Khi trí tuệ nhân tạo là trợ thủ của người sáng tác

Với tốc độ viết văn, làm thơ, dịch thuật và phê bình chỉ tính bằng giây, ở một góc độ nào đó phải thừa nhận trí tuệ nhân tạo (AI) có ưu thế so với con người. Liệu AI có lấn át con người trong lĩnh vực văn chương trong tương lai? Câu trả lời là không, bởi văn chương, nghệ thuật là câu chuyện của tâm hồn, cá tính và phong cách… Cần tiếp cận vấn đề ở cách vận dụng hơn là coi đó như mối đe dọa.

Trợ lý ảo AI có thể hỗ trợ cho nhà văn trong quá trình sáng tạo. Ảnh: AI.

Trợ lý ảo AI có thể hỗ trợ cho nhà văn trong quá trình sáng tạo. Ảnh: AI.

AI chỉ lấn át người sáng tác làng nhàng

Thử đặt một chủ đề cho AI với nội dung viết một truyện ngắn, trong thời gian ngắn AI sẽ trả lại kết quả ngay. Cũng là câu chuyện, cũng đúng logic. Tuy nhiên, AI chỉ có thể cung cấp các ý tưởng và không thể viết hoàn chỉnh thành một tác phẩm. Đặc biệt là không có khả năng nắm bắt sâu sắc các yếu tố cảm xúc, diễn biến tâm lý nhân vật và những chi tiết tinh tế trong văn chương, mà chỉ có con người mới có thể truyền đạt.

Thi ca không chỉ đơn giản là sự sắp đặt câu từ mà nó còn nằm ở tầm cao tư tưởng và khái quát nghệ thuật và cùng với đó chính là sự sâu sắc về ý tưởng, thăng hoa của cảm xúc. PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình (Hội Nhà văn Việt Nam) cho rằng, AI không bao giờ thay thế được nhà văn bởi văn chương là câu chuyện của tâm hồn, cá tính và phong cách. Cho dù rất thông minh, nhưng AI không thể có những thổn thức, những nỗi đau, niềm hạnh phúc và sự “mê sảng tinh thần” như “mặt trời thơ ca Nga” A.Pushkin từng nói về quá trình sáng tạo và sự tận hiến trong nghệ thuật của nhà văn.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng cho rằng, sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt trong thơ ca thường dựa trên sự trực giác và cảm hứng bất ngờ. Con người có khả năng phá vỡ những quy tắc, sáng tạo ra hình ảnh mới lạ, hoặc dùng ngôn từ một cách tinh tế để gợi mở ý nghĩa. AI chỉ có thể dựa vào các mẫu đã học và khó có khả năng tạo ra những biểu đạt độc đáo mà không dựa trên dữ liệu trước đó. Và các bài thơ do AI tạo ra có thể lặp lại những ý tưởng, hình ảnh và cách diễn đạt đã quá quen thuộc. Điều này dẫn đến sự nhàm chán và thiếu tính đột phá trong sáng tác.

Đó là đối với người viết có phong cách đặc biệt trong ngôn ngữ, diễn đạt hay sự tìm tòi, sáng tạo, đột phá không ngừng về ý tưởng, cấu trúc... Còn đối với những người viết dạng “làng nhàng” ở mọi thể loại của văn học nghệ thuật đều có thể thua AI, nhất là văn xuôi.

Khi bàn về vấn đề này, nhà thơ Lữ Mai phân tích, AI và người sáng tác là 2 đối tượng khác biệt nhưng AI hoàn toàn có thể tạo nên sự cạnh tranh. Ví dụ, có những người viết dù đã sáng tác khá nhiều nhưng cách xác định thể loại, bố cục tác phẩm, diễn đạt đúng về chính tả, ngữ nghĩa... còn chưa ổn thì AI hoàn toàn có thể vượt qua. Bên cạnh đó, người viết mà có khả năng đọc nhiều, đọc rộng kém, trong khi AI tổng hợp kiến thức rất rộng, nhanh và phân tích đầy khả quan... thì việc lấn át con người ở khía cạnh này là có thể.

