Khi nào cảnh sát được sử dụng vũ lực để trấn áp
Nguyên điều tra viên nhìn nhận việc 3 cảnh sát ở Sóc Trăng tấn công 2 thiếu niên đi xe máy đã vi phạm quy định về việc sử dụng vũ lực để trấn áp.
Chiều 25/9, tổ tuần tra Công an thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) phát hiện 2 thiếu niên đèo nhau bằng xe máy Exciter 150. Nghi vấn người cầm lái sử dụng rượu bia và chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, công an yêu cầu dừng xe để kiểm tra nhưng tài xế không chấp hành mà tăng ga bỏ chạy với tốc độ cao, chèn ép xe của tổ tuần tra, lạng lách, đánh võng trên đoạn đường gần 30 km.
Khi đến khu vực xã Vĩnh Hải, 3 cảnh sát đã dùng tay, chân, gậy điều khiển giao thông, mũ bảo hiểm đánh 2 người này. Công an thị xã Châu đã đình chỉ công tác 2 tháng đối với 4 cảnh sát trong tổ tuần tra.
Theo quy định, khi nào công an được dùng vũ lực để trấn áp người vi phạm? Trường hợp này, với việc người vi phạm bỏ chạy và chèn ép xe của lực lượng chức năng, công an có được phép sử dụng vũ lực không?
Không được vì tức giận mà dùng vũ lực
Luật sư Hoàng Ngọc Biên (nguyên điều tra viên hình sự cao cấp Bộ Quốc phòng) cho biết pháp luật hành chính và hình sự đều nghiêm cấm hành vi cố ý gây thương tích cho người khác trong khi thi hành công vụ. Việc người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh là vi phạm hành chính song đã có chế tài cụ thể. Điều này không đồng nghĩa với việc công an vì tức giận mà được quyền dùng vũ lực, công cụ hỗ trợ để đánh họ.
Bình luận về quyền trấn áp của lực lượng chức năng, ông Biên cho biết theo khoản 5, Điều 14 Nghị định 208/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.
Việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Ngoài quy định này, các văn bản quy phạm pháp luật khác không cho phép công an sử dụng vũ lực đối với người vi phạm.
Như vậy, người đang thi hành công vụ chỉ được thực hiện các hành vi giáo dục tuyên truyền, giải thích pháp luật cho người vi phạm hiểu ra lỗi của họ. Nếu trong trường hợp người bị tấn công hoặc đe dọa đến sức khỏe, tính mạng thì họ mới được sử dụng dùng vũ lực để trấn áp, ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra cho xã hội.
"Các cán bộ tổ tuần tra đã đánh rất quyết liệt, thậm chí dùng cả công cụ hỗ trợ để đánh vào người nạn nhân. Đây là hành vi có trái đạo đức công tác ngành công an, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 và cần được xử lý nghiêm. Nếu bị xử lý, các cán bộ này có thể bị xử lý với các tình tiết định khung phạm tội với người dưới 16 tuổi và lợi dụng chức vụ, quyền hạn", nguyên điều tra viên bình luận.
Cần xem xét trách nhiệm 2 người đi xe máy
Sau khi xem video, luật sư, cựu điều tra viên Hoàng Văn Doãn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng đánh giá các cán bộ, chiến sĩ công an đã vi phạm pháp luật. Ngoài việc tạm đình chỉ công tác và xử lý kỷ luật theo quy định của ngành, các cán bộ này có thể bị xử lý hình sự tùy thuộc mức độ thương tật của nạn nhân.
"Trừ trường hợp bị tấn công gây nguy hiểm, pháp luật không cho phép công an sử dụng vũ lực với người vi phạm hành chính. Việc xử lý những cán bộ liên quan là cần thiết, song cũng cần đặt ra vấn đề trách nhiệm và hình thức xử phạt đối với 2 thanh thiếu niên đi xe máy. Trước khi tổ tuần tra có những hành động mất kiểm soát, 2 người đi xe máy đã có hàng loạt hành vi vi phạm khiến các cán bộ mất bình tĩnh. Do đó, cần xem xét cả trách nhiệm của những thanh niên này", ông Doãn bình luận.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Sóc Trăng, 2 thanh thiếu niên này đã thừa nhận không chấp hành hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông; vượt đèn đỏ, điều khiển xe lạng lách trên đường bộ ngoài đô thị, không có giấy phép lái xe; không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Đối chiếu quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt đối với các hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông là 4-6 triệu đồng; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông là 4-6 triệu đồng; điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị là 6-8 triệu đồng; điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên là 400.000-600.000 đồng và không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự là 100.000-200.000 đồng. Như vậy, mức phạt tối đa đối với thanh niên điều khiển xe máy có thể lên tới hơn 20 triệu đồng.
Ngoài chế tài hành chính, người điều khiển phương tiện không có bằng lái nếu gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên hoặc gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho người khác còn có thể bị xử lý theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
Bình luận thêm về vụ việc, ông Doãn đánh giá việc lực lượng chức năng tuần tra, yêu cầu dừng xe đối với các trường hợp nghi vi phạm là đúng thẩm quyền, nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội, tránh được những sự việc đáng tiếc. Nếu không có những động thái quyết liệt như vậy thì khó có thể đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội.
Ông Doãn cho rằng người bị dừng xe cần có thái độ hợp tác, chấp hành hiệu lệnh thay vì bỏ chạy tốc độ cao trong quãng đường dài, lạng lách đánh võng, thậm chí chèn ép xe của công an. Đây là một tình huống gây ức chế, dẫn đến hành động mất kiểm soát của tổ tuần tra.
"Cần nhìn nhận sự việc từ 2 phía. Các cán bộ đã sai, song không thể nói rằng 2 thanh thiếu niên kia đúng. Những người vi phạm đều sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, trên nguyên tắc sai đến đâu xử lý đến đó", luật sư Doãn bình luận.