Khi trí tuệ nhân tạo sáng tác thay con người: Khoảng trống pháp lý và đạo đức

Trong làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ, bản quyền nổi lên như một vấn đề nhức nhối và chưa có lời giải thỏa đáng. Việc xác định trách nhiệm khi AI vi phạm bản quyền không chỉ là câu chuyện pháp lý, mà còn là bài toán đạo đức và xã hội, nhất là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Một cảnh trong phim ngắn “Chạm” của đạo diễn Phạm Vĩnh Khương - bộ phim có thời lượng dài nhất từng được thực hiện hoàn toàn bằng công nghệ AI. Nguồn ảnh: TTXVN.

Một cảnh trong phim ngắn “Chạm” của đạo diễn Phạm Vĩnh Khương - bộ phim có thời lượng dài nhất từng được thực hiện hoàn toàn bằng công nghệ AI. Nguồn ảnh: TTXVN.

Khoảng trống pháp lý

Các công cụ sử dụng AI để tạo nội dung như ChatGPT, Midjourney, Gemini… ngày càng len lỏi vào đời sống sáng tạo, từ truyền thông, quảng cáo, âm nhạc đến hội họa, văn học nghệ thuật...

Chỉ với vài dòng lệnh và một cú nhấp chuột, một “tác phẩm” có thể được sáng tác chỉ trong vài giây. Thế nhưng đằng sau những tác phẩm đó là dữ liệu mà AI học được từ kho dữ liệu khổng lồ của các tác phẩm có bản quyền mà không xin phép, không ghi nhận, và không có cơ chế bồi thường nào.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, theo khoản 2, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 có giải thích quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Theo đó, với quy định này thì pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện chỉ xác định chủ thể quyền tác giả là cá nhân hoặc tổ chức, chưa có quy định nào rõ ràng về việc tác phẩm do AI tạo ra có thể được bảo hộ quyền tác giả hay không. Do đó, tác phẩm được tạo ra bởi AI tại Việt Nam chưa được pháp luật công nhận là đối tượng của quyền tác giả.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng chưa quy định về trách nhiệm pháp lý của tổ chức hoặc cá nhân sở hữu hoặc vận hành công cụ AI trong việc tạo ra tác phẩm. Do đó, hiện vẫn tồn tại “vùng trống” pháp lý liên quan đến việc xác định chủ thể quyền và nghĩa vụ trong các trường hợp tác phẩm được tạo ra nhờ AI.

Vấn đề đáng nói là phần lớn người dùng chưa ý thức được mình đang vi phạm bản quyền khi dùng AI. Họ xem đó là công cụ tiện lợi, hợp thời, nhanh chóng. Trong khi đó, hành lang pháp lý, các hướng dẫn cụ thể, thậm chí cả hệ thống kiểm soát vi phạm gần như chưa có. Cũng có thể nói, chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng “xâm phạm bản quyền ẩn danh”.

Luật sư Hùng nhấn mạnh, việc truy cứu trách nhiệm bản quyền cũng ngày càng trở nên phức tạp, đặc biệt khi AI tham gia vào quá trình tạo ra nội dung sáng tạo. Một trong những thách thức lớn nhất là việc xác định nguồn gốc dữ liệu mà AI sử dụng để học hỏi và sáng tạo.

AI thường được huấn luyện trên kho dữ liệu khổng lồ thu thập từ nhiều nguồn khác nhau trên internet, bao gồm cả các tác phẩm có bản quyền. Tuy nhiên, việc kiểm soát, xác minh và minh bạch hóa nguồn dữ liệu này hiện vẫn còn rất hạn chế. Điều này dẫn đến nguy cơ cao AI tạo ra sản phẩm có yếu tố sao chép, biến thể hoặc làm lại từ các tác phẩm có bản quyền mà không có sự cho phép của chủ sở hữu.

Thêm vào đó, tính ẩn danh, tốc độ lan truyền nhanh và tính chất phi biên giới của môi trường số khiến việc phát hiện và xử lý hành vi vi phạm trở nên khó khăn. Pháp luật về quyền tác giả trong môi trường số còn chưa hoàn chỉnh, chưa có các quy định rõ ràng về trách nhiệm của các tổ chức hoặc cá nhân sở hữu công cụ AI trong việc xử lý dữ liệu có bản quyền. Ngay cả khi phát hiện vi phạm, việc xác định chủ thể chịu trách nhiệm - là người phát triển AI, người vận hành, hay người sử dụng đầu ra của AI - cũng là một vấn đề pháp lý chưa có sự thống nhất.

