Khi nghệ sĩ trẻ lan tỏa văn hóa Việt bằng âm nhạc
Nhiều nghệ sĩ trẻ tại Việt Nam đã sáng tạo, đổi mới âm nhạc khi kết hợp các sản phẩm nghệ thuật dân gian truyền thống với các thể loại như pop, hip-hop, rap,… tạo ra sản phẩm âm nhạc mới mẻ, độc đáo, lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế.
Làm mới, kết hợp yếu tố truyền thống với đương đại, một số ca sĩ trẻ đã thành công khi theo đuổi công thức này, có thể kể đến những cái tên như: Hoàng Thùy Linh, Hà Myo, Hòa Minzy... với các sản phẩm âm nhạc như: "See tình", "Xẩm Hà Nội", "Thị Màu"...
Đặc biệt, MV "Bắc Bling" của nữ ca sĩ Hòa Minzy là một minh chứng điển hình khi khai thác những hình ảnh đặc trưng của văn hóa Bắc Bộ như trang phục quan họ, áo dài, nón quai thao, kiến trúc đình làng… được thể hiện dưới phong cách hiện đại và tươi mới. MV đã cán mốc kỉ lục hơn 100 triệu views, lọt top trending trên YouTube, đồng thời lan tỏa văn hóa Việt đến thế giới.
Nhiều khán giả quốc tế cũng để lại những phản hồi tích cực về MV "Bắc Bling". YouTuber người Hàn Quốc Jongrak, chủ nhân của kênh "Những chàng trai Hàn Quốc" trên Facebook và Instagram, đã không ngớt lời khen ngợi MV. Jongrak liên tục trầm trồ: “Hay quá, đẹp quá!” và thừa nhận rằng sau khi xem MV, anh thực sự muốn đặt chân đến Bắc Ninh một lần trong đời.
"Với những ai đặc biệt quan tâm về văn hóa, với những người Bắc Ninh, khi mọi người nghe những lời ca này, nó không hề mờ nhạt, không hề bình thường mà chính là văn hóa của Bắc Ninh. Mà đã là văn hóa thì sẽ không bao giờ bị phai nhạt. Em cũng sẽ cố gắng để trong những chặng đường tiếp theo sẽ có những sản phẩm ấn tượng hơn và làm được nhiều chủ đề văn hóa hơn", ca sĩ Hòa Minzy, chủ nhân MV "Bắc Bling" gây sốt thời gian qua chia sẻ.
Trong chiến lược phát triển du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng thực hiện nhiều MV quảng bá “Việt Nam - Đi để yêu!” tại nhiều tỉnh, thành phố. Trong bối cảnh ngành du lịch đang nỗ lực gia tăng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, sự xuất hiện của những sản phẩm âm nhạc khơi gợi cảm hứng du lịch, tạo trend cho cả hoạt động văn hóa lẫn du lịch đã mở thêm những cách quảng bá truyền thông hiệu quả. Xu hướng này có thể sẽ trở thành hướng đi được thực hiện trong thời gian tới.
Làm sao để phát triển nhạc Việt ra thế giới?
Khai thác chất liệu dân gian truyền thống trong các sản phẩm nghệ thuật là tín hiệu đáng mừng cho âm nhạc Việt Nam. Đây vừa là cách thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước của người nghệ sĩ, vừa chạm tới trái tim khán giả; đồng thời góp phần lan tỏa, bảo tồn và làm nổi bật nét đặc sắc của nghệ thuật dân tộc đến với bạn bè quốc tế.
Nhưng để hiện thực hóa việc đưa âm nhạc thực sự trở thành cầu nối văn hóa du lịch, quảng bá hình ảnh, con người đất nước Việt Nam, chúng ta cần đưa ra những chiến lược cụ thể, một con đường dài hạn.
Nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng có rất nhiều con đường, nhưng con đường tìm đến nghệ thuật, âm nhạc dân gian để tạo ra cá tính riêng là một con đường có lẽ thuận lợi hơn. Điều đó nằm trong máu của người Việt và nếu ta tìm được chất liệu và phương thức để có thể tạo nên cá tính riêng cho âm nhạc của mình thì đó là con đường dẫn tới thành công để cạnh tranh trên thị trường quốc tế".
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, các bạn trẻ trước hết cần có khao khát vươn ra thế giới. Muốn có được điều đó, họ phải chuẩn bị thật kỹ và phải xem, cộng tác với các nhà sản xuất trên thế giới để biết cách họ chuẩn bị, đầu tư cũng như chất lượng nghệ thuật thế giới.
Nói về rào cản ngôn ngữ, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng: "Ngôn ngữ quan trọng nhất là âm nhạc, không phải hát tiếng Việt hay tiếng Anh. K-pop họ cũng hát bằng tiếng Hàn, nhưng họ lại thành công. Điều quan trọng là chúng ta phải có ngôn ngữ âm nhạc chung với thế giới thì mới có thể kết nối và chạm được tới cảm xúc của người nghe".