Khi STEM kết hợp với nghệ thuật: STEAM có phải là tương lai?

Khi STEAM được áp dụng một cách đúng đắn, nó sẽ giúp thế hệ trẻ không chỉ phát triển kiến thức khoa học mà còn trở nên linh hoạt, sáng tạo.

Workshop: Wishing tree and interactive art mở ra nhiều hướng tiếp cận mới mẻ và thú vị về ứng dụng công nghệ. Ảnh: UEH

Workshop: Wishing tree and interactive art mở ra nhiều hướng tiếp cận mới mẻ và thú vị về ứng dụng công nghệ. Ảnh: UEH

Trong bối cảnh thế giới không ngừng biến đổi và áp lực đổi mới sáng tạo ngày càng cao, sự kết hợp giữa STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, và Toán học) và nghệ thuật – hay còn gọi là STEAM – đang mở ra một hướng đi mới đầy hứa hẹn.

STEAM không chỉ giúp học sinh phát triển kiến thức khoa học mà còn trau dồi tư duy sáng tạo, khả năng thiết kế và ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao.

Giáo dục STEAM và hướng đi mới cho sự phát triển bền vững

Xu hướng giáo dục STEAM đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong giáo dục hiện đại thông qua việc mở rộng từ mô hình STEM truyền thống sang tích hợp các kỹ năng mềm như sáng tạo, tư duy phản biện và cảm thụ nghệ thuật. Sự kết hợp này không chỉ giúp học sinh phát triển toàn diện hơn mà còn mở ra những hướng đi mới trong đào tạo nhân lực cho tương lai.

Điển hình cho xu hướng này là sự kiện quốc tế ArtTech Fusion 2024 (ATF24) với chủ đề “New ArtTech For Future Generations”, diễn ra tại Đại học Kinh tế TPHCM (UEH).

Sự kiện thu hút hơn 4.500 người tham dự, bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nghệ sĩ, đại diện chính quyền, giảng viên và sinh viên đam mê lĩnh vực ArtTech – nơi giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ, tạo nên những giá trị sáng tạo mới trong giáo dục và xã hội.

 Giảng viên, sinh viên trải nghiệm triển lãm trải nghiệm âm thanh đắm chìm "OTTO Sonics". Ảnh: UEH

Giảng viên, sinh viên trải nghiệm triển lãm trải nghiệm âm thanh đắm chìm "OTTO Sonics". Ảnh: UEH

Tại sự kiện, GS. Carsten Baumgarth (Đức) đã có bài trình bày về mối quan hệ giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và nghệ thuật, giới thiệu khái niệm “Hiệu ứng Nghệ thuật Lan tỏa” (Art Infusion Effect).

Theo ông, các tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra có thể tác động tích cực đến nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm và thương hiệu. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng biết hoặc tin rằng tác phẩm đó được tạo ra bởi AI, hiệu ứng tích cực này có thể bị suy giảm.

Điều này đặt ra câu hỏi quan trọng về sự khác biệt trong cách đánh giá giữa sản phẩm nghệ thuật do con người và máy móc tạo ra, từ đó mở ra những cuộc thảo luận sâu sắc về ranh giới sáng tạo giữa con người và công nghệ trong kỷ nguyên số.

Đáp lại nhu cầu đổi mới trong một thế giới ngày càng phức tạp, GS. Zhiyong Fu từ Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng hệ thống giáo dục STEAM tích hợp thực hành sáng tạo vào chương trình học.

Ông đề xuất kết hợp thiết kế với nghiên cứu tương lai, nhằm đào tạo nguồn nhân lực không chỉ có chất lượng chuyên môn cao mà còn có khả năng thích ứng, tư duy giải quyết vấn đề toàn cầu, đặc biệt là các thách thức liên quan đến phát triển bền vững.

