Khí thế mùa xuân qua những trang báo xưa
Trong những năm tháng hào hùng của dân tộc, khi đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, hình ảnh người lao động, công nhân trên mọi mặt trận sản xuất hiện lên như những ngọn đuốc, luôn sáng ngời ý chí và tinh thần cống hiến.
Từ những trang báo xưa, khí thế hăng say lao động của họ đã được ghi lại chân thực, sống động, trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, sự kiên cường và lòng quyết tâm vượt qua mọi gian khó.

Trang bìa báo Hà Nội hằng ngày số xuân 1957, tranh của họa sĩ Lưu Văn Sìn (ảnh trái) và trang bìa báo Ngày Nay số mùa xuân 1937, tranh bìa của họa sĩ Nguyễn Gia Trí.
“Ngành vận tải ăn Tết sau nhân dân”
Mùa xuân năm 1961, khi mọi người ai nấy đều hướng về mái ấm gia đình, quây quần bên mâm cơm ngày Tết thì những người công nhân ngành vận tải, công nhân nhà máy, xí nghiệp, công trường vẫn miệt mài làm việc. Trên những chuyến tàu, ngành đường sắt phát động khẩu hiệu “Ngành vận tải ăn Tết sau nhân dân”, vận chuyển hàng vạn người về quê đón Tết.
Trên báo Nhân Dân số ra ngày 19-2-1961 có bài viết “Chở tám vạn người một ngày” với nội dung: “Từ ngày 22 tháng Chạp âm lịch đến mồng 1 Tết, số khách đi xe lửa đã lên đến 52 vạn người. Có những ngày như ngày 27 tháng Chạp, ngành đường sắt đã chở 87.000 người; ngày mồng 1 Tết cũng chở tới 40.000 người, nhiều gấp ba lần Tết năm ngoái. Trong bốn ngày giáp Tết, ngành vận tải xe hơi đã chở 45.000 người từ Hà Nội đi các nơi và 20.000 người từ các nơi về Hà Nội. Cán bộ và công nhân ngành vận tải nêu khẩu hiệu “Ngành vận tải ăn Tết sau nhân dân”, nên đã có nhiều sáng kiến cải tổ công tác. Các ga và các bến đã tổ chức bán vé trước và tổ chức mang vé đến bán ở một số xí nghiệp, cơ quan, trường học. Xe lửa và xe hơi đều chạy thêm chuyến. Ngành đường sắt đã dành một chuyến xe lửa đặc biệt chiều 27 Tết để chở công nhân làm tầm cuối năm của khu gang thép Thái Nguyên về ăn Tết ở Hà Nội. Nhờ sự cố gắng của ngành vận tải, năm nay không còn tình trạng hành khách đọng lại hoặc phải chờ đợi lâu”.
Không chỉ riêng ngành vận tải, các nhà máy, công trường, người lao động cũng thi đua lập thành tích trong những ngày Tết. Tại Nhà máy xi măng Hải Phòng, dây chuyền sản xuất hoạt động liên tục, các tổ sản xuất tiên tiến đã vượt mức kế hoạch, ghi dấu năng suất cao kỷ lục trong đêm giao thừa. Báo Nhân Dân số ra ngày 19-2-1961 có bài viết: “Nhà máy xi măng Hải Phòng sản xuất vượt mức” với nội dung: “Trong mấy ngày Tết, toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất của Nhà máy xi măng vẫn chạy đều và sản xuất tốt. Tổ đá nhỏ ca A, tổ sản xuất tiên tiến của thành phố, trong đêm giao thừa và đêm mồng 1 Tết đã đạt năng suất 24 thước khối, vượt mức kế hoạch bốn thước khối. Đêm mồng 2 Tết, tổ đã đạt 29 thước khối, vượt mức chín thước khối. Tổ đất B, ca đêm, cũng đã nâng mức vận chuyển từ 9,7 thước khối lên 11 thước khối”. Cảng Hải Phòng, nơi tiếp nhận những chuyến tàu tấp nập, cũng sáng bừng khí thế. Những tổ bốc xếp nâng năng suất từng giờ, từng ngày, vượt mức kế hoạch trong niềm vui lao động rộn rã. Cũng trong số báo ra ngày 19-2-1961, báo Nhân Dân có bài viết: “Cảng Hải Phòng bốc rót vượt mức”. Trong bài có đoạn: “Ngày mùng 2 Tết, cảng Hải Phòng có thêm tàu vào, nhưng vì mức nước thấp nên không vào được bến. Anh em công nhân đã ra tận tàu để bốc hàng. Nhờ đó, tàu vào bến sớm hơn thời gian quy định. Năng suất bốc rót đã vượt mức bốn tấn rưỡi một máng trong một giờ. Các tổ tiên tiến 29 và 30 bốc A-pa-tít đã nâng mức bốc rót từ 40 tấn lên 43 tấn”...
