Khi ý Đảng hợp lòng dân 'miền đá' cũng nở hoa

Tín dụng chính sách - một chủ trương nhân văn của Đảng hợp với lòng dân đã làm nhiều cuộc đời người thay đổi, nhiều vùng thôn bản lột xác thoát nghèo, làm giàu.

“Lõi nghèo” từng bước “thay da đổi thịt”

Được coi là “phên dậu của Tổ quốc” - huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) nổi tiếng là nơi có địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn và dân cư rất thưa thớt. Toàn huyện chỉ có 17.000 hộ dân, trong đó 97% là đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện vẫn ở mức khá cao 54,5%.

Tuy nhiên, Đồng Văn cũng là một trong những vùng đất rất được thiên nhiên ưu đãi. Nơi đây có vùng cao nguyên đá ghi lại dấu tích về sự biến đổi địa chất và sinh học suốt hàng trăm triệu năm qua; có những biển mây phủ kín các dãy núi đá cheo leo mỗi buổi sáng sớm; có những thửa ruộng bậc thang ngập trong nắng vàng; có những triền hoa bạc hà, hoa tam giác mạch khoe sắc rực rỡ giữa màu xám của đá… Và biết bao du khách cả trong và ngoài nước đã say đắm trước nét kỳ vĩ, hoang sơ mà quyến rũ của thiên nhiên Đồng Văn. Vì vậy, với các hộ nghèo, cận nghèo sinh sống tại huyện, phát triển du lịch homestay là con đường hiệu quả nhất để sớm vượt đói, thoát nghèo.

Gia đình chị Thào Thị Dính và anh Vàng Mí Cơ ở thôn Lao Xa, xã Sủng Là là một ví dụ. Trước đây, gia đình anh chị sống trong căn nhà nhỏ ven quốc lộ 4C, chịu cảnh ồn ào, khói bụi và nguy hiểm từ xe cộ. Nhận thấy tiềm năng du lịch của vùng, hai vợ chồng quyết định bán nhà, vay thêm 150 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư kinh doanh homestay. Dù biết đó là một “canh bạc” - được ăn cả, ngã về không. “Nhưng biết phải làm sao, phát triển du lịch homestay là cách duy nhất để chúng tôi đổi đời” - chị Dính nói.

Khu homestay “Đời Đá” của gia đình chị Thào Thị Dính. Ảnh Việt Khôi

Khu homestay “Đời Đá” của gia đình chị Thào Thị Dính. Ảnh Việt Khôi

Đầu năm 2024, khu homestay mang tên “Đời Đá” chính thức hoạt động. Căn homestay với những căn nhà gỗ lợp mái ngói âm dương được ôm trọn bởi những dãy tường, bậc thang và lối đi bằng đá vôi đang mang ước mơ đổi đời của hai vợ chồng chị. “Chúng tôi chọn cái tên “Đời Đá” vì cả đời chúng tôi đã gắn bó với miền cao nguyên đá Đồng Văn” - chị Dính chia sẻ.

Dù Khu homestay mới bắt đầu đi vào kinh doanh được gần 1 năm nên hai vợ chồng chị Dính chưa có lãi nhiều. Nhưng “Đời Đá” đang đón ngày một nhiều du khách hơn, đặc biệt là những du khách nước ngoài thích hình thức du lịch trải nghiệm. Và quan trọng nhất, gia đình của anh chị đã thoát nghèo thành công, trở thành hộ có mức sống trung bình tại địa phương.

Chị Thào Thị Dính giới thiệu về khu homestay Đời Đá với cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Giang. Ảnh: Việt Khôi

Chị Thào Thị Dính giới thiệu về khu homestay Đời Đá với cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Giang. Ảnh: Việt Khôi

Cũng bắt đầu từ những đồng vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, ban đầu là để nuôi bò rồi sau đó tìm hướng đi mới, Sùng Mí Phìn là một điển hình thoát nghèo và làm giàu tại thôn Lũng Hòa B, xã Sả Phìn (huyện Đồng Văn).

