Khi thói quen thanh toán thay đổi…

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thói quen thanh toán của người dân đã chuyển sang không dùng tiền mặt một cách rất tự nhiên.

Thanh toán không dùng tiền mặt ngày một phổ biến hơn tại Việt Nam

Thanh toán không dùng tiền mặt ngày một phổ biến hơn tại Việt Nam

Bơm tiền liên tục vẫn không xuể

Khác với những năm trước, vấn đề đáp ứng tiền mặt trong lưu thông dịp Tết Nguyên đán năm nay tại cuộc họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra tuần qua không còn nhận được sự quan tâm nhiều của các nhà báo. Thậm chí, phóng viên còn đùa nhau rằng: “Năm nay, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú bị ‘mất’ một việc”.

Nguồn cơn của câu nói đùa này xuất phát từ việc Phó Thống đốc là người phát ngôn của NHNN, thường xuyên chủ trì các cuộc họp báo và cũng là người phụ trách lĩnh vực kho quỹ nên các năm trước luôn nhận được sự “quan tâm” đặc biệt của các phóng viên.

Thời điểm 3 năm trước, khoảng 20 ngày trước Tết Nguyên đán, tên một số ngân hàng hay được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các nhóm, hội trên mạng điện tử như Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV… trong những câu chuyện “máy ATM hết tiền”, “máy ATM ngừng hoạt động”, “máy ATM dừng nhả tiền”, “người dân xếp hàng dài cả tiếng đồng hồ mà vẫn không rút được tiền”… Câu chuyện này lặp lại thường niên, dù các ngân hàng đều “căng mình” tìm biện pháp giải quyết ngay từ giữa tháng 12, đầu mùa Tết mà nhiều khi vẫn “thất thủ”.

Tăng lượng tồn quỹ tại các máy ATM nhiều hơn ngay từ trước Tết Dương lịch; cử một đội trực chiến ATM hoạt động xuyên tết để đảm bảo ATM hoạt động thông suốt, bao gồm cả lãnh đạo cấp cao đến các cán bộ, nhân viên; các xe tiền được bảo dưỡng cẩn thận trước Tết và tăng cường với tần suất cao nhất… là các giải pháp được triển khai, song vẫn không xử lý được kịp, lý do bởi nhu cầu rút tiền mặt để chi tiêu quá lớn, có thời điểm tăng đến 300% so với thông thường, bên cạnh việc xe tiền di chuyển đi tiếp quỹ gặp trở ngại lớn, đó là tắc đường.

Thời điểm đó, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng thông tin, trung bình một máy ATM tại các ngân hàng trước Tết tiếp quỹ 2 lần/ngày, nhưng đến Tết phát sinh đến 4 lần/ngày, thậm chí còn nhiều hơn nếu thông tin báo về trung tâm là hết tiền. Điều này đồng nghĩa với việc một máy ATM trước Tết nạp trung bình 1-1,5 tỷ đồng/ngày, đến Tết có thể phải nạp từ 4-5 tỷ đồng/ngày, với lượng giao dịch có thể lên đến 700 giao dịch/ngày.

“Máy móc cũng giống con người, nếu hoạt động liên tục với tần suất lớn cũng sẽ khiến máy quá tải, trục trặc sẽ xảy ra thường xuyên, dù cho đối tác phải căng mình liên tục bảo trì máy nhưng không thể ‘chữa trị’ kịp thời”, vị lãnh đạo trên nói.

ATM kênh giao dịch tự động vốn được triển khai nhằm cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến tài khoản cá nhân và phòng những lúc nhỡ nhàng phải rút tiền mặt, trở thành kênh rút tiền phục vụ nhu cầu cá nhân là chính. Còn nhớ, một lãnh đạo cao cấp của Vietcombank đã tự an ủi khi tên ngân hàng được nhắc đến nhiều trong câu chuyện này: “Vietcombank không những bị khách hàng, mà cả cơ quan quản lý phê bình, nhưng điều này cho thấy, Ngân hàng được khách hàng lựa chọn giao dịch lớn”.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã có những thay đổi lớn, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 xuất hiện với những khẩu hiệu “không chạm”, “khử khuẩn”, “khoảng cách”, “không tập trung đông người”… Theo đó, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thói quen thanh toán của người dân đã chuyển sang không dùng tiền mặt một cách rất tự nhiên.

