Kho bạc nhà nước đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Kho bạc Nhà nước cũng ghi nhận, tổng hợp các khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm, Kho bạc Nhà nước có văn bản gửi đến đơn vị để phổ biến chủ trương giải ngân vốn đầu tư công để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước cũng ghi nhận, tổng hợp các khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) cho biết Kho bạc Nhà nước luôn thực hiện mọi giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân của Chính phủ.
Theo đó, hệ thống Kho bạc Nhà nước hiện triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phục vụ chủ đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi nhất khi thanh toán. Thời gian tới sẽ thực hiện triển khai thí điểm quy trình liên thông chi đầu tư; hoàn thiện phương án thanh toán trực tiếp đối với quy trình thanh toán, chi trả cho cá nhân qua tài khoản để báo cáo Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt.
Kho bạc Nhà nước có hệ thống giám sát giao dịch dịch vụ công trực tuyến, không để chậm, muộn việc xử lý hồ sơ cho các đơn vị. Hàng tháng lãnh đạo Kho bạc Nhà nước kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời, do đó, Kho bạc Nhà nước luôn sẵn sàng giải ngân ngay.
Kho bạc Nhà nước đề nghị Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp, báo cáo, đề xuất kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân hoặc đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến để tạo thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Trong quá trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công, các đơn vị Kho bạc Nhà nước phải kịp thời nắm bắt và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giải ngân vốn của từng gói thầu, dự án theo đúng thẩm quyền. Đối với các vướng mắc vượt thẩm quyền, phải khẩn trương tổng hợp và đề xuất các giải pháp tháo gỡ với cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.
Cùng với đó, thời gian qua Kho bạc Nhà nước cũng kiến nghị bộ, ngành, địa phương cần tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu để chủ đầu tư đẩy nhanh thi công.
Về phía chủ đầu tư, cần đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị hồ sơ, đấu thầu, có khối lượng thanh toán cần ngay với Kho bạc Nhà nước.
Hiện tiến độ giải ngân đầu tư công 8 tháng, đến hết tháng 8, cả nước giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 được 274.501 tỷ đồng, đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong số đó, 13 bộ và 35 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của cả nước…
Theo Bộ Tài chính có 13 bộ, cơ quan trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, cụ thể: Đài Truyền hình Việt Nam (100%), Đài Tiếng nói Việt Nam (60,72%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (58,39%), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (52,7%), Bộ Giao thông vận tải (49,67%), Long An (79,35%), Hà Tĩnh (64,98%), Thanh Hóa (64,05%), Hòa Bình (60,37%).
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết vẫn còn tới 31 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0% như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngoài ra, một số bộ, cơ quan trung ương giải ngân rất thấp như: Ủy ban Dân tộc (1,12%), Đại học quốc gia Hà Nội (2,96%), Đại học quốc gia Hồ Chí Minh (4,11%), Bộ Khoa học và Công nghệ (5,52%)….Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% như Thành phố Hồ Chí Minh (16,58%), Phú Yên (18,76%), Kon Tum (21,58%), Bắc Ninh (21,8%), Quảng Ngãi (22,8%).
Ông Trần Mạnh Hà, cho biết, trong nửa đầu năm, tỷ lệ giải ngân luôn thấp hơn giai đoạn cuối năm là do chủ đầu tư dành nhiều thời gian cho khâu chuẩn bị dự án, đấu thầu, ký hợp đồng.
Bên cạnh đó, một trong những "điểm nghẽn" lớn nhất vẫn đến từ khâu giải phóng mặt bằng nên các đơn vị chậm trễ khi thi công, dẫn đến không có giá trị thanh toán.
Cùng với đó, thời gian qua thị trường vật liệu xây dựng như: đất, đá, cát cũng có nhiều tín hiệu không thuận lợi, nhiều dự án xây dựng cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thiếu cát đắp nghiêm trọng cũng ảnh hưởng tiến độ thi công.
Về mặt chủ quan, nhiều chủ đầu tư triển khai dự án còn chậm, chậm có khối lượng thanh toán để Kho bạc Nhà nước có thể duyệt chi.