Khi vải vụn biết 'vẽ' chân dung

Trong không gian ấm cúng, cổ kính của làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), buổi trưng bày 'Những bức chân dung từ lụa vụn' của Hợp tác xã Vụn Art mang đến cho người xem cảm giác đan xen giữa tò mò, thích thú, khâm phục.

Gần 100 bức chân dung được làm từ lụa vụn, điều khiến nhiều người bất ngờ không chỉ là thần thái của những bức chân dung được tạo thành từ vật liệu bỏ đi, mà còn bởi sản phẩm được làm từ đôi bàn tay tài hoa của những người khuyết tật.

Không gian triển lãm “Những bức chân dung từ lụa vụn”.

Không gian triển lãm “Những bức chân dung từ lụa vụn”.

Góp vải vụn xây ước mơ

Buổi trưng bày được thực hiện ngay tại xưởng sản xuất của Vụn Art. Các bức tranh được tạo ra từ đôi bàn tay của những người thợ kém may mắn nhưng trong trái tim luôn rừng rực một tình yêu với nghệ thuật, khát khao vượt lên, không đầu hàng số phận.

Chia sẻ về ý nghĩa của buổi trưng bày, anh Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Đông, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vụn Art cho biết, 6 năm qua, Vụn Art trở thành ngôi nhà chung để kết nối những tấm lòng nhân hậu, động viên những người khuyết tật sáng tạo ra những sản phẩm vừa mang tính nghệ thuật vừa có ích cho cộng đồng, từ đó thay đổi cuộc đời của mình. Tuy nhiên, khi số lượng thành viên của Vụn Art tăng lên và lượng khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại Vụn Art ngày càng nhiều, không gian sinh hoạt, làm việc hiện tại không còn phù hợp.

“Chính vì thế, chúng tôi phát động dự án “Những bức chân dung từ lụa vụn” từ tháng 5 vừa qua với ý nghĩa mỗi bức chân dung được đặt hàng sẽ góp phần đặt những viên gạch đầu tiên cho nhà xưởng mới, nâng cấp nội thất, đồng thời trang bị thêm các thiết bị hỗ trợ khác” - anh Cường chia sẻ thêm.

Không gian triển lãm “Những bức chân dung từ lụa vụn”.

Không gian triển lãm “Những bức chân dung từ lụa vụn”.

Là người đồng hành với Vụn Art trong suốt những năm qua, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho biết, giá trị lớn nhất của Vụn Art không phải là những bức tranh đầy tính nghệ thuật và tinh tế, cũng không phải những sản phẩm tuyệt đẹp như áo thun, túi vải tote đang được cộng đồng trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt, mà là niềm hạnh phúc, niềm tin vào cuộc sống, vào giá trị do chính mình tạo ra của người khuyết tật. Họ tin rằng mình vẫn là người hữu ích, mang lại cho xã hội những sản phẩm giá trị cao. Việc có nhiều người đến với triển lãm cho thấy, sự tử tế thực sự mang lại những điều tuyệt vời.

“Triển lãm không kịch bản, không diễn văn soạn sẵn, không nghi thức... mà chỉ có những trái tim lên tiếng. Điều tuyệt vời nhất, với tôi, là khách mời có dịp giao lưu trực tiếp với hơn 30 người lao động của Vụn Art. Họ là những người đã gắn bó với Vụn Art từ những ngày đầu. Giờ đây, có những người đã “thành nghề”, có người chỉ có thể làm những công đoạn đơn giản, và có cả những bạn ròng rã 3 - 4 năm vẫn học nghề, có những bạn thiểu năng trí tuệ vẫn chưa cắt được hình tròn... Nhưng tất cả đều đã thay đổi số phận, hòa đồng, hòa nhập với cộng đồng, và tìm thấy niềm vui, hạnh phúc” - ông Vinh bộc bạch.

Khó nhất là bắt được cái thần của nhân vật

Từng là người lành lặn và làm giáo viên mầm non nên chị Nguyễn Thị Thùy Linh, tổ phó tổ sản xuất, không mất nhiều thời gian để có thể tạo ra những bức tranh chân dung từ lụa vụn.

Với kinh nghiệm 3 năm làm việc tại Hợp tác xã Vụn Art, chị Linh cho biết, điều quan trọng nhất là từ những mảnh lụa bỏ đi người thợ cắt ghép làm sao để gương mặt của khách có hồn nhất. Các đường cắt phải mượt; ở phần đuôi mắt không được chọn màu vải sắc nét, phần môi thường không chọn màu vải tươi tắn.