Do đó, luật sư Hùng đề xuất, việc xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp là điều cấp thiết để vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tác giả.

Quy định pháp luật cần phân định rõ giữa tác phẩm do con người sáng tạo với sự hỗ trợ của AI và tác phẩm do AI hoàn toàn tự động tạo ra. Trong trường hợp con người có đóng góp đáng kể về mặt sáng tạo, họ nên được ghi nhận là tác giả và được bảo hộ quyền tác giả tương ứng. Xây dựng các nguyên tắc quản lý, phát triển và sử dụng nhằm đảm bảo AI không xâm phạm quyền của các tác giả con người, đồng thời thúc đẩy sáng tạo và đổi mới công nghệ. Tăng cường các quy định về trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân sở hữu công nghệ AI trong việc đảm bảo không vi phạm quyền tác giả, đồng thời có các chế tài phù hợp khi xảy ra vi phạm” - luật sư Hùng nói.

Nghệ sĩ vẫn là trung tâm của sáng tạo

Không chỉ là vấn đề luật, khi AI tham gia sâu hơn vào quá trình sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật còn là vấn đề về đạo đức và bản sắc. Người ta có thể gọi đó là “sáng tạo mới”, nhưng thực chất là khai thác cái cũ đến tận cùng, đôi khi biến di sản nghệ thuật thành món hàng thương mại hóa.

TS Nguyễn Ánh Hồng - nguyên Trưởng khoa Văn hóa Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cảnh báo: Việc sử dụng AI trong sáng tạo nghệ thuật hiện nay tiềm ẩn nguy cơ rất lớn trong việc bào mòn và làm biến mất những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống. Bởi lẽ, các tác phẩm văn học nghệ thuật đều mang tính độc bản, gắn liền với cá tính sáng tạo và phẩm chất riêng biệt của từng nghệ sĩ.

“Khi AI được khai thác như một công cụ mô phỏng, sao chép hàng loạt, sắc thái đặc trưng trong sáng tác và bản sắc văn hóa của nghệ sĩ rất dễ bị phai mờ, đánh mất” - bà Hồng nhấn mạnh.

Theo TS Hồng, AI là một sản phẩm tất yếu của thời đại, do con người tạo ra, song cách con người ứng xử, khai thác và chế ngự AI mới là yếu tố then chốt quyết định việc nó góp phần làm giàu hay làm tổn hại đến văn hóa. Chính vì vậy, việc xây dựng một hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ nhanh và đủ đặc thù để bảo vệ quyền tác giả trong bối cảnh phát triển của AI là một đòi hỏi cấp thiết, không thể chậm trễ.

TS Hồng nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cần khẩn trương nghiên cứu và ban hành chính sách và cơ chế bảo vệ tác quyền, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, nơi mà tác phẩm không đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng, mà còn là “đứa con tinh thần”, mang linh hồn sáng tạo của người nghệ sĩ. Bảo vệ tác quyền cũng chính là tấm khiên vững chắc trước tác động đa chiều của AI đối với bản sắc văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng kêu gọi, các nghệ sĩ cũng phải nâng cao nhận thức về quyền tác giả của mình. Thực hiện đầy đủ quy trình đăng ký bản quyền để có cơ sở pháp lý trong các tranh chấp, thay vì chờ đợi toàn bộ vào cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các hội, hiệp hội nghệ thuật cũng cần chủ động hơn, nâng cao trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ hội viên bảo vệ quyền lợi khi tác phẩm bị xâm hại bởi công nghệ.

TS Hồng tin tưởng rằng, dù AI có thể tạo ra hàng loạt tác phẩm bắt chước, nhưng cá tính sáng tạo, năng lực thiên bẩm và chiều sâu nhân văn của con người là điều AI không thể thay thế. Sáng tạo, ở cốt lõi, vẫn là thuộc tính thiêng liêng của con người, và nghệ sĩ vẫn mãi là trung tâm của hành trình nghệ thuật ấy.

Hoàng Chiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khi-tri-tue-nhan-tao-sang-tac-thay-con-nguoi-khoang-trong-phap-ly-va-dao-duc-10306483.html
Zalo