Khi người dân tộc thiểu số tiếp cận việc làm, thoát nghèo

Nhờ tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách xóa đói giảm nghèo của các cấp, ngành ở địa phương nên ngày càng nhiều người nghèo thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận đã rời núi đi làm công nhân ở các khu công nghiệp để hòa mình vào cùng sự phát triển kinh tế địa phương.

Những chuyến xe đưa đón công nhân từ các xã vùng cao, miền núi của Hàm Thuận Bắc về các khu công nghiệp.

Những chuyến xe đưa đón công nhân từ các xã vùng cao, miền núi của Hàm Thuận Bắc về các khu công nghiệp.

Đến với máy móc hiện đại

Hàm Thuận Bắc là huyện miền núi, có diện tích tự nhiên 1.344 ha. Toàn huyện có 17 xã, thị trấn, trong đó 4 xã vùng cao và 8 xã miền núi gồm Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ, Thuận Hòa, Hàm Trí, Hàm Phú... Với dân số 49.852 hộ/188.607 khẩu, trong số đó có 4.284 hộ/17.158 khẩu là DTTS, chủ yếu là người Cơ Ho, Chăm và Raglay. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng bộ huyện nên đời sống, vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện nâng lên. Tuy vậy, có nơi còn nhiều khó khăn, nhất là các xã vùng cao và miền núi, nơi tập trung đông đồng bào các DTTS, có số hộ nghèo khá cao. Với chỉ tính riêng hộ nghèo đồng bào các DTTS có 468 hộ trong tổng số 1.599 hộ nghèo toàn huyện, chưa tính hộ cận nghèo.

Đây là vùng khó khăn được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo bằng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ thiết thực. Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã bám sát chương trình, chính sách ấy, cụ thể hóa ra nhiều văn bản triển khai đến các cơ quan, ban, ngành có liên quan và địa phương tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến nhân dân.

Làm công nhân ở các khu công nghiệp.

Làm công nhân ở các khu công nghiệp.

Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ phát triển như: giao khoán quản lý bảo vệ rừng; đầu tư ứng trước; trợ cấp cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, phúc lợi xã hội, chuyển đổi nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm… theo các Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2 (Chương trình 135), Chương trình phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025...

Qua đó nâng cao tính tự lực, tự cường vươn lên làm chủ chính mình, đẩy lùi đói nghèo của người dân. Điều này đã thấy, trước đây người dân ở những vùng này, chủ yếu từ nhà lên nương rẫy, vào rừng săn bắt, hái, lượm sản vật rừng và ngược lại, nay đã biết đến các khu công nghiệp, nơi có nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, làm việc. Theo bà Huỳnh Thị Thu Ngân – Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hàm Thuận Bắc, toàn huyện hiện có 2.500 công nhân đang làm việc ở các khu công nghiệp trong tỉnh, chưa kể ngoài tỉnh. Trong đó có khá nhiều người dân tộc thiểu số nghèo đang làm việc tại các công ty trong tỉnh, như Công ty TNHH Quốc tế Right Rich chuyên sản xuất giày da - Khu công nghiệp Hàm Kiệm...

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Quốc tế Right Rich - Khu công nghiệp Hàm Kiệm (ảnh Q.T)

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Quốc tế Right Rich - Khu công nghiệp Hàm Kiệm (ảnh Q.T)

Giảm đói nghèo

Ngoài số thanh niên trẻ làm việc ở các khu công nghiệp ngoài tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, thì còn lại ở các khu công nghiệp Phan Thiết, Hàm Kiệm trong tỉnh. Bà Lê Thị Kim Liên - Chủ tịch UBND xã La Dạ, nơi có 227 hộ nghèo và 144 cận nghèo chia sẻ, trên địa bàn xã có hơn 40 người, chủ yếu là phụ nữ có gia đình, nhiều người thuộc hộ nghèo, đi làm công nhân ở Công ty TNHH Quốc tế Right Rich, chưa kể thanh niên đi làm ngoài tỉnh. Chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động chị em, nếu có thể sắp xếp được công việc gia đình, đi làm công nhân để có thêm thu nhập ổn định.

