Khi tâm hồn 'đóng băng'

Từng ra mắt độc giả Việt Nam nhiều thập niên trước và được đón nhận vô cùng tích cực, mới đây, tiểu thuyết 'Băng điểm' của nhà văn Nhật Miura Ayako đã trở lại với người đọc trong nước. Có thể nói chính bằng thông điệp giá trị và đánh động được những góc thẳm sâu trong nội tâm người mà tác phẩm này vẫn giữ được sự hấp dẫn 60 năm qua.

Câu chuyện hấp dẫn

Ra mắt vào năm 1965, Băng điểm đạt được thành tích ấn tượng khi bán hết gần 5 vạn bản chỉ trong tuần đầu phát hành. Sau một năm thì con số này đã lên tới 71 vạn bản. Nó cũng được dựng thành phim một năm sau đó và cũng có nhiều phiên bản tính cho đến nay.

Điều này không quá khó hiểu bởi Miura Ayako đã tạo nên một câu chuyện cuốn hút với những diễn biến tâm lý phức tạp và các sự kiện liên tục đảo chiều, khiến cho người đọc như bị cuốn vào để luôn tự hỏi đâu là kết cục. Tuy được sáng tác từ hơn nửa thế kỷ trước, nhưng không quá khó thấy nữ tác giả đã rất biết cách thu hút độc giả với những tình tiết như các bộ phim truyền hình dài tập ở thời điểm này.

Tiểu thuyết gia Miura Ayako. Ảnh: Báo Thiên Chúa giáo Nhật Bản

Tiểu thuyết gia Miura Ayako. Ảnh: Báo Thiên Chúa giáo Nhật Bản

Cuốn sách xoay quanh gia đình Tsujiguchi và bi kịch lớn trong gia đình này. Vào một ngày nọ, người vợ Natsue do chìm đắm trong những phút giây yêu đương “ngoài luồng” với viên bác sĩ Murai mà đã đâỷxe đưa cô con gái nhỏ là Ruriko ra ngoài dạo chơi. Không may cô con gái bị sát hại bởi người đàn ông tên là Saishi.

Người chồng cũng là viện sĩ Keizo khi biết mọi chuyện thì đầy căm thù vợ, từ đó thông đồng với Takagi – bạn thân và cũng đồng thời chính viện trưởng của trại mồ côi – nhận con gái Saishi vào làm con nuôi. Ông muốn vợ mình yêu thương đứa bé để rồi sẽ bị trừng phạt và thấy đau đớn khi biết thực hư. Và cũng từ đây mà chuỗi bi kịch không thể đoán trước đã được bắt đầu.

Không quá khó thấy thành công ở Băng điểm nằm ở tình tiết đầy ắp khúc ngoặt được Miura Ayako trù tính kỹ càng. Tuy nhà văn khẳng định mình viết chỉ nhằm phục vụ truyền giáo, nhưng không thể không thấy ở tác phẩm này yếu tố nói trên ít nhiều đã bị xóa nhòa trong cách đón nhận của độc giả để Băng điểm tự mình có sức sống riêng, trở thành cuốn sách tự thân thu hút bởi chính câu chuyện và những tình tiết mà nó mang theo.

Trong những bí mật chồng chồng lớp lớp, đan cài vào nhau một cách khéo léo, Miura liên tục mở/tắt tình tiết và điều hướng nó khiến cho độc giả không ngừng bất ngờ khi những sự thật dần được lật mở. Tuy nhân vật chính lẫn nhân vật phụ không chiếm số lượng quá nhiều, nhưng bằng cách khai thác đến tận cùng những khả năng có thể, cuốn sách đã đưa độc giả vào một bi kịch có tính khép kín, nhưng khi vỡ ra thì tác động ấy lại đầy dữ dội.

Bìa tiểu thuyết Băng điểm. Ảnh: NXB Trẻ

Những mổ xẻ tâm lý

Không chỉ sở hữu cốt truyện cuốn hút, cuốn tiểu thuyết cũng rất thành công ở khả năng khai thác tâm lý nhân vật ấn tượng. Suốt cuốn sách, bên cạnh lối dẫn dắt mạch truyện khéo léo thì những độc thoại nội tâm, những sự phản tư hay hành động không ngừng tự đánh giá của các nhân vật cũng đầy hấp dẫn.

Như đã nói trên, với tôn chỉ viết để truyền đạo, trong tác phẩm này, Miura Ayako cũng đã giới thiệu một vấn đề lớn đó là “nguyên tội”: Liệu con người ta có nhận ra được tội lỗi lớn nhất chính là không nhận thức được tội lỗi mà mình gây ra? Cũng vì không biết mà những nhân vật luôn lựa chọn sai, từ đó đẩy những người thân và con cái mình vào trong bể khổ không thể đoán trước, và cùng lúc đó thì bản thân họ cũng chẳng yên lòng.

