Khi trí tuệ nhân tạo bắt tay cùng nghệ sĩ
Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực, trong đó có văn học nghệ thuật, mở ra một thời kỳ mới trong việc sáng tạo, thể hiện và thưởng thức nghệ thuật. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của AI cũng đặt ra nhiều câu hỏi về giá trị nghệ thuật, vai trò của con người trong sáng tạo và các vấn đề pháp lý liên quan đến bản quyền…

Ca khúc "Miền hoa ban ngày mới" là sản phẩm của AI được Dương Hoàng Yến thể hiện tại Lễ hội Hoa Ban 2025. Ảnh: VOV.
Cơ hội sáng tạo không giới hạn
Các nghệ sĩ hiện nay có thể sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ để mở rộng sự sáng tạo của mình. Hiện đa số các nhạc sĩ trẻ đã ứng dụng AI trong sáng tác, bởi nó có thể tạo ra những giai điệu hoàn chỉnh, phối khí và hòa âm một cách tự động. Điều này giúp các nghệ sĩ tiết kiệm thời gian và tăng cường khả năng sáng tạo mà không bị bó buộc bởi những hạn chế kỹ thuật.
Ngày càng có nhiều bài hát được sáng tác và phối khí bởi AI, với mức độ can thiệp của con người từ rất ít đến hầu như không có. Như mới đây, tại Lễ hội Hoa Ban 2025 nhiều người ấn tượng và ngạc nhiên khi ca sĩ Dương Hoàng Yến trình diễn ca khúc "Miền hoa ban ngày mới" do AI sáng tác, sau đó, nhạc sĩ Dương Trường Giang và đạo diễn Việt Đặng chỉnh sửa và hoàn thiện để đưa lên sân khấu, và nó cũng gây được rất nhiều thiện cảm cho khán giả.
Còn trong lĩnh vực điện ảnh, AI giúp tối ưu hóa quy trình dựng phim, tạo ra các hiệu ứng đặc biệt hoặc chỉnh sửa hình ảnh nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và thời gian sản xuất. “Chạm” của đạo diễn Phạm Vĩnh Khương là bộ phim được tạo ra hoàn toàn dựa bởi AI với tổng thời gian sản xuất lên đến 3.000 giờ. Đây được cho là một cuộc đột phá trong cách làm phim ở Việt Nam.
Với công nghệ quét 3D các di tích, tác phẩm nghệ thuật cổ xưa cũng có thể được phục dựng một cách chính xác. Điển hình là tác phẩm sắp đặt video art bức tranh sơn dầu “Thăng đường nhập thất” được thực hiện trong dịp Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024. Đây là một minh chứng cho sự sáng tạo có hỗ trợ của AI. Tác phẩm được dựng bằng công nghệ AI từ bức ảnh gốc đen trắng, kết hợp video nghệ thuật.
TS Ngô Viết Hoàn - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo chính là sự mở đầu của một phương thức nghệ thuật mới. Những đột phá mới trong công nghệ AI với khả năng nghệ thuật ấn tượng đã khiến cả thế giới phải kinh ngạc, khích lệ chúng ta tiếp tục khám phá.
“Sự xuất hiện của AI đã thúc đẩy quá trình sáng tạo và định hình một thời đại mới cho văn học và nghệ thuật” - TS Ngô Viết Hoàn nói.
Cảm xúc, tính nhân văn và bản quyền
Sự phát triển mạnh mẽ của AI đang tạo ra những chuyển biến lớn trong lĩnh vực nghệ thuật, mở ra nhiều cơ hội sáng tạo mới. AI không chỉ hỗ trợ các nghệ sĩ khám phá những hình thức biểu đạt khác biệt mà còn góp phần tái định nghĩa nghệ thuật đương đại thông qua các tác phẩm tương tác, kết hợp đa thể loại như âm nhạc, hội họa, văn học và điện ảnh.
Tuy nhiên, đi kèm với đó là những câu hỏi ngày càng phức tạp về vai trò của con người trong sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật vốn là sự kết tinh của cảm xúc, trải nghiệm và tư duy cá nhân - liệu một sản phẩm do AI tạo ra có thể chứa đựng được chiều sâu và tính nhân văn ấy?
Về vấn đề này, theo nhạc sĩ Nguyễn Mai Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nghệ thuật không chỉ là sự sáng tạo đơn thuần mà còn là phương tiện để phản ánh những giá trị văn hóa, lịch sử và xã hội. AI dù thông minh đến đâu cũng không có khả năng trải nghiệm thực tế, không có ký ức lịch sử hay sự đồng cảm sâu sắc như con người.
“Về mặt thuật toán, AI vẫn khó có thể diễn đạt được các yếu tố phức tạp như cảm xúc mà con người có thể cảm nhận trong quá trình sáng tạo. Mặc dù nó có thể tạo ra những bài hát, kịch bản hay thơ văn hoàn hảo về mặt kỹ thuật nhưng nó thiếu khả năng truyền tải những cảm xúc sâu sắc hoặc những thông điệp tinh tế mà con người gửi gắm vào trong từng tác phẩm” - nhạc sĩ Nguyễn Mai Kiên cho hay.
Nghệ sĩ Triệu Minh Hải - Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng khẳng định, dù AI rất mạnh trong việc chuyển đổi hình ảnh và tái hiện màu sắc, nhưng nó cũng chỉ là công cụ. Chính các nghệ sĩ mới là người xác định và chọn lọc chi tiết sao cho phù hợp và là người ra quyết định trong những lựa chọn mà AI đưa ra.
PGS.TS Trần Thị An - Phó Chủ nhiệm khoa Công nghiệp văn hóa và Di sản, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật cho rằng, con người vẫn có vị trí không thể thay đổi trong sáng tạo nghệ thuật. Bằng trí tuệ, tài năng và phong cách của mình, các nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm thể hiện được khát vọng, tình cảm của con người. Đặc biệt, là những ký ức nhân văn sẽ được khôi phục, bảo lưu nhưng đồng thời cũng giữ vững vị thế của mình trước sự lấn lướt của công nghệ.
Cùng với băn khoăn về giá trị cảm xúc, vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ cũng đang là chủ đề gây tranh cãi. Ai sẽ là tác giả hợp pháp của một tác phẩm do AI tạo ra? Việc AI chọn lọc, tổng hợp thông tin từ các tác phẩm trước đó cũng tiềm ẩn nguy cơ vi phạm bản quyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của nghệ sĩ.
Theo NSƯT Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), công nghệ phát triển không chỉ tạo ra cơ hội mới cho việc sáng tạo và phân phối tác phẩm mà còn mở ra những hình thức xâm phạm bản quyền tinh vi hơn. Các công nghệ như AI đang được sử dụng để tạo ra các bản sao gần như hoàn hảo của các tác phẩm mà không cần phải sao chép trực tiếp từ tác phẩm gốc. Việc này có thể khiến các công ty quản lý bản quyền và cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm.
Để giải quyết các vấn đề này, cần có một tiếp cận toàn diện, kết hợp giữa việc hoàn thiện pháp luật, ứng dụng công nghệ minh bạch, xây dựng đạo đức phát triển AI và bảo vệ lợi ích chính đáng của nghệ sĩ. Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ đó chúng ta mới có thể đảm bảo sự công bằng, sáng tạo bền vững và hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo.