Khi nào học sinh THCS được miễn học phí?
Năm học 2023-2024, cả nước có 5 địa phương miễn, hỗ trợ học phí cho học sinh. TPHCM cũng đang nghiên cứu, cân nhắc miễn học phí từ năm 2025.
Liệu cơm gắp mắm
Là năm thứ ba liên tiếp thực hiện chính sách hỗ trợ 100% học phí cho học sinh các cấp từ mầm non đến phổ thông công lập và ngoài công lập, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên, TP Đà Nẵng dự chi gần 410 tỷ đồng. Trong đó, chi hơn 316 tỷ đồng miễn học phí cho học sinh khối các trường công lập và 92,2 tỷ đồng hỗ trợ học sinh ngoài công lập. Trẻ mầm non và học sinh trường có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc diện được miễn học phí.
TP Hải Phòng dự chi hơn 400 tỷ đồng ngân sách địa phương miễn học phí cho học sinh các cấp trong khi Bà Rịa-Vũng Tàu dự chi 327 tỷ đồng cho việc này. Học sinh Hà Nam được địa phương hỗ trợ một phần, Quảng Bình không thu học phí học kỳ I năm học này tại các trường công lập, miễn học phí cả năm cho học sinh vùng khó khăn.
Tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM với Thường trực UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết TPHCM đang nghiên cứu chính sách miễn học phí cho học sinh từ năm 2025 trên cơ sở cân đối ngân sách thành phố, theo quy định hiện hành. Trước đó, năm học 2021-2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, TPHCM miễn, hỗ trợ học phí cho tất cả học sinh, với kinh phí cấp bù khoảng 960 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cả nước mới thực hiện được ở cấp quốc gia việc miễn phí cho học sinh cấp 1 và miễn phí giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Còn các cấp học khác, nhất là cấp THCS, chủ trương đã có nhưng thực tế vẫn còn những rào cản. Từ năm 2016, Chính phủ giao Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo về việc miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình. Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục cũng từng đề cập việc miễn học phí cho học sinh THCS. Gần nhất tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 4/7/2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GDĐT đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022 – 2023.
Cần có chiến lược dài hơi
GS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhìn nhận câu chuyện miễn học phí cấp THCS không mới, nhận được sự ủng hộ của dư luận nhưng để thực hiện trên phạm vi toàn quốc, cần có chiến lược dài hơi. Tuy nhiên, ông lưu ý khi áp dụng mỗi địa phương một kiểu trong khi ngân sách nhà nước là thống nhất, sẽ có những khó khăn riêng và không có sự công bằng giữa các địa phương. Điều này có thể phát sinh vấn đề, cần được tính toán, xem xét cẩn trọng. Một học sinh ở Lào Cai về Hải Phòng học thì thế nào, học sinh các tỉnh lân cận đổ dồn về địa phương X học thì ra sao...
Nhìn từ tỷ lệ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục những năm qua ở mức 15,45% (năm 2022) và 17,3% (năm 2021) tổng chi ngân sách, nhiều chuyên gia nói mức này vẫn chưa đạt 20% tổng chi ngân sách nhà nước như nghị quyết của Quốc hội đề ra. Vì vậy, áp dụng miễn học phí cấp THCS như đề xuất trước đó của Bộ GDĐT là chủ trương đúng đắn, nhân văn.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhìn nhận địa phương nào cũng có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, đây là mong muốn của hầu hết người dân nên không thể chần chừ.
Chia sẻ quan điểm này, GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, chính sách miễn học phí cần áp dụng ngay đối với những đối tượng thực sự cần như học sinh nghèo, cận nghèo, học sinh vùng sâu vùng xa... nếu chưa thể ngay lập tức áp dụng trên diện rộng.
“Trong khi có những gia đình sẵn sàng đầu tư lớn để con được giáo dục trong môi trường tốt nhất, cũng có những gia đình được hỗ trợ một đồng cũng quý, cũng giúp con đường đến trường của học sinh bớt chông gai hơn. Cần hành động ngay, không làm chậm trễ mục tiêu phổ cập giáo dục phổ thông” – ông Dong nêu quan điểm.