“Từng là giáo viên mầm non và thường xuyên tiếp xúc với môn vẽ nên khi dán vụn vải thành những bức chân dung tôi có sự hình dung dễ dàng hơn. Còn với hơn 30 thợ của Vụn Art bị khuyết tật vận động thì việc tiếp thu kiến thức gặp khó khăn hơn, nhưng hầu như không ai bỏ cuộc” - chị Linh nói.

Không gian triển lãm “Những bức chân dung từ lụa vụn”.

Không gian triển lãm “Những bức chân dung từ lụa vụn”.

Là một trong những người cao tuổi nhất tại Vụn Art, cô Hoàng Thị Hậu cho biết, làm tranh chân dung khó hơn cả, nhất là ở khuôn mặt. “Thông qua vải vụn, người thợ cần thể hiện được thần thái nhân vật một cách khéo léo. Làm mãi thành quen, có bức tôi hoàn thành trong 2 ngày, có bức 3 ngày, thậm chí lâu hơn. Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải kiên trì, nhanh tay, nhanh mắt, khéo léo, có óc tưởng tượng tốt, vì dán vải vụn khó hơn cầm bút vẽ một bức chân dung” - cô Hậu chia sẻ.

Được biết, Vụn Art nhập vải vụn ở các cửa hàng may mặc trên địa bàn làng Vạn Phúc. Có rất nhiều chủng loại, màu sắc, kích thước và khi xử lý nguyên liệu, Vụn Art luôn cố gắng để không một miếng vải nào bị lãng phí.

Theo anh Lê Việt Cường, điều làm nên giá trị của Vụn Art chính là uy tín. Những người thợ khuyết tật thể hiện tinh thần kỷ luật rất cao, đặt sự hài lòng của khách hàng lên trên hết, trước hết. Để có tác phẩm tốt nhất, Vụn Art thường xuyên đào tạo, hướng dẫn để người thợ có thể nhìn ra được những điểm nhấn trên khuôn mặt của khách; chỉ cần một vài điểm nhấn đó là tác phẩm đã thành công.

Gợi ý cho những vùng lụa khác

Có mặt tại triển lãm, chị Nguyễn Thị Giang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vạn Phúc cho biết, 6 năm qua, Vụn Art đã mang lại một cuộc sống ý nghĩa cho người khuyết tật, đồng thời góp phần thu hút khách du lịch đến với làng lụa.

“Dự án “Những bức chân dung từ lụa vụn” chưa kết thúc, bởi Vụn Art còn rất nhiều dự định với dự án này. Hiện tại, sau hơn 2 tháng triển khai, số lượng khách đặt hàng rất đông, đó là tín hiệu đáng mừng cho thấy sức sáng tạo của những người thợ đang được đón nhận. Bản thân tôi thấy bức tranh chân dung về tôi và những người mà tôi quen biết rất giống ngoài đời. Có thể nói họ đã bắt được khoảnh khắc đặc trưng của mỗi nhân vật” - chị Giang nhấn mạnh.

Theo chị Giang, việc dán lụa vụn thành những bức tranh chân dung là cách làm mới mẻ, sáng tạo của những người khuyết tật ở Vụn Art, và đó là lời gợi ý cho người khuyết tật ở những làng lụa khác. Bởi, suy cho cùng, lụa vụn nếu không được Vụn Art xử lý thì cũng chỉ là thứ bỏ đi, thậm chí có thể gây ô nhiễm môi trường.

“Chúng ta đang hướng đến lối sống xanh, sống thân thiện với môi trường thì mọi thứ đều cần được nghiên cứu ứng dụng trong cuộc sống. Với sự giúp sức của nhiều người, Vụn Art đã làm rất tốt điều này. Tôi tin rằng, với dự án “Những bức chân dung từ lụa vụn”, Vụn Art sẽ ngày càng phát triển, mở rộng về quy mô, và điều quan trọng là nhiều người khuyết tật sẽ có việc làm ổn định và mức thu nhập tốt hơn” - chị Giang bày tỏ.

Đồng quan điểm, họa sĩ Đặng Thị Khuê cho rằng, “Những bức chân dung từ lụa vụn” mang thông điệp, ý nghĩa “nhiều trong một”. Dưới góc độ của người sáng tạo nghệ thuật thì Vụn Art chính là gợi ý cho những người làm nghệ thuật về việc sử dụng những chất liệu tưởng chừng như bỏ đi để tạo ra sản phẩm mang lại giá trị kinh tế. Trong tương lai, Vụn Art sẽ mở rộng hơn nữa. Bên cạnh nét độc đáo, mỗi bức chân dung chất chứa tâm huyết, khả năng sáng tạo và khát khao chinh phục thử thách của những phận người kém may mắn kém may mắn.

Thanh Mai

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khi-vai-vun-biet-ve-chan-dung-673924.html
Zalo