Khí thế lao động hăng say trên các công trình trọng điểm
Những ngày cuối năm 2024, không khí lao động trên các công trình trọng điểm của tỉnh diễn ra rất sôi động, khẩn trương. Các nhà thầu, đội ngũ kỹ sư, công nhân nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm sớm hoàn thành và đưa các công trình vào sử dụng, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.
Trong tiết trời giá rét, hàng chục kỹ sư, công nhân vẫn miệt mài, hăng say làm việc trên công trường xây dựng cầu vượt sông Vân và đường dẫn phía Tây cầu sông Vân (thành phố Ninh Bình).
Sau gần 4 năm thi công, đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành, bước đầu tạo ấn tượng về cảnh quan kiến trúc khá đặc biệt và đẹp mắt. Để chính thức đưa công trình vào sử dụng đầu năm 2025, hiện nay, đơn vị nhà thầu đang gấp rút hoàn thiện một số hạng mục còn lại như lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng; lan can kiến trúc phần bộ hành check-in phía thượng lưu, lát đá vỉa hè, trồng cây xanh... Không khí thi công ở mọi vị trí đều tất bật, khẩn trương.
Đang cùng các công nhân khác lắp đặt hệ thống lan can phần bộ hành trên cầu, anh Đinh Văn Định, công nhân cơ khí chia sẻ: Phần công việc này đòi yếu tố kỹ, mỹ thuật rất cao, vì vậy anh em phải tập trung cao độ, đảm bảo đúng thiết kế và chất lượng công trình. Mặc dù phải làm tăng ca; trong thời tiết mưa, lạnh nhưng tất cả đều không quản ngại vất vả, ngược lại rất phấn khởi, tự hào bởi vì được góp công sức nhỏ bé của mình vào công trình tạo dấu ấn cho thành phố.
Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải, Dự án Đầu tư xây dựng điều chỉnh cầu vượt sông Vân và đường dẫn phía Tây cầu sông Vân là dự án nhóm B, tổng mức đầu tư 340 tỷ đồng, bao gồm: phần cầu dài 64,69m, bề rộng xe chạy 24 m, ngoài ra còn có phần bộ hành check-in. Phần đường dẫn 2 đầu cầu với chiều dài khoảng 280m. Đặc biệt, cầu được thiết kế với kiến trúc rất ấn tượng và ý nghĩa gồm 2 vòm kiến trúc: Vòm Bông lau và vòm Mã. Ngoài ra, cầu còn có điểm check in, hệ thống chiếu sáng đa sắc. Dự án được coi là điểm nhấn về cảnh quan đô thị, thu hút sự quan tâm của người dân.
Hiện, Sở đang chỉ đạo đơn vị thi công, tư vấn, giám sát tiếp tục tập trung nhân lực, vật lực thi công những hạng mục còn lại với tiến độ nhanh nhất để sớm hoàn thiện dự án đưa vào sử dụng, khánh thành chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII. Mặc dù khối lượng thi công rất lớn, nhưng sau hơn 2 năm nỗ lực “xẻ đồi, đắp đất”, tuyến đường Đông Tây (giai đoạn 1)-Dự án giao thông kết nối liên vùng lớn nhất tỉnh Ninh Bình đã dần hình thành. Hiện đang là những ngày cận Tết nhưng mỗi ngày trên công trường xây dựng tuyến đường này, khí thế lao động vẫn rất sôi nổi khi hàng trăm phương tiện xe tải, máy xúc, máy ủi, máy thảm nhựa cùng vang lên “bản hợp xướng”. Các kỹ sư, công nhân miệt mài, trách nhiệm với các phần việc được giao.
Anh Giang Văn Khương, cán bộ kỹ thuật, Đội trưởng đội thi công Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Thành Trung, đại diện nhà thầu chia sẻ: Hòa cùng khí thế lao động của anh em công nhân, chúng tôi, những người quản lý cũng “ăn, ngủ” tại công trường. Một mặt để đốc thúc, giám sát công nhân thi công, mặt khác dấy lên tinh thần đồng lòng, trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành vượt mức cam kết của tập thể cán bộ, công nhân, lao động trong Công ty. Chúng tôi thường xuyên họp, bàn, xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, dồn mọi nguồn lực cho công trình, bảo đảm tiến độ theo từng tuần, từng tháng, đúng theo sự chỉ đạo của chủ đầu tư.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Dự án xây dựng tuyến đường Đông-Tây với tổng chiều dài gần 23km, tổng mức đầu tư trên 1.900 tỉ đồng. Đoạn từ thành phố Tam Điệp đến huyện Nho Quan giao với Quốc lộ 12 có quy mô trước mắt 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cấp II; riêng đoạn đầu tuyến nút giao với cao tốc Bắc-Nam có chiều dài gần 1,7km có quy mô 8 làn xe theo quy hoạch đô thị Tam Điệp. Đây dự án giao thông có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư trên địa bàn tỉnh do địa phương phê duyệt.
Sau hơn 2 năm thi công, đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành công tác đào đắp nền đường, cầu, cống trên tuyến cũng như thảm mặt đường... Dự kiến đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ này sẽ hoàn thành cơ bản tuyến chính để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và đến tháng 6/2025 sẽ hoàn thành dự án và đưa vào khai thác. Ngoài 2 dự án nêu trên, hiện nay các công trình, dự án trọng điểm khác trên địa bàn tỉnh cũng đang bước vào giai đoạn “nước rút” để hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2025, như: Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường chính vào khu du lịch suối Kênh Gà và động Vân Trình; Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Hoa Lư; Dự án xây dựng Kênh kết hợp đường Vạn Hạnh; Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình...
Cùng với việc tăng tốc hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, tỉnh Ninh Bình cũng đang tích cực hoàn thiện các thủ tục pháp lý để lựa chọn nhà đầu tư và khởi công hàng loạt dự án lớn trong năm 2025. Đáng chú ý là: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình; dự án xây dựng Nhà khách Tỉnh ủy Ninh Bình; dự án xây dựng đơn nguyên Khám chữa bệnh chất lượng cao của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình; dự án đầu tư xây dựng, cải tạo Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Ninh Bình; dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Núi Non Nước; dự án Doanh trại đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh và Đội Cảnh sát cơ động Kỵ binh số 1 tại huyện Nho Quan; dự án Nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô, phụ kiện ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp bán dẫn, thiết bị xử lý môi trường công nghệ cao Bei Ke Yuan; dự án Nhà máy điện rác Ninh Bình...
Dự kiến sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, hoạt động, các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh sẽ góp phần tạo ra không gian phát triển, diện mạo mới cho tỉnh, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình đô thị hóa theo đặc trưng riêng; tạo động lực thúc đẩy quá trình xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng là Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo vào năm 2035.