Khi nào giá vàng thế giới tăng lên 3.000 USD/ounce?

Chuyên gia UOB cho biết triển vọng giá vàng tích cực trong dài hạn, dự báo đạt mức 3.000 USD/ounce vào quý III/2025 trong bối cảnh Fed bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất.

 Giá vàng thế giới dự báo đạt 3.000 USD/ounce vào quý III năm sau. Ảnh: Liz Ornitz/WSJ.

Giá vàng thế giới dự báo đạt 3.000 USD/ounce vào quý III năm sau. Ảnh: Liz Ornitz/WSJ.

Giá vàng thế giới đã tăng mạnh từ mức hơn 2.000 USD/ounce đầu năm, lên trên 2.600 USD/ounce hiện tại. Ít nhà đầu tư ngờ được rằng tài sản vốn gắn với mục tiêu "an toàn vốn" này đã tăng tới 30% chỉ trong 9 tháng qua.

Quan trọng hơn, diễn biến tăng giá của kim loại quý thế giới hầu như không bị cản trở nhiều trong tháng 8, thời điểm cả thị trường chứng khoán và trái phiếu biến động mạnh do chính sách lãi suất âm của Nhật Bản được dỡ bỏ.

Động lực tích cực cho vàng

Sau cuộc họp tháng 9 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất 0,5 điểm % xuống mức 4,75-5%/năm.

Nhiều chuyên gia bất ngờ trước quyết định cắt giảm lãi suất mạnh tay của Fed. Bởi trước đó, nhiều người đặt cược vào kịch bản Fed chỉ cắt giảm 0,25 điểm % lãi suất trong bối cảnh kinh tế Mỹ khá ổn định và lạm phát đang hạ nhiệt.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng toàn cầu quý IV, các chuyên gia phân tích tại UOB (Singapore) dự báo Fed sẽ còn 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay. Mỗi lần cắt giảm dự kiến ở mức 0,25 điểm % lần lượt vào tháng 11 và 12.

Sau đó, cơ quan quản lý tiền tệ của Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất thêm 4 lần nữa, tổng 1 điểm % vào năm 2025. Và lần cắt giảm lãi suất cuối cùng sẽ là 0,25 điểm % trong quý I/2026.

Sau đợt điều chỉnh dài hạn này, lãi suất quỹ liên bang của Mỹ dự kiến giảm từ mức 5%/năm trong quý III năm nay xuống chỉ còn 3,25%/năm vào quý I/2026.

"Chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed cùng với sự suy yếu dự kiến của đồng USD và lãi suất cho vay sẽ tạo ra động lực quan trọng cho giá vàng", Trưởng phòng chiến lược thị trường Heng Koon How của UOB nói.

 Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ vàng vật chất đáng kể trong nửa đầu năm nay. Ảnh: Bloomberg.

Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ vàng vật chất đáng kể trong nửa đầu năm nay. Ảnh: Bloomberg.

Trong bối cảnh đó, nhu cầu của các ngân hàng trung ương với việc phân bổ dự trữ vào vàng vẫn không hề suy giảm chủ yếu vì mong muốn đa dạng hóa tài sản dài hạn trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng.

Khảo sát gần đây của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy các ngân hàng trung ương toàn cầu, đặc biệt là ở thị trường mới nổi và châu Á tiếp tục coi vàng là nguồn lưu trữ tài sản quan trọng và chỉ ra ý định tiếp tục tăng phân bổ dài hạn vào loại tài sản này.

Bất chấp các giao dịch mua quy mô lớn trong thập kỷ qua, dự trữ vàng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hiện ước tính chiếm hơn 5% bảng cân đối. Ngược lại, báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy Mỹ hiện dự trữ khoảng 261 triệu ounce vàng, xấp xỉ 10% bảng cân đối hiện tại của Fed (khoảng 7.100 tỷ USD).