Góp sức “dệt” mùa xuân đất nước
Trong những ngày chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, không khí lao động lại càng thêm sôi nổi. Mặc dù bị chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề, nhưng nhân dân miền Bắc không bị khuất phục mà vẫn “vững vàng trong lửa đạn, vượt thử thách hy sinh, hậu phương miền Bắc đã đánh bại các bước leo thang của không quân và hải quân Mỹ, ra sức tăng viện cho cách mạng miền Nam”. Theo Bộ Thủy lợi, trong dịp Tết Ất Mão (năm 1975), “Hàng trăm công nhân, cán bộ các đơn vị sản xuất, xây dựng trên công trường đê sông Đáy đã tình nguyện bảo đảm sản xuất liên tục, góp phần giữ vững nhịp độ thi công. Đông đảo công nhân công ty vận tải đường biển đã tình nguyện tham gia vận tải trong dịp Tết. Trong 3 ngày Tết, công ty có thêm hạng mục phương tiện vận chuyển. Công ty có kế hoạch chu đáo phục vụ anh em công nhân ăn Tết ngay trên các sà lan. Đông đảo công nhân, nhiều nhà máy, công trường ở thành phố Việt Trì đã tình nguyện tham gia sản xuất liên tục trong những ngày Tết Ất Mão. Do chuẩn bị chu đáo cho công nhân ăn Tết tại nhà máy, công nhân các nhà máy miến - mì chính, điện, hóa chất, giấy, công trường xây dựng nhà máy liên hợp dệt đã thi đua tăng năng suất...” (Báo Lao Động, ngày 15-2-1975).
Trong không khí rộn ràng của những mùa xuân đầu tiên sau ngày giải phóng, tin tức về các phong trào thi đua lập công đầu xuân luôn tràn ngập các trang báo, phản ánh khí thế lao động sôi nổi và tinh thần yêu nước của nhân dân. Báo Hànôịmới số ra ngày 4-1-1979 có bài viết: “Thi đua lập công đầu xuân 1979” với nội dung: “Nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà chế tạo thêm nhiều máy móc thiết bị, khuôn mẫu phục vụ sản xuất năm mới. Thực hiện lời căn dặn của đồng chí Trường Chinh khi đến thăm nhà máy vào dịp đầu năm mới, cán bộ, công nhân nhà máy đã có nhiều cố gắng đẩy mạnh phong trào lao động, sản xuất và cách mạng kỹ thuật, tự làm lấy nhiều máy móc, thiết bị, khuôn mẫu, sử dụng nguyên liệu trong nước, giữ vững tiến độ sản xuất trong điều kiện rất khó khăn về vật tư... Cán bộ, công nhân nhà máy đã phát huy và đưa vào sản xuất 148 sáng kiến, cải tiến, trong đó có 24 sáng kiến cải tiến và làm mới thiết bị; 103 sáng kiến sử dụng nguyên liệu trong nước”...
Bên cạnh đó, các công nhân thuộc nhiều ngành nghề như vệ sinh môi trường, điện lực, thực phẩm... và nhiều lĩnh vực khác cũng không ngừng nỗ lực, góp phần tạo nên diện mạo mới cho đất nước. Báo Hànôịmới số ra ngày 30-1-1979 cũng có bài viết với nội dung: “Trong những ngày giáp Tết, đặc biệt trong ngày 29 Tết ngót ngàn cán bộ, công nhân đội rác, đội xe rác, xe nước và một số bộ phận khác của công ty Vệ sinh đã tận tình làm việc suốt ngày đêm, nhiều bộ phận làm việc đến 2 - 3 giờ sáng mùng 1 Tết để bảo đảm thu dọn sạch sẽ mọi đường phố. Sáng mùng 2 Tết, toàn thể cán bộ, công nhân của đội rác với hơn 700 lao động lại bắt tay ngay vào công việc thu dọn rác đường phố và rác trong nhà dân như bình thường”; “Những ngày Tết, anh chị em ở các trạm phát điện đi-ê-den đã kiểm tra lại máy móc, chuẩn bị thêm dầu mỡ, sắp xếp lực lượng bảo đảm phát điện được liên tục với công suất cao, cung cấp được nhiều điện phục vụ sản xuất và nhân dân trong dịp Tết. Các đơn vị đều tổ chức lực lượng thường trực trong ba ngày Tết, các tổ sửa chữa được tăng thêm ca kíp, sẵn sàng đi sửa chữa điện cho nhân dân để mọi nhà có điện vui Tết, đón xuân”...
Những trang báo xưa, qua từng con chữ giản dị mà sâu sắc, đã vẽ nên một bức tranh sống động về tinh thần lao động hăng say của những người công nhân. Đó là những con người sẵn sàng hy sinh bản thân, đặt trách nhiệm lên trên niềm vui, hạnh phúc cá nhân. Họ là những người đã làm nên những mùa xuân đặc biệt, những mùa xuân của cống hiến và chiến thắng. Tinh thần lao động ấy không chỉ là bản hùng ca của lịch sử, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho thế hệ mai sau, tiếp tục xây dựng đất nước phồn vinh, giàu đẹp.