Khi tham gia giao thông xảy ra va chạm, bạn đã bao giờ mỉm cười và chủ động xin lỗi?

Khi tham gia giao thông, xảy ra va chạm là điều không ai mong muốn. Thế nhưng, cách hành xử sau đó, mới là vấn đề chúng ta cần bàn luận. Để xây dựng văn hóa giao thông văn minh, hiện đại, mỉm cười và chủ động xin lỗi kể cả khi không sai là điều mỗi chúng ta nên hướng tới!

Sau va chạm, 2 chủ phương tiện chủ động bắt tay giảng hòa. Ảnh: Minh họa

Sau va chạm, 2 chủ phương tiện chủ động bắt tay giảng hòa. Ảnh: Minh họa

Trong nhiều trường hợp, dù chỉ bắt đầu từ sự cố va chạm nhẹ không có thương tích đáng kể, nhưng đa phần do ý thức và cái tôi quá cao của mỗi người, không ai chịu nhường ai, dẫn đến cãi vã, xô xát, đánh nhau, gây nên thương tích nặng hơn, cản trợ giao thông, gây mất trật tự xã hội... Đây được coi là một trong những biểu hiện của thiếu văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông.

Ở nước ta đang diễn ra những thực trạng nhức nhối về tai nạn giao thông và văn hóa giao thông. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, về mặt chủ quan vẫn là ý thức của người tham gia giao thông chưa cao khi vi phạm pháp luật giao thông, như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi quá tốc độ… Từ đó, dẫn đến những va chạm không mong muốn, ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông tuân thủ đúng pháp luật giao thông, thậm chí có thể dẫn đến bị thương, ảnh hưởng đến tính mạng. Việc này sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong một số trường hợp, sự va chạm là không cố ý, là không mong muốn, không gây ra hậu quả nặng nề, hoàn toàn có thể “mỉm cười và chủ động xin lỗi” để hòa giải, tránh gây cản trở giao thông và mất trật tự xã hội.

Đây cũng là một trong 16 nội dung tuyên truyền và xây dựng tình huống ứng xử văn hóa giao thông do Ban Tổ chức Đề án Xây dựng Văn hóa giao thông “vì hạnh phúc gia đình Việt” chính thức triển khai đề án từ năm 2021. Đề án được Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển phối hợp các chuyên gia nghiên cứu an toàn giao thông, Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát Nhân dân xây dựng và tuyên truyền, các đơn vị báo đài Trung ương, địa phương đồng hành trên cả nước trong những năm qua.

Một số nội dung dung tuyên truyền và xây dựng tình huống ứng xử văn hóa giao thông trong đề án như “Văn hóa giao thông là tự giác tuân thủ luật giao thông”, “Văn hóa giao thông nói không với nồng độ cồn”, “Văn hóa giao thông là mỉm cười và chủ động xin lỗi”, “Văn hóa giao thông nói không với xả rác tùy tiện”, “Văn hóa giao thông là có trách nhiệm khi xảy ra sự cố”, “Văn hóa giao thông nói không với xô xát, nóng vội, cãi cọ”, “Văn hóa giao thông là xe lớn nhường xe nhỏ, các phương tiện nhường người đi bộ”, “Văn hóa giao thông nói không vơi vô ý làm bắn nước, bùn, đát lên người, phương tiện khác”…

Tọa đàm tuyên truyền những ứng xử xây dựng văn hóa giao thông do Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển tổ chức năm 2022. Ảnh: PV

Tọa đàm tuyên truyền những ứng xử xây dựng văn hóa giao thông do Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển tổ chức năm 2022. Ảnh: PV

Văn hóa giao thông là những hành động “có văn hóa”, những hành động đẹp khi tham gia giao thông. Văn hóa giao thông có quan hệ khăng khít với pháp luật về giao thông, trước hết là hành động tuân thủ pháp luật giao thông, song nó là những hành vi ứng xử có văn hóa hơn những điều được quy định trong luật. Xây dựng văn hóa giao thông là xây dựng thói quen tham gia giao thông một cách có văn hóa.

Để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, xây dựng hình thành thói quen tốt có văn hóa, Ban Tổ chức Đề án Xây dựng Văn hóa giao thông “Vì hạnh phúc gia đình Việt” hy vọng, bên cạnh việc xây dựng những chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, đề này góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục cho mọi người dân khi tham gia giao thông.

Công Nguyên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/khi-tham-gia-giao-thong-xay-ra-va-cham-ban-da-bao-gio-mim-cuoi-va-chu-dong-xin-loi-a25812.html
Zalo