Vì không nhận thức được điều đó nên các nhân vật của Miura vô cùng chông chênh. Họ biết mình đã sai lầm nhưng lại không biết lỗi đang nằm ở đâu để mà thay đổi.

Cảnh trong phim chuyển thể từ sách, ra mắt vào năm 1966. Ảnh: Windows on Worlds

Cảnh trong phim chuyển thể từ sách, ra mắt vào năm 1966. Ảnh: Windows on Worlds

Các nhân vật trưởng thành trong cuốn sách này đều mang trong mình những tội lỗi ấy. Bởi có ý thức nên họ không ngừng tự biện hộ cho các động cơ. Vì tự thương thân nên họ không cho bản thân chính là nguồn cơn của những sai lầm. Và khi người khác bao dung, tha thứ cho họ, họ lại coi đấy là một điều hiển nhiên, tiếp tục rơi vào hố sâu tội lỗi. Natsue và Murai chính là điển hình cho motif này, khiến họ không bao giờ có được giây phút nào thật sự an lòng.

Và Keizo trong hành trình đó cũng luôn trăn trở liệu Yoko – đứa con mà mình mang về - có mang tội không? Ông cũng có lúc có thấy mình thông cảm cho chính Saichi, vì xuất thân trong một môi trường lộn xộn để rồi gặp phải bất hạnh khi vợ qua đời và còn còn nhỏ, khiến tâm trí y đã bị suy yếu, từ đó xuống tay thực hiện tội ác...

Có thể nói Miura Ayako đã làm rất tốt để khai thác được những chuyển biến nội tâm này. Bà cho ta thấy vì thiếu một niềm tin chung mà những chọn lựa của các nhân vật đi vào góc tối, khiến họ đau khổ, không thể thoát ra.

Thông điệp ý nghĩa

Và từ trong những bi kịch mà bản thân gây dựng, tác giả cũng đưa ra rất nhiều bài học để nhìn vào đó mà “người đến sau” có thể thay đổi. Trong câu chuyện thông cảm cho nạn nhân của Keizo, bà cho ta thấy nếu biết cảm thông và nhìn câu chuyện dưới nhiều góc độ thì những phân định sẽ được rạch ròi giữa đen và trắng.

Có thể Keizo không thể tha thứ cho người giết hại con gái của mình, nhưng nếu nhìn rõ và hiểu thấu hơn, ông sẽ không mang Yoko về nhà của mình để rồi hủy hoại chính niềm hạnh phúc ở xung quanh mình như có lần nói: “[Con người] gắn bó với nhau một cách sâu sắc đến bất ngờ, rồi cũng làm tổn thương nhau sâu sắc theo một cách không thể nào lường trước được.”

Bảo tàng tưởng nhiệm Miura Ayako ở Hokkaido Nhật Bản. Ảnh: Good Luck Trip

Bảo tàng tưởng nhiệm Miura Ayako ở Hokkaido Nhật Bản. Ảnh: Good Luck Trip

Trong cuốn tiểu thuyết, Yoko có thể nói là nhân vật mang đến nhiều thông điệp ý nghĩa nhất. Cô luôn tích cực cũng phải sống trong rất nhiều khó khăn, từ việc biết mình được nhận nuôi, khi cha mẹ nuôi gần như lạnh nhạt cho đến tự mình vươn lên trong cuộc đời này…

Cô cho ta thấy bài học về sự tự lập và tích cực sống, bởi đúng như cô quan niệm: “Nếu vững tin rằng sau khi đám mây đen đó đi qua, ánh nắng mặt trời sẽ lại chiếu sáng, thì chúng ta sẽ bình tĩnh để thực hiện mọi việc”. Cũng như một câu nói khác: “Không được phép thua những người có tâm địa xấu. Việc quan trọng hơn cả là phải có suy nghĩ tích cực, rằng cho dù có bị chơi xấu như thế nào đi nữa, chúng ta cũng sẽ không để thua. Nếu chúng ta khóc trước những kẻ muốn chúng ta khóc, thì chúng ta đã thua”. Sau rốt cô cũng là người dũng cảm chấp nhận tội lỗi dù đó không phải do mình gây ra - hành động mà không người trưởng thành nào trong cuốn sách này có ý thực hiện một cách trong sáng.

“Băng điểm” – điểm mà chất lỏng dần dần đóng băng – đó là thời khắc mà bản thân ta quyết định làm gì trước một nỗi đau vô cùng sâu sắc. Hoặc là trả thù để rồi thúc đẩy một chuỗi bi kịch, hoặc cứ để chúng dần dần chảy trôi…

Bằng khả năng khai thác tâm lý nhân vật sâu sắc và cốt truyện thú vị, phức tạp và đầy kịch tính, không quá khó hiểu vì sao sáu thập kỷ qua cuốn tiểu thuyết này vẫn giữ được tính hấp dẫn, qua đó chất vấn những câu hỏi lớn về tội ác, trừng phạt và cái chết.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/khi-tam-hon-dong-bang-46995.html
Zalo