Khi vai trò các 'thủ lĩnh tinh thần' được phát huy
Những năm qua, các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Họ luôn gương mẫu đi đầu và có tiếng nói quan trọng đối với dân làng, là 'cánh tay nối dài' của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng, bảo tồn và phát huy phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp trong đồng bào DTTS.
Tiên phong trong xóa đói, giảm nghèo
Tuy có nguồn gốc xuất thân, trình độ học vấn khác nhau, nhưng hầu hết đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín đều có một điểm chung, đó là những người được cộng đồng tôn vinh, kính phục, bầu chọn làm những thủ lĩnh tinh thần của bà con DTTS ở các bản làng, phum, sóc và lấy đó làm tấm gương để học tập, noi theo.
Với uy tín và ảnh hưởng của mình, đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín thực sự là nhân tố đóng vai trò rất quan trọng trong việc đoàn kết các dân tộc anh em, góp phần xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đội ngũ già làng đã tích cực vận động dân làng thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xóa đói, giảm nghèo và quan trọng hơn là tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm cho mỗi người dân đối với cộng đồng.
Bên cạnh việc vận động dân làng sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, các vị già làng, trưởng dòng họ trực tiếp đứng ra hướng dẫn, vận động nhân dân xóa bỏ dần những tập tục lạc hậu, tệ nạn mê tín dị đoan trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc mình; huy động nhân dân đóng góp và tạo ra nguồn lực để cùng với Nhà nước xây dựng, quản lý và sử dụng công trình dân sinh; gương mẫu thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn làng, thực hiện dân chủ cơ sở...
Đến thăm 30 hộ dân ở bản Sín Sủ, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, mọi người đều rất ngạc nhiên trước sự thay đổi tư duy, chủ động phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người dân nơi đây. Một điều ngạc nhiên hơn nữa và rất đáng khâm phục bởi trong sự thay đổi đó có công sức rất lớn của già làng Lờ A Sử, người đã đi tiên phong trong việc trồng lúa nước, đắp đập be bờ làm ao thả cá. Sự dám nghĩ, dám làm của ông Lờ A Sử luôn tạo được niềm tin với bà con về những cách thức làm ăn mới. Sau hàng chục năm vất vả với cuộc mưu sinh, đến nay, ông Sử đã sở hữu một trang trại trị giá tiền tỷ với 5ha nuôi trồng thủy sản và 3ha đất sản xuất lương thực cùng hàng chục con trâu, bò và hàng trăm con gia cầm các loại... Một điều khiến ông Lờ A Sử rất vui là không chỉ làm giàu cho gia đình mình, mà ông còn giúp được hàng chục hộ trong bản vươn lên thoát nghèo thông qua việc hỗ trợ vốn, giống và kinh nghiệm sản xuất.
Giữ bình yên cho bản làng
Bằng sự hiểu biết nhất định, am hiểu phong tục tập quán của địa phương, các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và người có uy tín rất được coi trọng. Ở một khía cạnh nào đó, họ còn là biểu tượng cho ý chí và sức mạnh của một địa bàn dân cư. Bởi vậy, mỗi lời nói, việc làm của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng người DTTS có tác động tích cực đến các tầng lớp nhân dân, trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt, những người có uy tín trong đồng bào DTTS đã thật sự phát huy vai trò và có những đóng góp quan trọng trong công tác giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.
Luôn ở vị trí trung tâm, đóng vai trò như những "thủ lĩnh tinh thần": biết nói thế nào để dân tin và làm thế nào để dân hiểu, các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín là những người trực tiếp đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần với dân hơn và duy trì sự bình yên, ấm no, hạnh phúc trong mỗi bản làng, mỗi tộc người ở vùng sâu, vùng xa.
Với tinh thần trách nhiệm cao, các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và người có uy tín trong đồng bào DTTS đã kịp thời phát hiện, thông báo giúp chính quyền và các cơ quan chức năng tổ chức đấu tranh, xóa bỏ hàng nghìn mét vuông diện tích trồng cây thuốc phiện; vận động hàng trăm đối tượng ký cam kết không tham gia buôn bán trái phép chất ma túy, giao nộp hàng trăm khẩu súng các loại, thuyết phục hàng trăm hộ từ bỏ ý định di cư trái phép...
Bên cạnh đó, các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và người có uy tín còn tích cực vận động nhân dân nâng cao ý thức, phòng chống tội phạm, giáo dục con em, người thân trong gia đình, tộc họ mình không phạm tội, chăm lo lao động sản xuất, giữ gìn phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc, không nghe, không tin theo luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, thực hiện tốt quy ước, hương ước của thôn xóm, làng bản.
Chúng tôi đến thăm già làng A Do, thôn Bung Kon, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Nghe danh đã nhiều, nhưng khi trực tiếp nói chuyện với già làng A Do, chúng tôi mới hiểu tại sao ông lại được mọi người trong bản, trong xã yêu mến và tôn trọng đến vậy!
Già làng A Do chia sẻ: “Là một người được bà con trong bản Bung Kon tin tưởng bầu làm trưởng bản nên già luôn xác định phải không ngừng nỗ lực vươn lên để vượt qua đói nghèo, lạc hậu, đồng thời, phải luôn gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Mỗi khi làng có công việc chung, già đều đứng ra lo toan, sắp xếp, dưới sự chỉ đạo của già, người dân trong làng từ lớn đến nhỏ đều thực hiện theo. Trong thôn có vụ mâu thuẫn, xích mích, khi biết tin, già đều đến tìm hiểu, phân tích phải trái để hòa giải các mối quan hệ”.
Bên cạnh đó, già làng A Do còn chủ động phối hợp với chính quyền và các đoàn thể trong bản tích cực tuyên truyền, vận động dân làng định canh, định cư, phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn minh, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các hủ tục, xây dựng khu dân cư lành mạnh, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, luôn nêu cao cảnh giác, đấu tranh chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tham gia hòa giải những bất bình, mâu thuẫn trong nội bộ khu dân cư; vận động, thuyết phục những người lầm đường, lạc lối trở về với cuộc sống cộng đồng.
Có thể khẳng định, trong những năm qua, với vai trò, trách nhiệm của mình, đội ngũ già làng, người có uy tín đã trở thành chiếc cầu nối đắc lực giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân. Đặc biệt, triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, đội ngũ các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và người uy tín đã phát huy được vai trò trong tuyên truyền, gương mẫu đi đầu, vận động nhân dân tham gia. Qua đó, góp phần xây dựng được các mô hình tiêu biểu, xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống của đại bộ phận đồng bào các dân tộc được nâng cao; tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn luôn được giữ vững và ổn định.