Trong một phiên thảo luận khác, PGS. Trịnh Thùy Anh (Đại học Kinh tế TPHCM) cùng các chuyên gia đến từ Ý, Ma Cao và Áo đã tập trung trao đổi về việc xây dựng cộng đồng ArtTech nhằm giải quyết các vấn đề bền vững ở cấp độ địa phương.

Nhóm chuyên gia đưa ra các giải pháp sáng tạo ứng dụng công nghệ trong nghệ thuật, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy sự kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ không chỉ mang lại giá trị kinh tế mới mà còn góp phần giải quyết những thách thức môi trường và xã hội hiện nay.

Giao thoa giữa trí tuệ nhân tạo và nghệ thuật kỹ thuật số

STEAM không chỉ đơn giản là sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật, mà còn là một hệ thống giáo dục và sáng tạo toàn diện, mở ra những khả năng vô hạn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Các sự kiện như ArtTech Fusion 2024 (ATF24) đã chứng minh rằng khi STEAM được áp dụng đúng cách, nó không chỉ giúp thế hệ trẻ phát triển kiến thức khoa học mà còn thúc đẩy sự linh hoạt, sáng tạo, và khả năng thiết kế những sản phẩm đột phá và bền vững.

ATF24 không chỉ là một diễn đàn thảo luận, mà còn là không gian triển lãm đa sắc màu, đưa người xem vào một thế giới giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ.

Những không gian triển lãm như “UEH & Saigon Culture” đã tái hiện vẻ đẹp đặc trưng của Sài Gòn qua những hình ảnh sống động về văn hóa ẩm thực, phong cách sống và lịch sử phát triển.

Các tác phẩm thực tế ảo (VR), sản phẩm NFT, cùng với các màn trình diễn nghệ thuật tương tác thời gian thực đã tạo nên một trải nghiệm đa giác quan, khơi dậy cảm xúc và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người tham dự.

 Sinh viên đặt câu hỏi cho chatbot AI Lexy. Ảnh: UEH

Sinh viên đặt câu hỏi cho chatbot AI Lexy. Ảnh: UEH

 Sinh viên tham gia trải nghiệm triển lãm Tranh VR. Ảnh: UEH

Sinh viên tham gia trải nghiệm triển lãm Tranh VR. Ảnh: UEH

Mỗi góc nhỏ của triển lãm tại ArtTech Fusion 2024 đều chứa đựng một câu chuyện độc đáo. Từ “Dream Weaving for Thousands Years”, tái hiện chiều dài lịch sử Con đường Tơ lụa, đến “OTTO Sonics”, mang đến trải nghiệm âm thanh đắm chìm kết nối con người với thiên nhiên, tất cả đều phản ánh sự sáng tạo vượt qua giới hạn của nghệ thuật và công nghệ.

Sự giao thoa này không chỉ là xu hướng hiện đại mà còn là một cầu nối văn hóa, mở ra những cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các thế hệ và các quốc gia, thúc đẩy sự hiểu biết và kết nối toàn cầu.

Nhằm giúp học sinh THPT khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiểu rõ hơn về lợi ích của giáo dục STEM, đồng thời khuyến khích niềm đam mê học tập trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học, Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Đồng Tháp và Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp tổ chức Ngày hội Giáo dục STEM với chủ đề “STEM quanh ta”.

Sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 6/4/2025 tại Trường ĐH Đồng Tháp, quy tụ khoảng 4.000 học sinh và giáo viên đến từ 40 trường THPT thuộc 6 tỉnh, thành: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp.

Với gần 40 gian hàng trưng bày từ các đơn vị giáo dục và doanh nghiệp, ngày hội hứa hẹn mang đến nhiều hoạt động bổ ích, giúp học sinh khám phá và trải nghiệm các ứng dụng thực tiễn của STEM trong đời sống.

Đây không chỉ là sân chơi khoa học sáng tạo mà còn là cơ hội để các em tiếp cận những kiến thức mới, khơi gợi niềm say mê nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.

Hương Phú

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khi-stem-ket-hop-voi-nghe-thuat-steam-co-phai-la-tuong-lai-post725756.html
Zalo