Phìn là người dân tộc Mông, năm nay đã gần 30 tuổi, tuy người nhỏ thó nhưng rất lanh lợi, thông minh, nói năng cực kỳ hoạt bát. Phìn cho biết, bắt đầu “khởi nghiệp” với 50 triệu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2018, mua bò để chăn nuôi. “Sau khi phát triển đàn bò từ 2 con lên 6 con, bán được mấy lứa, vừa trả nợ, lại có tiền tích lũy, vợ chồng em đã nghĩ phải làm gì đó để phát triển hơn nữa, dựa trên lợi thế du lịch của xã” - Phìn nói.

Và thế, sau nhiều trăn trở, vợ chồng Phìn đã quyết định làm homestay theo phong cách ở và sinh hoạt của đúng người Mông để du khách trải nghiệm. Và cho đến giờ, hướng đi này đang mang lại cho gia đình Phìn kết quả tích cực.

Phìn chia sẻ, không chỉ đón các đoàn khách vãng lai, homestay Chai To (phát âm theo tiếng Mông có nghĩa là Chào đón) còn có khách quen là đoàn khách đến từ Đài Loan (Trung Quốc) năm nào cũng đến nghỉ dưỡng.

“Để thêm trải nghiệm cho khách, vợ chồng em còn làm thêm dịch vụ cho khách đi làm rẫy, gặt lúa, chặt củi hoặc trải nghiệm bẻ ngô, khoai sâm, ăn cơm nắm giữa rừng, “nuôi bò trên lưng” với những lần đi cắt, gùi cỏ voi về chăn bò…” - Phìn hào hứng chia sẻ.

Vợ chồng chủ homestay Chai to Sùng Mí Phìn đang giới thiệu với khách về sản phẩm bánh đá. Ảnh: Việt Khôi

Vợ chồng chủ homestay Chai to Sùng Mí Phìn đang giới thiệu với khách về sản phẩm bánh đá. Ảnh: Việt Khôi

Ngoài ra, Phìn cũng có 1 xưởng làm bánh đá - cả 2 mô hình đã giúp duy trì việc làm cho khoảng 5 lao động là người trong thôn. Sắp tới, vợ chồng anh còn muốn mở thêm một khu farmstay để cung cấp thêm các hoạt động trải nghiệm khác như nuôi trồng, thu hoạch nông sản, chế biến và thưởng thức những món ăn từ chính thành phẩm tạo ra…

Chủ tịch UBND xã Sả Phìn, Hầu Mí Say - cho biết, trong xã còn có rất nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và đi lên từ đồng vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Bám vào lợi thế du lịch của huyện, với hướng đi riêng, không chỉ chăn nuôi, Sả Phìn đã hướng đến nhiều hình thức sản xuất kinh doanh khác như: hướng dẫn cho hơn 20 hộ vay vốn làm du lịch, dệt thổ cẩm bảo tồn vải lanh truyền thống, trồng rau, buôn bán nông sản phục vụ khách du lịch.

Còn Chủ tịch UBND xã Sủng Là, Vàng Dỉ Xoáng - chia sẻ, vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp phát triển chăn nuôi, trồng trọt, du lịch trên địa bàn xã, nâng cao thu nhập của người dân. Năm 2019, thu nhập của người dân trong xã là 19 triệu đồng/người, sau 5 năm, đến 2024, thu nhập đã nâng lên 35 triệu đồng/người, phấn đầu đến giữa năm 2025 đạt 39 triệu đồng/người. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, tại xã Sủng Là đã có 120 hộ thoát nghèo thành công.

Sự vào cuộc đồng bộ

Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) Đỗ Quốc Hương nhấn mạnh, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, các thôn bản vùng cao Đồng Văn đang từng ngày thay da đổi thịt.

Tính đến ngày 31/10/2024, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Đồng Văn đạt 427,9 tỷ đồng, tăng 241,8 tỷ đồng so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị 40. Hiện nay, toàn huyện có hơn 9.000 khách hàng đang có dư nợ.

