Khi 'nắm đấm' lao vào trường học
Người lạ hoặc phụ huynh xông vào trường đánh học sinh, thậm chí đánh cả giáo viên không còn là câu chuyện cá biệt.
Cánh cổng trường dường như bất lực trong việc bảo vệ thầy cô
Mới đây nhất là sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Vĩnh Phước 1 (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) khi nữ giáo viên tên N.T.M.K đang giảng dạy trên lớp thì bị hai người đàn ông xông vào lớp học lôi ra sân trường đe dọa và xé áo làm nhục trước sự chứng kiến của nhiều học sinh. Nữ giáo viên bị làm nhục hoảng loạn, đã đến trình báo cơ quan chức năng. Theo thông tin, nguyên nhân sự việc xuất phát từ chuyện tiền bạc. Nữ giáo viên này được cho là có nợ tiền người thân của hai người đàn ông trên.
Liên quan sự việc trên, ông Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT, địa phương và nhà trường làm rõ và xử lý nghiêm vụ việc hai người đàn ông xông vào lớp học lôi giáo viên ra ngoài đe dọa, xé áo làm nhục xảy ra tại Trường Tiểu học Vĩnh Phước 1, phường Vĩnh Phước vào chiều ngày 23/12.
Trước đó cũng đã có nhiều vụ việc phụ huynh xông vào trường lớn tiếng xúc phạm, chửi bới, đe dọa, sỉ nhục, đòi "đánh vỡ mặt cô giáo" hay phụ huynh vác dao vào trường bắt hiệu trưởng quỳ xin lỗi. Nhiều vụ việc giáo viên còn là nạn nhân của những "cái tát", những "nắm đấm" đến từ chính phụ huynh hay phụ huynh đến nhà đe dọa, đánh thầy cô giáo cũng không hiếm.
Hồi chuông cảnh tỉnh về an ninh trường học
Mặc dù sự việc tại Trường Tiểu học Vĩnh Phước 1 đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, tuy nhiên điều mà dư luận quan tâm là hành vi phản cảm này xuất hiện ngay tại sân trường là không thể chấp nhận được, kể cả khi giáo viên sai. Hành vi này vừa vi phạm pháp luật vừa vi phạm đạo đức, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục. Qua đây cũng đặt ra vấn đề kiểm soát an ninh tại trường học cần phải được tăng cường hơn.
Qua sự việc này, trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ThS. Nguyễn Viết Hiền - giảng viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đồng thời bà cũng là thành viên Ban chấp hành Hội Tâm lý Trị liệu Việt Nam cho rằng, vụ việc xảy ra tại Trường Tiểu học Vĩnh Phước 1 không chỉ là hành vi phản cảm, vi phạm pháp luật, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về sự an toàn trong môi trường giáo dục, sự suy giảm đạo đức của một số người xã hội, thiếu việc kiểm soát cảm xúc trong giao tiếp và giải quyết mâu thuẫn.
Bất cứ công việc nào cũng cần đảm bảo an toàn cho người lao động tại nơi làm việc, trong khi đó, cô giáo ở Trường Tiểu học Vĩnh Phước 1 bị tấn công và làm nhục ngay trong lớp học mình dạy, trước mặt học sinh, đồng nghiệp. Không chỉ vậy, theo thông tin trên, cô K. còn bị đe dọa, bôi nhọ danh dự, lan truyền thông tin sai sự thật ở các môi trường khác trong suốt thời gian dài trước đó.
Theo ThS. Nguyễn Viết Hiền, qua quá trình làm việc với những thân chủ có hoàn cảnh tương tự cô K. và các nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của những trường hợp tương tự, những thân chủ khi bị bạo hành trong thời gian dài phải gánh chịu cảm giác nhục nhã, lo lắng bất an, suy giảm giấc ngủ, cảm thấy mất dần giá trị của bản thân.
"Tình huống bị tấn công trước mặt học sinh là tình huống bất ngờ, ở mức độ nghiêm trọng về sự xâm hại, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của cô K., điều này có thể dẫn đến rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). Khi sức khỏe tâm thần suy giảm, chất lượng công việc cũng dần suy giảm theo. Sự lo lắng, bất an luôn thường trực khi chính môi trường học đường cũng không bảo vệ được giáo viên, không chỉ cô K. mà niềm tin của các giáo viên khác về sự an toàn và cảm nhận giá trị nghề nhà giáo của các thầy cô cũng bị ảnh hưởng".
Đối với học sinh, khi học sinh chứng kiến bạo lực ngay trong trường học sẽ dễ bị ám ảnh, cảm thấy bất an và mất niềm tin vào môi trường giáo dục. Bên cạnh sự thương cảm của học sinh dành cho giáo viên, có thể sẽ xuất hiện một số học sinh có suy nghĩ coi thường, tẩy chay và bôi nhọ giáo viên sau đó. Những hành vi bạo lực trong môi trường học đường có thể khiến trẻ hiểu sai về cách giải quyết mâu thuẫn, dẫn đến việc bắt chước hoặc coi thường quy tắc. Trong môi trường ấy, giáo viên và học sinh có thể cảm thấy không được bảo vệ, gia tăng cảm giác bất an, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và học tập, suy giảm uy tín của nhà trường.
ThS. Nguyễn Viết Hiền cho biết, qua nguồn tin về sự việc, mâu thuẫn này đã có trước đó, vì thế hành vi xông vào trường học, công khai bạo hành, tấn công, làm nhục cô K. đã hình thành có chủ định từ trước. Việc sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề cho thấy sự thiếu kĩ năng giải quyết vấn đề và thiếu ý thức tôn trọng pháp luật.
Sự việc trên cũng là hồi chuông cảnh tỉnh về an ninh trường học. Trường học cần có hệ thống kiểm soát ra vào nghiêm ngặt để ngăn chặn người lạ hoặc phụ huynh trong trạng thái mất kiểm soát xâm nhập. Bảo vệ trường học cần được đào tạo để nhận diện và ứng phó với các tình huống nguy hiểm một cách hiệu quả.
Để ngăn ngừa những hệ lụy về tâm lý với cô K. và những học sinh chứng kiến vụ việc trên, cần có chiến lược hỗ trợ tâm lý để ngăn ngừa những hệ lụy lâu dài. Cán bộ phụ trách tâm lý học đường cần nhận diện sớm những biểu hiện có vấn đề về sức khỏe tâm thần của cô K. và những học sinh trong lớp đã chứng kiến cảnh tượng trên để có phương án hỗ trợ hợp lý.
"Vụ việc "nắm đấm" lao vào trường học là biểu hiện rõ nét của sự bất ổn trong kiểm soát cảm xúc và đạo đức xã hội. Đây không chỉ là vấn đề riêng của Trường Tiểu học Vĩnh Phước 1 mà còn đặt ra thách thức đối với môi trường giáo dục nói chung. Để ngăn chặn các tình huống tương tự, cần phối hợp giữa việc thực thi pháp luật, tăng cường an ninh, hỗ trợ tâm lý và nâng cao giáo dục đạo đức trong cộng đồng. Quan trọng nhất, cần xây dựng một môi trường mà trường học thực sự trở thành nơi an toàn và đáng tin cậy để nuôi dưỡng nhân cách con người", ThS. Nguyễn Viết Hiền nêu quan điểm.