Khi tình người mạnh hơn siêu bão

Dường như cứ mỗi lần thiên tai ập đến, tinh thần tương thân tương ái của người Việt lại bừng sáng, soi rọi giá trị của 2 chữ 'đồng bào'. Đồng bào là cùng một bào thai, cùng một bọc trăm trứng sinh ra cùng một huyền thoại để tin yêu. Nhưng nếu 'cùng một bọc sinh ra' là huyền sử thì lòng yêu thương trắc ẩn trong mỗi người dân luôn là câu chuyện có thật.

Mấy hôm nay, rất nhiều clip lan tỏa trên các mạng xã hội hình ảnh đẹp, thể hiện tinh thần đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của người Việt. Đó là hình ảnh hàng chục chiếc xe máy bị sức gió quá mạnh không thể chạy được trên cầu Nhật Tân, những chiếc ô tô chạy cùng chiều tự động xếp thành một bức tường cản gió, “dìu” đoàn xe máy qua cầu an toàn. Là clip một chiếc ô tô đã chạy vượt lên, nhưng rồi cài số lùi khi thấy bên đường một người dân đang trơ trọi trước gió. Dù rất khó khăn để mở cửa xe vì gió mạnh, nhưng cuối cùng người dân kia cũng vào được ô tô để đưa đến một nơi an toàn hơn...

Bên cạnh hình ảnh tàn phá dữ dội của cuồng phong và mưa lũ, những hình ảnh ấm áp về tình người như vậy cũng tự nhiên kết nối lại bao tấm lòng yêu thương và san sẻ, vượt lên mất mát mang đậm dấu ấn “tinh thần Việt”.

Không chỉ là hành động đẹp trên những đoạn đường giữa bão giông, trên các diễn đàn của mạng xã hội lan tỏa hàng trăm địa chỉ có thể giúp cho những người chưa có nơi trú ngụ tìm đến để tạm thời được an toàn. Một chủ khách sạn ở đảo Cô Tô mời những cư dân đang tá túc trong các ngôi nhà tạm bợ đến khách sạn của mình để tránh bão. Gia đình cũng cử nhân viên khách sạn phối hợp với chính quyền địa phương đến tận nhà đón những người già đau yếu không thể tự mình đi đến khách sạn an trú.

Rất nhiều câu chuyện cảm động như thế đã truyền cho mọi người thêm nguồn năng lượng tin yêu và bớt xao động trước muôn ngàn tan hoang do hậu quả cơn bão gây ra. Chợt nhớ tới một câu ca dao của người dân Quảng Trị mà cứ mỗi đận thiên tai, mọi người lại cùng nhắc nhớ: “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Chồi cây theo nghĩa đen là chuyện ai cũng dễ nhìn thấy, nhưng dường như người xưa còn có một ẩn ý về chồi cây theo nghĩa bóng: Đó là cái cây tình người trong hoạn nạn đã nảy chồi yêu thương. Dìu nhau qua cầu trong cơn gió giật, sẻ chia chỗ ngủ khi mái nhà bị tốc...đó chính là những mầm yêu thương đã nảy chồi. Điều đó mới thật sự ý nghĩa.

Rất nhiều người đã bình luận dưới những clip như đã kể trên những dòng trĩu nặng yêu thương, rằng trong cơn bão mới thấy được tình người quá lớn. Dĩ nhiên tình người bao giờ cũng lớn. Và những gì chúng ta được thấy trong cơn bão Yagi này thêm một lần nữa khẳng định điều đó. Bởi vì những cơn bão dù có lớn đến mấy con người cũng đo được vận tốc và được phân ra cấp bão, còn tình người thì không thể nào đo đếm bằng những chỉ số.

Trở lại với hình ảnh che chắn cho đoàn xe máy trên cầu Nhật Tân, rõ ràng những chiếc xe đã kết nối làm nên bức tường chắn gió, nhưng trong mỗi chiếc xe đó còn là một tấm lòng người Việt thương nhau. Chính những tấm lòng ấy mới là bức tường che chắn bão giông, không chỉ lúc thiên tai địch họa.

Tinh thần ấy cũng chính là sức mạnh nội sinh của người Việt để vững vàng tồn tại và phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử. Và hơn thế, tinh thần đó còn được nuôi dưỡng, vun bồi từ những cuộc chiến tranh vệ quốc, từ những đận thiên tai thách thức con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng đúc kết rằng: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Với tinh thần ấy, chúng ta cũng hiểu rằng mỗi khi đất nước đối mặt với thiên tai, tấm lòng người Việt lại “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ” để đương đầu và vượt qua giông bão.

Lê Đức Dục

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/khi-tinh-nguoi-manh-hon-sieu-bao-188300.htm
Zalo