Mặc dù là huyện nghèo, nguồn ngân sách rất hạn hẹp, song ngoài nguồn vốn chính sách, hằng năm huyện Đồng Văn cũng đã quan tâm dành nguồn lực từ nguồn ngân sách huyện để cân đối, bố trí bổ sung nguồn vốn cho vay, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cho Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện nhiệm vụ. Tính đến nay, huyện Đồng Văn đã chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền gần 6,5 tỷ đồng để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.

“Từ kết quả nêu trên có thể khẳng định, việc ban hành và triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng là chủ trương đúng đắn, có tính nhân văn sâu sắc, đặc biệt phù hợp với các huyện nghèo, các huyện ở khu vực đặc biệt khó khăn như huyện Đồng Văn” - ông Đỗ Quốc Hương nêu rõ.

Ông Đỗ Quốc Hương, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang)

Ông Đỗ Quốc Hương, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang)

Nhìn rộng ra toàn tỉnh, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền thường xuyên tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW.

Hằng năm, các cấp ủy, chính quyền đã bố trí một phần vốn ngân sách địa phương chuyển qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, huyện để thực hiện các hoạt động tín dụng chính sách; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức động viên, vận động các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn dành nguồn vốn gửi vào Ngân hàng Chính sách xã hội để chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống.

Đến ngày 31/10, tổng nguồn vốn đạt 5.315,1 tỷ đồng, tăng 3.483,3 tỷ đồng so với năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 11%. Trong đó: Nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 4.577,1 tỷ đồng, tăng 2.792,1 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 86,1% tổng nguồn vốn; Nguồn vốn huy động từ thị trường đạt 466,3 tỷ đồng, tăng 437,3 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 8,7% tổng nguồn vốn; nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 271,5 tỷ đồng, tăng 253,9 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm 5,2% tổng nguồn vốn (trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác đạt 193,1 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác đạt 78,4 tỷ đồng).

Bên cạnh việc quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc; phân công Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện, nhất là quan tâm bố trí địa điểm làm việc, bảo đảm an ninh, an toàn đối với các buổi giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại Điểm giao dịch xã.

Một buổi giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang). Ảnh: Hà An

Một buổi giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang). Ảnh: Hà An

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang triển khai thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách. Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW doanh số cho vay đạt 10.586 tỷ đồng, với 282.952 lượt đối tượng được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 6.882 tỷ đồng, bằng 65% doanh số cho vay.

Đến ngày 31/10, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 5.307,6 tỷ đồng, tăng 3.480,6 tỷ đồng so với năm 2014, với 93.737 đối tượng chính sách còn dư nợ; bình quân một hộ dư nợ đạt 56,6 triệu đồng, tăng 37,5 triệu đồng so với năm 2014.

Như vậy có thể khẳng định, qua 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách mà Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Những kết quả đạt được là minh chứng rõ ràng nhất cho một chủ trương nhân văn của Đảng. Những ví dụ điển hình, những sự đổi thay từ bữa cơm, giấc ngủ của bà con cho thấy tính hiệu quả của từng đồng vốn chính sách khi đi vào đời sống. Vốn chính sách không chỉ hỗ trợ nhiều người dân thoát nghèo, mà còn gieo vào đó niềm tin, hy vọng và ý chí vươn lên. Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” luôn trách nhiệm, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, những cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội trong màu áo hồng đã gieo những hạt giống nở hoa trên miền cao nguyên đá, đánh thức sự sống từ những nơi gian khó, vất vả nhất, giúp “lõi nghèo” Hà Giang thoát nghèo. Đó chính là đường lối mang ánh sáng về bản, xóa nghèo tăm tối, đưa núi rừng tiến kịp miền xuôi…

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khi-y-dang-hop-long-dan-mien-da-cung-no-hoa-369690.html
Zalo