nữa là do thiếu kỹ năng và đào tạo liên tục. Lao động trung niên có thể thiếu các kỹ năng cần thiết do không có cơ hội, hoặc khả năng tiếp cận với các chương trình đào tạo liên tục và cập nhật. Việc này khiến họ khó cạnh tranh với lao động trẻ hơn trong các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng mới.Trong một thị trường lao động thay đổi nhanh chóng, khả năng học tập suốt đời và nâng cao kỹ năng là rất quan trọng. Lao động trung niên có thể gặp khó khăn trong việc tham gia các chương trình đào tạo và học tập suốt đời do các trách nhiệm gia đình hoặc tài chính.Mặt khác, hiện vẫn thiếu các chính sách và chương trình hỗ trợ đặc thù cho lao động trung niên trong việc tìm kiếm việc làm, và nâng cao kỹ năng.Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các chính sách này cần tập trung vào việc đào tạo lại, tạo điều kiện cho họ tham gia vào các ngành nghề mới và hỗ trợ tài chính trong quá trình chuyển đổi nghề nghiệp.
Ngoài ra, ông Vũ Quang Thành cũng cho rằng, lao động trung niên cũng cần thích ứng với xu hướng làm việc mới. Một số lao động trung niên có thể chọn con đường làm việc tự do (freelance), hoặc khởi nghiệp như một cách để duy trì thu nhập và phát triển sự nghiệp.Những lĩnh vực như tư vấn, đào tạo và dịch vụ chuyên môn có thể phù hợp với kinh nghiệm và kỹ năng của họ. Một số lao động trung niên có thể tìm kiếm các công việc bán thời gian, hoặc công việc tạm thời để duy trì thu nhập và có thêm thời gian để học hỏi, phát triển kỹ năng mới.Đối với doanh nghiệp, có thể thiết lập các chương trình đào tạo nội bộ để nâng cao kỹ năng cho lao động trung niên, giúp họ cập nhật những kiến thức và kỹ năng mới cần thiết cho công việc, từ đó, doanh nghiệp có thể thúc đẩy môi trường làm việc đa dạng để những lao động này có cơ hội bình đẳng trong phát triển sự nghiệp.