Khi thiết bị điện tử trong túi quần có nguy cơ thành một quả bom

Các cuộc tấn công bằng máy nhắn tin ở Lebanon đe dọa mở ra 'kỷ nguyên phá hoại ngầm', trong đó các thiết bị đời thường có thể trở thành mối nguy hiểm khó lường.

 Hàng chục người thiệt mạng trong vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm ở Lebanon hôm 17-18/9. Ảnh: New York Times.

Hàng chục người thiệt mạng trong vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm ở Lebanon hôm 17-18/9. Ảnh: New York Times.

15 năm trước, Israel và Mỹ đã phối hợp thực hiện cuộc tấn công mạng mang tính quyết định trong kỷ nguyên xung đột mới - một nỗ lực tinh vi nhằm đưa mã độc xâm nhập vào các nhà máy làm giàu uranium cho vũ khí hạt nhân của Iran, khiến chúng rơi vào tình trạng mất kiểm soát.

Khi đó, các luật sư và nhà hoạch định chính sách đã xem xét cách giảm thiểu rủi ro đối với thường dân. Họ quyết định tiến hành cuộc tấn công vì các thiết bị nhắm đến đều nằm sâu dưới lòng đất. Cựu Tổng thống Barack Obama cũng được đảm bảo rằng các tác động có thể được kiểm soát chặt chẽ.

Dù vậy, vẫn có những bất ngờ xảy ra. Mã độc bí mật bị phát tán ra ngoài và các đối tượng khác đã sửa đổi phần mềm độc để tấn công vào nhiều mục tiêu khác nhau.

Giờ đây, vụ phá hoại được cho là do Israel thực hiện vào ngày 17-18/9 nhắm vào hàng nghìn máy nhắn tin, bộ đàm và các thiết bị không dây mà lực lượng Hezbollah sử dụng đã đưa các cuộc tấn công mạng lên một tầm cao mới, đáng sợ hơn.

Các mục tiêu lần này không nằm sâu dưới lòng đất mà được đựng trong túi quần, bên thắt lưng hay trong nhà bếp. Những thiết bị liên lạc thông thường nay đã biến thành những quả lựu đạn nhỏ, theo New York Times.

Tác động chính

Dù mục tiêu tấn công là các chiến binh Hezbollah, bất cứ ai đứng gần đều có thể là nạn nhân, bao gồm cả trẻ em. Theo giới chức Lebanon, trong vụ nổ máy nhắn tin hôm 17/9, 11 người đã thiệt mạng và hơn 2.700 người bị thương. Một ngày sau đó, nước này ghi nhận thêm ít nhất 20 người thiệt mạng và 450 người bị thương trong hàng loạt vụ nổ bộ đàm.

Không những vậy, các vụ tấn công này có thể không chỉ dừng lại ở Lebanon. Những gì xảy ra trong quá khứ cho thấy khi một chiến lược mới được triển khai, nó sẽ trở thành công cụ sẵn có cho mọi thế lực.

 Đám tang của 4 chiến binh Hezbollah thiệt mạng trong loạt vụ nổ hôm 17-18/9 ở Lebanon. Ảnh: New York Times.

Đám tang của 4 chiến binh Hezbollah thiệt mạng trong loạt vụ nổ hôm 17-18/9 ở Lebanon. Ảnh: New York Times.

Trên thực tế, các vụ tấn công nhằm vào thiết bị di động hay cài bom không phải chiến lược mới. Suốt nhiều thập kỉ, các tổ chức khủng bố và cơ quan gián điệp đã sử dụng các phương thức này.

Song điểm khác biệt trong cuộc tấn công lần này là quy mô, khi chất nổ được gài sẵn lên rất nhiều thiết bị cùng lúc một cách chuyên nghiệp, đòi hỏi các thể lực đứng sau phải thâm nhập rất sâu vào chuỗi cung ứng.

"Đây có thể là lát cắt đầu tiên về một thế giới đáng sợ, trong đó không có thiết bị điện tử nào, từ điện thoại di động đến bộ điều nhiệt, có thể tin tưởng hoàn toàn. Liệu những thiết bị cá nhân và gia dụng khác có thể là mục tiêu tiếp theo?", ông Glenn Gerstell, cựu cố vấn pháp lý của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết hôm 18/9.