Bà K' Thơ ở thôn 3, xã La Dạ là trong số 40 chị em đã và đang làm công nhân ở khu công nghiệp cũng động viên mọi người ở thôn đi làm công nhân. Vì theo Thơ, thời buổi này cả gia đình “bám” vào nương rẫy thì không đủ ăn. Đi làm công nhân không có gì là khổ, cứ sáng xe đến đón mình đi làm, chiều tối họ đưa mình về, lương cơ bản 4 - 5 triệu đồng/tháng ổn định. Với xã Đông Giang, có gần 70 người đi làm công nhân ở khu công nghiệp trong tỉnh. Mỗi ngày cứ khoảng 4 - 5 giờ sáng có 2 - 3 xe vượt đèo Đông Giang, Đông Tiến đến đón họ về các khu công nghiệp làm việc. Sau đó, xe lại đưa họ về nhà vào chiều muộn, tạo thành thói quen cứ đến giờ là họ lên xe đi và về như đã mặc định.

Tương tự ở xã Thuận Hòa, nơi có thôn Dân Hiệp thuần đồng bào DTTS có đến hơn 80 người làm ở khu công nghiệp, trong đó có nhiều hộ nghèo. Bà Mang Thị Sương, một hộ cận nghèo ở thôn Dân Hiệp, xã Thuận Hòa chia sẻ, nhờ làm việc ở Right Rich mà cuộc sống của bà đỡ khổ hơn, khi bà chỉ có vài sào đất cha mẹ cho. Những năm gần đây trồng mè, bắp luôn thất thu do thời tiết thất thường, đầu ra không ổn định.

Ngoài ra, ở các xã khác như Hàm Phú, Hàm Trí... có đông đồng bào Chăm, không ít người làm ở các khu công nghiệp đẩy lùi đói nghèo. Họ phân công việc cho mỗi thành viên trong gia đình, nghĩa là người đi làm công nhân, người ở nhà làm ruộng, chăn nuôi, chăm sóc con cái.

Với mức lương trên, giúp cải thiện phần nào cuộc sống gia đình họ, khi nghề nông hiện nay đang khó khăn đầu ra. Ông K Văn Tiển - Chủ tịch UBND xã Đông Giang cho biết, những năm gần đây nhờ người dân đi làm việc ở các khu công nghiệp, cùng với được hưởng hỗ trợ từ các chương trình, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững... nên địa phương đã giảm nghèo. Đến nay chỉ còn 109 hộ nghèo, cận nghèo 19 hộ, cuộc sống người dân ngày một nâng lên khi cơ hội việc làm đối với vùng cao và miền núi ngày càng rộng mở. Có được điều này, nhờ sự hướng nghiệp, tạo nghề của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện.

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hàm Thuận Bắc thời gian qua, phòng không chỉ nỗ lực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến các địa phương trên địa bàn toàn huyện mà còn nhiều chương trình, chính sách có liên quan khác. Đến nay đã giải quyết được việc làm cho nhiều hộ nghèo, trong đó có nhiều hộ ở các xã vùng cao, miền núi. Có được kết quả này, nhờ vào sự quan tâm của các cấp, ngành và địa phương hỗ trợ người dân về kiến thức tham gia lao động sản xuất, có việc làm ổn định hướng đến thoát nghèo.

Theo Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của huyện Hàm Thuận Bắc: Quá trình triển khai đã thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề theo quy định, dạy nghề gắn với tạo việc làm đối với lao động nông thôn, lao động nghèo, cận nghèo. Kết quả, đã đào tạo nghề cho 26 lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm cho 9.765 lao động.

NINH CHINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/khi-nguoi-dan-toc-thieu-so-tiep-can-viec-lam-thoat-ngheo-125875.html
Zalo