Khi trường học được xây 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng, được kỳ vọng sẽ giúp các trường học ở đô thị có thêm phòng học. Tuy nhiên vẫn có băn khoăn, liệu điều này có giảm được sĩ số lớp học hay sẽ tiếp tục bị nhồi nhét 50 - 60 học sinh? Cùng đó là yêu cầu về đảm bảo an toàn cho học sinh cần được ưu tiên đặt lên hàng đầu
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Thông tư 23/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13/2020 quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, có hiệu lực từ 31/1/2025.
Đáng chú ý, ở Thông tư mới, Bộ GDĐT nới lỏng quy định, cho phép trường học xây cao 5 tầng. Các trường THCS và THPT được xây 5 tầng, tăng thêm 5 lớp so với hiện nay, nên có thể nhận thêm học sinh trong bối cảnh các thành phố thiếu đất xây trường.
Hiện Bộ GDĐT quy định các trường THPT không quá 45 lớp, sĩ số lớp tối đa là 45 học sinh. Với quy định mới, nếu đáp ứng điều kiện, các trường THPT công lập có thể nhận thêm khoảng 225 học sinh cho 3 khối, trung bình 75 học sinh lớp 10 mỗi năm.
Thời gian qua, nhiều trường học ở đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM luôn trong tình trạng quá tải, trong khi quỹ đất để xây trường ngày càng ít. Thực tế cho thấy, diện tích đất dành cho giáo dục, nhất là ở các quận nội thành ngày càng eo hẹp thì việc khống chế trường học không được phép xây vượt quá 3 tầng, trường THCS, THPT không được phép xây quá 4 tầng đã trở thành rào cản đối với một số địa phương. Đây cũng là yếu tố khiến các trường ở những khu vực này khó đạt chuẩn quốc gia.
Lãnh đạo một số trường học trên địa bàn Hà Nội cho rằng, tiêu chuẩn chỉ cho phép trường tiểu học xây 3 tầng hay trường THCS, THPT xây 4 tầng tồn tại mấy chục năm nay đã rất lạc hậu. Trong khi, trường học có thể giảm áp lực về cả diện tích và áp lực về số lượng học sinh khi được nâng số tầng lên. Còn lãnh đạo Sở GDĐT TPHCM cho hay, kết quả đo lường sự hài lòng của người dân với dịch vụ giáo dục công vừa công bố cho thấy, điểm hài lòng của phụ huynh và học sinh với cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở trường công đạt 4,6 và 4,48/5, thấp nhất trong các tiêu chí được khảo sát.
Việc nới lỏng quy định cho phép trường THCS, THPT được phép xây không quá 5 tầng là một giải pháp hợp lý để giải quyết tình trạng quá tải trường lớp, quá tải sĩ số tại các đô thị lớn nói chung. Tuy nhiên, việc nâng tầng phải được đặt trong điều kiện đồng bộ với các tiêu chuẩn, tiêu chí khác để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Trong đó, tiêu chí quan trọng nhất là cần đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy. Với số học sinh đông, nếu có tăng thêm tầng thì phải tính tới lối thoát và chiều rộng của lối thoát phòng cháy, chữa cháy phù hợp.
Như vậy, Bộ GDĐT cho phép các trường phổ thông được xây tối đa 5 tầng để phục vụ dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục, đảm bảo điều kiện cho học sinh khuyết tật tiếp cận sử dụng là cần thiết, nhưng yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Cụ thể là việc quy định rõ ràng, chi tiết về quy chuẩn an toàn cho một ngôi trường nếu xây cao 5 tầng về chiều cao lan can, lưới an toàn... Bộ GDĐT cần đưa ra tiêu chuẩn, hướng dẫn thiết kế trường học an toàn và có cơ chế giám sát chặt chẽ, chứ không phải để các trường muốn làm như thế nào thì làm.