Khí trong xây dựng

Tạo một môi trường khí tốt trong công trình, khu ở là việc khó, cần phải được coi trọng từ khâu quy hoạch và thiết kế công trình.

Một căn nhà được thiết kế tàng phong tụ khí, phù hợp với những yếu tố của phong thủy. Ảnh minh họa: Internet

Một căn nhà được thiết kế tàng phong tụ khí, phù hợp với những yếu tố của phong thủy. Ảnh minh họa: Internet

Đưa khí tốt vào công trình là công việc thường ngày của những người thiết kế quy hoạch, thiết kế kiến trúc. Bài viết này chỉ đề cập đến quan niệm về khí và khái quát quy luật chung để dẫn sinh khí vào nhà, còn giải pháp cụ thể tùy thuộc vào từng vị trí khu đất, hướng nhà, bố cục cụm dân cư, từng công trình… Đó là cả một nghệ thuật trong thiết kế xây dựng.

Khí và lý luận về khí

Khí là yếu tố quan trọng bậc nhất đối với con người, con người có thể thiếu nước vài ngày, thiếu thức ăn vài tuần nhưng không thể thiếu không khí trong 1 phút.

Từ xa xưa, loài người quan niệm trên là trời có thiên khí, dưới là đất có địa khí; giao giữa hai dòng khí này là khí giao. Nói cách khác, khí giao được hình thành từ thiên khí và địa khí. Khí giao tốt hay xấu phụ thuộc vào sự tương phối giữa thiên khí và địa khí tốt hay xấu.

Điều kiện cho sự tương phối này là cấu tạo địa hình từng vùng, hình thái bố cục công trình và cụm khu ở, hướng công trình và mệnh quái của từng người. Như vậy thiên - địa- nhân có quan hệ mật thiết trong việc tạo ra nguồn sinh khí cho con người.

Đã là khí thì có sinh khí và tà khí hỗn hợp nhau; sinh khí có lợi cho cơ thể, ngược lại tà khí thì gây hại. Một dòng khí khi chuyển động gặp các vật cản thì phân ra thành sinh khí và tà khí theo nguyên tắc: Tà khí đi thẳng xuống dưới rồi thoát ra, còn sinh khí đi vượt lên trên và lượn theo hình của vật cản.

Để tạo được dòng sinh khí vào công trình thì người quy hoạch, thiết kế phải tạo ra được hình khối, bố cục công trình sao cho tự sàng lọc được hai dòng khí này, đây là vấn đề kỹ thuật cần nghiên cứu cụ thể cho từng vị trí, hướng gió và bố cục công trình.

Đưa khí tốt vào công trình

Ta vẫn thường nghe các thầy phong thủy nói tụ khí và tán khí, tùy theo địa hình từng nơi, hình khối công trình, quy hoạch cụm công trình mà dòng khí đến có thể tụ lại hoặc phân tán đi. Địa hình tụ khí tốt thường có phía sau cao hơn trước, không gian phía trước rộng để câu khí vào, hai bên là hai vòng cung để hướng khí xoay tụ vào; như thế gọi là đất có tả thanh long, hữu bạch hổ, hậu huyền vũ, tiền chu tước. Ông bà ta nói dễ hiểu hơn là địa hình có “sau trồng đỗ, trước cấy chiêm, hai bên tay liềm co lại”. Quan niệm về cao thấp ở đây cũng chỉ là tương đối.

Một khu đất như trên là tụ khí tốt nên luôn có mây bay, cây cỏ xanh tươi, nước sạch trong lành, đất thơm khí tốt, thường là khu đất dưới chân đồi, khu đất quanh hồ, ven sông; tụ khí tốt nên cây cối luôn xanh tươi, sống trong môi trường đó con người sẽ khỏe mạnh, trí óc sáng suốt, nhân tài lộc phát triển. Còn những địa hình như cánh đồng phẳng, trên đỉnh gò núi thì không có khả năng tạo khí, ngược lại khí luôn bị tán đi.

Hướng nhà có ý nghĩa quyết định đến luồng sinh khí vào nhà; hướng nhà là phương nối tâm khu đất đến điểm giữa của cửa chính vào nhà, hướng nhà được quyết định bởi địa thế khu đất và quy hoạch đường đô thị.

Khí còn bao gồm dương khí và âm khí. Đặc điểm của dương khí là khô nóng có tính cứng, còn âm khí là ẩm, lạnh, có tính mềm. Trong một ngôi nhà, phần trước nhà thường mang khí dương, phần sau nhà mang khí âm; nhà nhiều dương khí quá thì cuộc sống luôn cảm thấy bức bách, khó chịu, dễ xung khắc nhau.

Trong môi trường khí hậu nóng ẩm ở khu vực Nam Trung Bộ, những nhà thiết kế dùng nhiều cửa kính sẽ gặp trường hợp này. Nhà có nhiều âm khí quá cuộc sống ảm đạm, dễ ốm đau bệnh tật; nhà ở quá thấp, thiếu ánh sáng sẽ gặp tình trạng này. Điều này đòi hỏi người thiết kế cần cân nhắc kỹ sao cho âm, dương khí cân bằng, nhà sáng sủa, thoáng, không khí mát mẻ, dễ chịu.

Những lý luận về khí nêu trên cho ta thấy cần phải quan tâm hơn nữa về khí trong xây dựng, đặc biệt là kiến trúc sư, kỹ sư thiết kế quy hoạch, công trình.

Dẫn được khí tốt vào nhà và tụ được vùng khí tốt trong nhà, đó là phần việc của các nhà thiết kế, chủ nhà không dễ làm được điều này. Nhà phải tụ khí chứ không tán khí, phải chuyển khí chứ không tích khí, cũng không tạt khí; chỗ gió lùa là tạt khí, vùng “chết” trong nhà là tích khí, làm khí ứ đọng, không luân chuyển được. Khí vào nhà bằng cửa sổ, cửa đi rồi đi lên mái nhà, mở cửa lớn mà không có chuyển khí, khí đi theo đường trực không phải là tốt.

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/321708/khi-trong-xay-dung.html
Zalo