Khi người đàn bà xem một trận bóng đá và phát hiện chồng ngoại tình

'Mưa trên cánh bướm' cho thấy tinh thần nỗ lực phá bỏ giới hạn và sự kiên định bảo vệ tiếng nói cá nhân của một thế hệ nhà làm phim mới tại Việt Nam.

Genre: Hài, Tâm lý
Director: Dương Diệu Linh
Cast: Lê Tú Oanh, Nguyễn Nam Linh, Lê Vũ Long, Bùi Thạc Phong...
Rating: 7/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim

Hai năm qua, điện ảnh Việt Nam chứng kiến sự đổ bộ của nhiều đạo diễn trẻ thuộc dòng phim độc lập. Không khai thác những đề tài đậm tính thương mại, họ tập trung kể câu chuyện cá nhân ẩn chứa nhiều triết lý, chú trọng vào các biểu tượng hình ảnh nhằm làm nổi bật góc nhìn riêng về cuộc sống. Nhờ đó, nhiều dự án điện ảnh Việt Nam liên tục ghi dấu ấn tại các liên hoan phim danh giá trên thế giới.

Sau thành công của Bên trong vỏ kén vàng (đạo diễn Phạm Thiên Ân) tại LHP Cannes và Cu li không bao giờ khóc (đạo diễn Phạm Ngọc Lân) tại LHP Berlin, Mưa trên cánh bướm của đạo diễn Dương Diệu Linh là phim độc lập tiếp theo nhận được sự chú ý. Trình chiếu tại LHP Venice trong khuôn khổ "Tuần lễ phê bình phim quốc tế dành cho các tác phẩm điện ảnh đầu tay”, phim giành hai giải thưởng quan trọng, trong đó có “Phim hay nhất”.

Sau nhiều tháng chinh phục giới chuyên môn toàn cầu, Mưa trên cánh bướm chính thức ra mắt khán giả quê nhà, mở màn điện ảnh Việt năm 2025.

Đàn ông ngoại tình, đàn bà làm khổ mình

Mưa trên cánh bướm xoay quanh bà Tâm (Tú Oanh) - người phụ nữ trung niên phục vụ tại một nhà hàng tiệc cưới. Trong một trận đá bóng của đội tuyển Việt Nam, bà vô tình phát hiện chồng, ông Thành (Lê Vũ Long), đang cặp kè với một cô gái trẻ trên sóng trực tiếp.

Niềm tin hôn nhân sụp đổ, bà Tâm tìm đến một thầy đồng nhờ làm phép với khao khát người chồng hồi tâm chuyển ý. Song, càng nương nhờ vào thế lực tâm linh, bà lại càng gặp phải nhiều hiện tượng lạ xảy ra ngay trong ngôi nhà của mình.

So với nhiều tác phẩm độc lập khác, Mưa trên cánh bướm tương đối dễ xem do không lạm dụng nhiều biểu tượng để thể hiện ẩn ý. Với lối kể chuyện tuyến tính, bộ phim khai thác chủ đề gia đình thân thuộc và dễ chạm đến nhiều đối tượng khán giả.

Qua tác phẩm điện ảnh đầu tay, đạo diễn Dương Diệu Linh cho thấy sức sáng tạo dồi dào khi đề cập chuyện ngoại tình dưới góc nhìn hài hước, tạo cho phim một hướng đi thú vị và khác biệt hoàn toàn với các dự án cùng chủ đề. Dù vậy, đằng sau tiếng cười, cuốn phim cài cắm thông điệp chua xót về nỗi lòng người phụ nữ khi đối diện với cuộc hôn nhân đang đổ vỡ.

 Tạo hình của diễn viên Tú Oanh trong phim.

Tạo hình của diễn viên Tú Oanh trong phim.

Chưa một lần trách móc chồng hay giận dữ với mọi người xung quanh, bà Tâm cho rằng bản thân là căn nguyên khiến người bạn đời trở nên lạnh nhạt. Bà đổ tiền vào những nghi thức cúng bái phức tạp, tốn kém. Bà nén nỗi đau khi xăm chân mày, chấm nốt ruồi với mong muốn cải vận. Chứng kiến loạt tình tiết châm biếm đó trên màn ảnh, người xem vô thức bật cười để rồi chợt xót xa khi con gái bà Tâm - Hà (Nam Linh) - hét lên: “Ai bắt mẹ phải khổ như vậy?”.

Tập trung vào nỗi đau người phụ nữ, Dương Diệu Linh hầu như không phân thoại cho nhân vật ông Thành. Cách làm này hiệu quả, thông minh khi vừa làm nổi bật tuyến truyện của người vợ, vừa cho thấy sự dửng dưng của người chồng.