Lebanon cáo buộc cơ quan tình báo Israel đứng sau loạt vụ nổ hôm 17-18/9. Song các vụ nổ này không có nhiều mục đích chiến lược và khó có thể buộc các lãnh đạo Hezbollah từ bỏ mục tiêu mà họ đã theo đuổi suốt 4 thập kỷ, một nhà ngoại giao phương Tây có kinh nghiệm lâu năm trong vấn đề Trung Đông nhận định.

Tác động chính có lẽ là về mặt tâm lý. Cuộc tấn công lần này khiến mọi người lo sợ các thiết bị thông thường có thể trở thành vũ khí gây thương tích hoặc tử vong ngay lập tức. Nỗi sợ hãi này sẽ ám ảnh người dân Lebanon và có thể lan rộng.

Vụ việc cũng làm gián đoạn liên lạc, dẫn đến những suy đoán rằng đây có thể chỉ là màn dạo đầu cho một cuộc tấn công lớn hơn từ Israel.

Ngay trước khi các vụ nổ xảy ra, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố hoạt động quân sự đã bước vào "giai đoạn mới", chuyển trọng tâm từ Gaza lên phía bắc. Việc khiến các chiến binh và lãnh đạo Hezbollah sợ hãi khi sử dụng thiết bị không dây có thể mang lại lợi thế lớn, dù chỉ tạm thời.

Nguy cơ tiềm ẩn

Hiện chưa rõ các thế lực đứng sau đã áp dụng công nghệ nào để tiến hành loạt vụ nổ chết người vừa qua. Lực lượng Hezbollah đã sử dụng máy nhắn tin để thay thế điện thoại di động vì các thiết bị này sử dụng công nghệ lạc hậu và không hoạt động qua Internet.

 Người thân tiễn đưa Fatima Jaafar Mahmoud Abdullah vào ngày 18/9, một ngày sau khi cô bé thiệt mạng do vụ nổ máy nhắn tin. Ảnh: New York Times.

Người thân tiễn đưa Fatima Jaafar Mahmoud Abdullah vào ngày 18/9, một ngày sau khi cô bé thiệt mạng do vụ nổ máy nhắn tin. Ảnh: New York Times.

Các chuyên gia đã đặt ra nhiều giả thuyết về cách gài chất nổ trong các thiết bị. Nhiều người cho rằng các đặc vụ Israel đã tẩm chất nổ vào pin khi máy nhắn tin được sản xuất tại một công ty ở Budapest. Số khác cho rằng trong quá trình sản xuất và phân phối đến các lãnh đạo và chiến binh Hezbollah, các thiết bị có thể đã bị sửa đổi.

Dù phương thức phá hoại là gì, kết quả vẫn giống nhau: Chỉ cần một lượng nhỏ chất nổ gài sẵn trong máy nhắn tin và bộ đàm cũng đủ gây thương tích nghiêm trọng, vượt xa mức độ tổn thương do nổ pin thông thường. Các vụ nổ có thể được kích hoạt chỉ bằng một tin nhắn được gửi đồng loạt, một lỗ hổng trong mã điều khiển hay tín hiệu bị rò rỉ.

“Một tín hiệu đã được gửi đi để kích hoạt chất nổ. Có lẽ (họ) đã lợi dụng một lỗ hổng để làm pin nóng lên quá mức và gây ra vụ nổ", ông Jason Healey, chuyên gia về mạng tại Đại học Columbia, cho biết.

Theo New York Times, việc thâm nhập vào chuỗi cung ứng để thực hiện các cuộc tấn công không phải chiến lược mới. Hơn một thập kỷ trước, Mỹ đã chặn nguồn cung năng lượng đến Iran để tác động đến các máy làm giàu uranium, gây gián đoạn quá trình sản xuất nhiên liệu cho vũ khí hạt nhân của nước này.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ cũng từng chặn các máy phát điện khổng lồ do Trung Quốc sản xuất vì tin rằng chúng đã bị can thiệp để cài đặt một "công tắc chết" có khả năng kích hoạt từ nước ngoài.

Hơn một năm qua, các quan chức Mỹ cũng cảnh báo về chiến dịch "Volt Typhoon” của Trung Quốc, được cho là nỗ lực cài phần mềm độc hại vào lưới điện của Mỹ để tắt đèn và nguồn cung cấp nước.

Song các cuộc tấn công này đều nhắm vào cơ sở hạ tầng lớn, chứ không phải thiết bị cầm tay. Do đó, các vụ tấn công ở Lebanon có thể là một bước đi mới, nguy hiểm và khó lường hơn.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/khi-thiet-bi-dien-tu-trong-tui-quan-co-nguy-co-thanh-mot-qua-bom-post1499243.html
Zalo