“Xét về khả năng sáng tạo của AI trong các lĩnh vực như văn học, âm nhạc, hội họa, hay thiết kế... có thể tạo ra các tác phẩm khá ấn tượng, nhờ vào việc học hỏi từ lượng dữ liệu khổng lồ. Song, đó chủ yếu vẫn chỉ là sự kết hợp các yếu tố có sẵn, không mang tính đột phá hay dấu ấn cá nhân sâu sắc như con người. AI có thể tạo ra giá trị “mới” nhưng không phải là giá trị sáng tạo “gốc”. Đó là sự tái tổ hợp thông minh từ dữ liệu. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật là cảm xúc và trải nghiệm cá nhân. Con người sâu sắc, sinh động với điều đó còn AI chỉ có thể mô phỏng” - nhà thơ Lữ Mai chia sẻ.

Trợ thủ đắc lực cho người viết

Tại chương trình gặp gỡ, giao lưu với độc giả Việt Nam hồi đầu năm, tác giả của bộ ba tiểu thuyết về kiến nổi tiếng và tiểu thuyết “Chiếc hộp Pandora” đã dịch ra tiếng Việt, nhà văn người Pháp Bernard Werber đã chia sẻ, trên thế giới ngày càng nhiều tiểu thuyết được viết bằng AI và bản thân nhà văn Bernard Werber cũng đã có trải nghiệm sử dụng AI trong hành trình sáng tác của mình. “Tôi từng nhờ AI viết giúp mình một chương tiểu thuyết, với nội dung về sự thất vọng trong cuộc sống và nhận ra từ ngữ của nó phong phú hơn nhiều so với từ ngữ của tôi. Từng câu văn đều được chăm chút, chuẩn chỉnh” - nhà văn Bernard Werber nói.

Thực tế cho thấy, sự ra đời của AI là điều kỳ diệu của khoa học, nó không thể thay thế được con người trong sáng tác văn học nghệ thuật nhưng sẽ là một công cụ hữu ích để hỗ trợ quá trình sáng tác và nghiên cứu, tìm kiếm thông tin, tài liệu tham khảo.

Nhà văn trẻ Phụng Thiên cũng đã có nhiều trải nghiệm khi sử dụng AI, theo anh, AI là thành quả tiến bộ vượt bậc của khoa học. Tuy nhiên đây cũng chỉ là một cỗ máy nên không thể lấn át con người trong sáng tạo nghệ thuật. “Người viết có thể sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ hữu ích trong quá trình sáng tác. Nếu tác giả sử dụng nó một cách thông minh và có sự chắt lọc thì với những kết quả, gợi ý của AI, tác giả có nhiều hơn tài liệu tham khảo để gợi mở cho sự sáng tạo, nâng tầm, chắp cánh cho tác phẩm” - nhà văn Phụng Thiên nói.

Nhà thơ Lữ Mai cho rằng, hãy tiếp cận vấn đề ở sự kết hợp, cách vận dụng hơn là việc coi đó như mối đe dọa. Sự kết hợp giữa AI và con người có thể mang đến những thành quả sáng tạo mới mẻ và độc đáo hơn. AI có thể giúp tiết kiệm thời gian trong các khâu như lên ý tưởng, chỉnh sửa, viết dàn bài, phát triển cốt truyện, tạo ra những đoạn văn bản đầu tiên... AI cũng có thể gợi ý những ý tưởng mới mẻ mà ta chưa từng nghĩ đến.

“Nhiều công việc khác như: chỉnh sửa, soát lỗi văn bản, hay tạo hiệu ứng trong thiết kế đồ họa tốn nhiều thời gian thì AI có thể tự động hóa giúp người sáng tác tập trung vào phần quan trọng hơn. Ngoài ra còn là khả năng phân tích và mô phỏng nhiều phong cách nghệ thuật; kết hợp với các công cụ sáng tạo khác; tạo cơ hội trải nghiệm cho những người chưa có kỹ năng chuyên môn, giúp họ thể hiện ý tưởng và tạo ra những sản phẩm” - nhà thơ Lữ Mai chia sẻ.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khi-tri-tue-nhan-tao-la-tro-thu-cua-nguoi-sang-tac-10296804.html
Zalo