Đáng chú ý, trong nỗ lực giảm tình trạng buôn lậu vàng và giảm gánh nặng giá vàng cao đối với các nhà đầu tư bán lẻ, Ấn Độ gần đây đã hạ đáng kể thuế nhập khẩu vàng từ 15% xuống còn 6% vào tháng 7.

Nhiều báo cáo trên phương tiện truyền thông đã nêu bật mức tăng đột biến ít nhất 30% trong doanh số bán trang sức vàng ngay trong tháng 8 của quốc gia này.

 Lượng vàng nhập khẩu hàng tháng của Ấn Độ tăng vọt lên mức cao kỷ lục 10,06 tỷ USD vào tháng 8. Nguồn: UOB.

Lượng vàng nhập khẩu hàng tháng của Ấn Độ tăng vọt lên mức cao kỷ lục 10,06 tỷ USD vào tháng 8. Nguồn: UOB.

Ấn Độ cũng ghi nhận mức tăng đột biến trong nhập khẩu đồ trang sức vàng lên mức cao kỷ lục mới trong tháng, khi tổng giá trị nhập khẩu tăng gấp 3 lần từ 3,13 tỷ USD trong tháng 7 lên 10,06 tỷ USD trong tháng 8.

Báo cáo cho thấy nhu cầu về đồ trang sức vàng của Ấn Độ sẽ vẫn mạnh, ít nhất là trong thời gian còn lại của năm nay.

Thị trường mua sắm vàng lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc cũng ghi nhận đợt nới lỏng chính sách tiền tệ mới nhất do PBOC công bố dẫn đến việc cắt giảm các mức lãi suất cho vay quan trọng, có thể thúc đẩy nhu cầu vàng vật chất và đồ trang sức quay trở lại.

Mốc 3.000 USD/ounce không còn xa

Các chuyên gia phân tích tại UOB đã có đánh giá tích cực về mặt hàng vàng kể từ tháng 3/2022 khi giá kim quý bắt đầu kiểm tra ngưỡng kháng cự 2.000 USD/ounce.

Trong 2 năm qua, ngân hàng này đã liên tục nâng dự báo về giá vàng khi các động lực tích cực tăng lên.

Giá vàng dự báo chạm mức 2.700 USD/ounce vào quý cuối cùng của năm nay và đạt 2.800 USD ở quý I/2025; mức 2.900 USD/ounce sẽ đạt được vào quý II cùng năm và chính thức chạm mức 3.000 USD/ounce vào quý III

Heng Koon How - Trưởng phòng Chiến lược Thị trường Ngân hàng UOB

Nguyên nhân tới từ các yếu tố hỗ trợ như sự suy yếu của đồng USD, lãi suất thấp hơn khi Fed bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất, nhu cầu của nhà đầu tư với sản phẩm đầu tư được hỗ trợ bằng vàng quay trở lại, cũng như sự phân bổ mạnh mẽ tài sản của các ngân hàng trung ương.

Ngân hàng này nâng dự báo giá vàng sẽ đạt mức 2.700 USD/ounce vào quý cuối năm nay.

Sang tới quý I/2025, giá vàng giao ngay sẽ tăng lên mức 2.800 USD/ounce, tới quý II cùng năm đạt 2.900 USD và chính thức chạm mức 3.000 USD/ounce vào quý III năm tới.

Rủi ro chính đối với triển vọng tăng giá của vàng là khả năng lạm phát bất ngờ tăng tốc trở lại, buộc Fed phải thu hẹp quy mô cắt giảm lãi suất dự kiến. Do đó, có thể dẫn đến sự gia tăng trở lại của đồng USD và lãi suất, khi đó sẽ bất lợi cho vàng.

Ngân hàng này cũng lưu ý kể từ cuối năm ngoái, vàng đã thể hiện khả năng phục hồi trước các đợt tăng giá của USD và liên tiếp xác lập kỷ lục mới nhưng không thể bỏ qua khả năng kim quý sẽ thỉnh thoảng gặp phải các đợt điều chỉnh giá ngắn hạn.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/khi-nao-gia-vang-the-gioi-tang-len-3000-usdounce-post1500276.html
Zalo