Bên cạnh đó, Mưa trên cánh bướm còn lồng ghép ẩn ý này qua hình ảnh trần nhà bị thấm dột. Lặp đi lặp lại suốt phim, hình tượng vết nứt trên trần đại diện cho nỗi khổ tâm của nhân vật chính. Khi tâm hồn bà Tâm càng vụn vỡ, vết rạn lại càng lan nhanh. Và kỳ lạ thay, sự xuống cấp này của ngôi nhà chỉ có người phụ nữ nhìn thấy, trong khi người đàn ông lại chẳng thể nhận ra.

Nỗi lòng người trẻ giữa vòng xoay số phận

Song song với câu chuyện của bà Tâm, Mưa trên cánh bướm còn một tuyến truyện phụ về mối quan hệ giữa Hà và cậu bạn thân Trọng (Bùi Thạc Phong). Mỗi ngày, họ nói nhau nghe về những mộng tưởng tuổi trẻ. Hà mong muốn du học trời Tây, trở thành diễn viên múa nhưng gia đình không ủng hộ. Trong khi đó, Trọng cũng giữ cho riêng mình nhiều suy nghĩ khác với cô bạn thân, khiến mối quan hệ của họ dần xa cách.

 Mưa trên cánh bướm "xông đất" rạp Việt năm 2025.

Mưa trên cánh bướm "xông đất" rạp Việt năm 2025.

Qua những cuộc đối thoại giữa Hà và Trọng, phim truyền tải tâm tư người trẻ giữa cuộc sống lắm chông chênh. Hà đại diện cho một bộ phận thanh niên ôm trong mình nhiều hoài bão nhưng vẫn gồng gánh trách nhiệm với gia đình. Là con một trong nhà, cô tạm gác giấc mộng trên sàn gỗ châu Âu nhằm làm tròn chữ hiếu với bố mẹ.

Sự giằng co trong tư tưởng giữa bà Tâm và Hà diễn ra rải rác trong phim, gợi liên tưởng đến mối quan hệ giữa bà Nguyện và Vân trong Cu li không bao giờ khóc. Dù cách nói chuyện như “mắng vào mặt”, sâu trong tâm, họ vẫn luôn hướng về nhau.

Mượn tâm tình của nhân vật Hà, Mưa trên cánh bướm còn nêu lên câu chuyện về thứ bậc giới tính trong xã hội hiện đại. Ở đó, vai trò của người đàn ông thường được đặt cao hơn nữ giới. Câu hỏi “Tại sao khi một đứa trẻ sinh ra, người ta không quan tâm nó có khỏe mạnh hay không mà chỉ quan tâm ở giữa hai chân nó là gì?” để lại nhiều suy ngẫm.

Vào vai bà Tâm, nghệ sĩ Tú Oanh cho thấy kỹ năng diễn xuất giàu kinh nghiệm. Qua đôi mắt buồn, chất chứa nhiều nỗi niềm, nữ diễn viên truyền tải trọn vẹn nỗi đau bị kìm nén của nhân vật. Dẫn dắt khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ vui vẻ đến xót thương, cô đã có một vai diễn chào sân điện ảnh ấn tượng.

Đóng cùng nghệ sĩ Tú Oanh, Nam Linh thể hiện rõ nét tinh thần phóng khoáng của tuổi trẻ. Dù vậy, trong những phân cảnh tâm lý nặng, nữ diễn viên vẫn giúp người xem cảm nhận được những chơi vơi của tuổi trưởng thành nhờ lối trình diễn tự nhiên và giàu cảm xúc.

 Diễn xuất của dàn cast tròn trịa, để lại thiện cảm.

Diễn xuất của dàn cast tròn trịa, để lại thiện cảm.

Bên cạnh diễn xuất, cuốn phim của đạo diễn Dương Diệu Linh tạo ấn tượng mạnh mẽ về phần nghe nhìn. Đầu phim, bản nhạc huyền thoại Butterfly vang lên gợi nhiều hoài niệm. Về sau, phim dẫn khán giả vào thế giới đầy mê hoặc trong tâm trí nhân vật bằng những khung hình thơ mộng, siêu thực được tạo dựng bằng CGI mượt mà, nịnh mắt.

Thách thức của Mưa trên cánh bướm khi tiếp cận đại chúng là nhịp độ từ tốn của tác phẩm và cách bộ phim pha trộn nhiều thể loại. Phim mở ra bằng câu chuyện tâm lý gia đình thông thường, dễ hút người xem vào mạch truyện. Song về sau, tác phẩm phá vỡ cấu trúc truyền thống và kết lại bằng loạt hình tượng thường thấy trong dòng phim thể nghiệm, khiến một số khán giả mơ hồ trong hồi cuối.

Dù vậy, tiếp nối Bên trong vỏ kén vàngCu li không bao giờ khóc, Mưa trên cánh bướm đã cho thấy tinh thần nỗ lực phá bỏ giới hạn và sự kiên định bảo vệ tiếng nói cá nhân của một thế hệ nhà làm phim mới tại Việt Nam.

Thuận Minh

Nguồn Znews: https://znews.vn/khi-nguoi-dan-ba-xem-mot-tran-bong-da-va-phat-hien-chong-ngoai-tinh-post1522918.html
Zalo