Khi mắc tiểu đường thai kỳ cần chú ý những điều sau
Tiểu đường thai kỳ hay còn gọi là đái tháo đường thai kỳ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho cả mẹ và bé, để lại những biến chứng khôn lường.
Bệnh đái tháo đường thai kỳ xảy ra khi cơ thể mẹ không thể sản xuất đủ insulin trong thai kỳ. Insulin là hormone giúp đưa đường trong máu vào tế bào để sử dụng làm năng lượng. Bên cạnh đó, khi mang thai, cơ thể tạo ra nhiều hormone hơn và kèm theo sự tăng cân khiến các tế bào của cơ thể sử dụng insulin kém hiệu quả, được gọi là tình trạng kháng insulin.
Đái tháo đường thai kỳ là khi mức đường trong máu cao hơn bình thường trong quá trình mang thai từ tuần thứ 24 đến thứ 28. Nếu không được phát hiện sớm, các dấu hiệu đái tháo đường thai kỳ có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe của mẹ và bé. Do đó, sản phụ nên thường xuyên khám thai định kỳ và kiểm tra đường huyết để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé suốt kỳ thai nghén.
Các chỉ số biểu hiện mẹ có dấu hiệu tiểu đường thai kỳ: Nồng độ glucose trong máu khi đang đói > 92mg/dl; Nồng độ đường trong máu sau khi ăn 1 tiếng > 180mg/dl; Nồng độ glucose trong máu sau khi ăn 2 tiếng > 150mg/dl.
Biểu hiện bệnh tiểu đường thai kỳ
Bệnh đái tháo đường thai kỳ sẽ có những dấu hiệu sau đây:
Luôn cảm thấy khát nước và đi tiểu nhiều.
Vùng kín dễ bị nấm men, ngứa ngáy, khó chịu,…
Khó lành các vết trầy xước, vết thương.
Sụt cân hoặc tăng không rõ nguyên nhân.
Không kiểm soát được việc ăn uống.
Cơ thể cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và kiệt sức.
Nước tiểu có nhiều kiến bâu,…
Đối tượng dễ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ
Mẹ bầu có một trong những yếu tố dưới đây có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ cao:
Tiền sử gia đình có người thừa cân, béo phì.
Chỉ số cơ thể ( BMI) trên 30. Phụ nữ bị quá cân, béo phì cả trước và khi đang mang thai.
Mẹ bầu trên 30 tuổi.
Tiền sử bản thân có đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
Đã từng sinh một bé nặng trên 4kg.
Tiền sử sản khoa bất thường: thai chết lưu không rõ nguyên nhân, sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân, sinh non, thai dị tật...
Hội chứng buồng trứng đa nang.
![Tiểu đường thai kỳ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho cả mẹ và bé.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_94_51441657/38ba6114555abc04e54b.jpg)
Tiểu đường thai kỳ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho cả mẹ và bé.
Tiểu đường thai kỳ cần chú ý
Phụ nữ mang thai mắc tiểu đường cần có chế độ dinh dưỡng khoa học để duy trì lượng đường huyết hấp thụ vào cơ thể:
Đảm bảo bữa sáng đủ chất, thực đơn bữa sáng tốt cho mẹ bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, một quả trứng luộc và một hộp sữa chua.
Uống từ 6 – 8 ly nước trong ngày.
Ăn ít tinh bột, đường bởi nhóm thức ăn này có chứa nhiều carbohydrate sẽ làm đường máu tăng nhanh.
Bổ sung các loại rau củ không tinh bột như rau diếp, rau cải, cần tây, súp lơ xanh, cà rốt,…Thực phẩm giàu protein như thịt lợn, gà, bò, trứng, đậu và các sản phẩm được chế biến từ sữa.
Ăn thực phẩm có nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh, đậu bắp,…
Vận động thể dục nhẹ nhàng vừa sức hàng ngày.
Nếu lượng đường trong máu của mẹ bầu vẫn cao dù đã thay đổi lối sống, chế độ ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ, mẹ bầu sẽ được kê toa thuốc tiểu đường nhằm kiểm soát lượng đường trong máu và bảo vệ thai nhi. Tiêm insulin cũng là liệu pháp được cân nhắc sử dụng. Ngoài quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, mẹ bầu khi mắc đái tháo đường thai kỳ cần được chăm sóc sức khỏe toàn diện. Vì vậy, mẹ nên tìm đến cơ sở y tế cung cấp các gói thai sản uy tín để được thăm khám định kỳ, đảm bảo mẹ an nhàn, bé chào đời khỏe mạnh.