Cùng với đó, các hình thức thanh toán được các ngân hàng, trung gian thanh toán giới thiệu, dần phổ cập tại Việt Nam như thanh toán bằng thẻ chip phi tiếp xúc (contactless), thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại điểm bán qua mã QR, thanh toán trực tuyến cho dịch vụ số, thương mại điện tử qua NFC, ứng dụng Mobile Banking... kết hợp với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC) an toàn, thuận tiện.

Nhàn nhã… trong vội vàng

Số liệu của NHNN cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,86% về số lượng và 33,73% về giá trị; qua kênh internet tăng 50,67% về số lượng và 33% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 54,51% về số lượng và 34,34% về giá trị; qua QR Code tăng 106,68% về số lượng và 84,77% về giá trị; qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 6,82% về số lượng và 33,09% về giá trị; qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 30,73% về số lượng và 15,92% về giá trị.

Báo cáo của NAPAS cũng cho thấy, năm 2024, giao dịch trên ATM được xử lý qua hệ thống của đơn vị này giảm 19,5% về số lượng và 19,1% về giá trị so với năm 2023. Đến nay, tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 2,63% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS.

Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 11/2024, tổng số tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile-Money đạt hơn 10,14 triệu tài khoản, trong đó số lượng tài khoản của khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là hơn 7,27 triệu tài khoản (chiếm khoảng 72% tổng số tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ). Tổng số lượng điểm kinh doanh được thiết lập là 11.889 điểm, trong đó số lượng điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là 7.508 điểm, chiếm khoảng 63% tổng số điểm kinh doanh được thiết lập.

Tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán là 276.154 đơn vị, trong đó chủ yếu là các đơn vị cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục, viễn thông, dịch vụ công... Từ khi được triển khai thí điểm đến cuối tháng 11/2024, tổng số lượng giao dịch qua tài khoản Mobile-Money của khách hàng (bao gồm giao dịch nạp/rút/chuyển tiền/thanh toán) là hơn 181 triệu giao dịch, với tổng giá trị gần 6.193 tỷ đồng.

NHNN đã và đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định quy định về dịch vụ Mobile-Money để tạo hành lang pháp lý chính thức đối với dịch vụ này. Trong năm 2024, NHNN đã xây dựng Bộ hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về dịch vụ Mobile-Money để lấy ý kiến rộng rãi và gửi Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc xây dựng Nghị định phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Vì vậy, thời gian sẽ kéo dài so với thời gian kết thúc thí điểm. Trên cơ sở đó, NHNN đã thống nhất ý kiến với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và căn cứ đề xuất của 3 doanh nghiệp thực hiện thí điểm để báo cáo, đề xuất Chính phủ tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money”, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho hay.

Mặc dù thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân đã thay đổi mạnh mẽ, nhưng một lãnh đạo cao cấp PGBank cho biết, nhà điều hành không hề chủ quan. Cụ thể, trung tuần tháng 12/2024, NHNN đã có Văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc cơ quan này, các tổ chức tín dụng, Napas và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán... triển khai một số biện pháp để đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt.

“Cùng với đó, các ngân hàng trong hệ thống, bao gồm cả PGBank, đã sẵn sàng ‘trực chiến’ cho những ngày Tết nhưng không thể phủ nhận rằng, khối vận hành tại các ngân hàng đã ‘nhàn’ rất nhiều vào dịp Tết khi tất cả đều vội vàng”, vị lãnh đạo cao cấp PGBank nói.

Đường phố TP. Hà Nội và TP.HCM những ngày gần đến Tết Ất Tỵ 2025 đông nghịt người và xe. Câu cửa miệng khi gặp nhau gần như là “tắc đường khủng khiếp”, “chưa bao giờ thấy tắc đường như thế này”… Chợt nghĩ, trong dòng người và xe chôn chân thành hàng dài cả ki-lô-mét ngoài đường mà có xe tiếp tiền nào “lọt” trong đó thì thật là…

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/khi-thoi-quen-thanh-toan-thay-doi-post362065.html
Zalo