Khi lợi ích nhóm 'nuốt chửng' quyền lợi cư dân tại các chung cư TP Hồ Chí Minh

Bỏ tiền tỷ để mua căn hộ với kỳ vọng về một cuộc sống chất lượng, nhiều cư dân tại TP Hồ Chí Minh lại vỡ mộng khi phải đối mặt với sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm từ chủ đầu tư và ban quản lý, những người lẽ ra phải bảo vệ quyền lợi của họ.

Cư dân sinh sống tại chung cư Sài Gòn Gateway (702 đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thủ Đức) đồng loạt căng băng rôn yêu cầu Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Bất động sản Hiệp phú Land bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân.

Cư dân sinh sống tại chung cư Sài Gòn Gateway (702 đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thủ Đức) đồng loạt căng băng rôn yêu cầu Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Bất động sản Hiệp phú Land bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân.

Bất an bủa vây

Tại Chung cư Imperial Place (tại 633 đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), gần 3.000 người dân đang phải sống trong tâm trạng bất an. Chị L.T.H, cư dân block A chung cư bức xúc chia sẻ: “Hàng ngày, chúng tôi luôn sống trong cảm giác lo lắng cho sự an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng. Cụ thể, hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) liên tục báo cháy giả. Điều này tạo nên tâm lý chủ quan, lỡ có cháy thật chẳng ai còn chạy nữa. Chưa kể, hệ thống thang máy cũng thường xuyên gặp sự cố tụt, kẹt thang… Ngay cả chính người thân của tôi cũng từng bị mắc kẹt trong thang suốt 15 phút, tôi và vài người khác phải cạy cửa bằng tay để cứu người dân ra ngoài”.

Tại Chung cư Imperial Place, chiếc thang máy này thường xuyên bị kẹt và rơi tự do nhưng chủ đầu tư "phớt lờ" việc sửa chữa, bảo trì. Điều này đang gây mất an toàn cho hàng ngàn cư dân đang sinh sống ở đây.

Tại Chung cư Imperial Place, chiếc thang máy này thường xuyên bị kẹt và rơi tự do nhưng chủ đầu tư "phớt lờ" việc sửa chữa, bảo trì. Điều này đang gây mất an toàn cho hàng ngàn cư dân đang sinh sống ở đây.

Không chỉ dừng lại ở những bất cập về an toàn từ thang máy, hệ thống PCCC, chất lượng sống tại đây cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Ông Nguyễn Hoàng, một cư dân sinh sống tại đây cho biết: “Nước sinh hoạt tại đây nhiều hôm có mùi hôi lạ, vẩn đục, không đạt tiêu chuẩn. Chúng tôi không dám dùng để nấu ăn hay đánh răng. Hệ thống xử lý mùi của cống thải thì quá tệ, mùi hôi bốc lên cả ngày lẫn đêm. Vì vậy, nhà tôi buộc phải đóng kín cửa, mở ra là mùi cống tràn vào khắp phòng, rất khủng khiếp”.

Ông Nguyễn Hoàng dẫn chúng tôi đến khu vực có mùi hôi thối bốc lên từ hệ thống xử lý nước thải tại Chung cư Imperial Place.

Ông Nguyễn Hoàng dẫn chúng tôi đến khu vực có mùi hôi thối bốc lên từ hệ thống xử lý nước thải tại Chung cư Imperial Place.

Không chỉ riêng Chung cư Imperial Place, nhiều dự án chung cư cao tầng tại TP Hồ Chí Minh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhiều người dân sống tại Chung cư Sài Gòn Gateway (702 đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thủ Đức) cũng đã gửi đơn phản ánh đến Báo Tin tức và Dân tộc vì quá bức xúc. Theo người dân, hạ tầng cơ sở của chung cư hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng, thế nhưng không được sửa chữa kịp thời.

Chị L.Q.L, cư dân Block B nói: “Đèn hành lang nhiều nơi đã hư từ lâu không được thay. Nhà vệ sinh chung cư bị ngấm nước, loang lổ cả mảng tường. Một số khu vực trần nhà có dấu hiệu thấm dột hưng chủ đầu tư phản hồi rất chậm chạp và tỏ thái độ thờ ơ, không quan tâm. Trong khi đó, để nhận nhà, chúng tôi phải đóng đầy đủ phí bảo trì 2%, nhưng quyền lợi chính đáng gần như bị bỏ rơi”.

Tường nhà cư dân bị ẩm mốc, thấm nước tại chung cư Saigon Gateway, thành phố Thủ Đức.

Tường nhà cư dân bị ẩm mốc, thấm nước tại chung cư Saigon Gateway, thành phố Thủ Đức.

Ông Đỗ Văn Chiêu, sinh sống tại Block B, Chung cư Saigon Gateway cũng cho biết: "Chủ đầu tư của chung cư này là Công ty Cổ phần (CTCP) Bất động sản Hiệp Phú Land. Ngay từ năm 2020, chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì sau khi Ban quản trị được thành lập hợp pháp. Tuy nhiên, họ liên tục trì hoãn, đưa ra các lý do không rõ ràng. Từ năm 2023 đến nay, chúng tôi gửi đơn khiếu nại khắp nơi. Đến khi chính quyền ra quyết định cưỡng chế, họ vẫn tiếp tục phớt lờ".

"Ngày 21/6/2024, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức đã ban hành Quyết định số 8186/QĐ-CCXP, buộc CTCP Bất động sản Hiệp Phú Land phải bàn giao khoản phí bảo trì trong vòng 15 ngày. Nhưng đã hơn 9 tháng trôi qua, 32 tỷ đồng (quỹ bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư ) vẫn “bặt vô âm tín” và chưa được bàn giao cho Ban Quản trị của chung cư", ông Chiêu bức xúc chia sẻ.

Ông Đỗ Văn Chiêu cung cấp nhiều tài liệu thông tin về việc chủ đầu tư CTCP Bất động sản Hiệp Phú Land chây ì, không bàn giao 2 % quỹ bảo trì chung cư cho cư dân để sửa chữa các hạng mục hư hỏng.

Ông Đỗ Văn Chiêu cung cấp nhiều tài liệu thông tin về việc chủ đầu tư CTCP Bất động sản Hiệp Phú Land chây ì, không bàn giao 2 % quỹ bảo trì chung cư cho cư dân để sửa chữa các hạng mục hư hỏng.

Theo ông Đỗ Văn Chiêu, vì không được bàn giao quỹ bảo trì, Ban Quản trị hoàn toàn bị “trói tay” trong việc duy tu các hạng mục thiết yếu như: Thang máy, hệ thống nước sinh hoạt, phòng cháy chữa cháy, chiếu sáng công cộng... Nhiều thiết bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng không thể sửa chữa do không có ngân sách. Không còn cách nào khác, một số người dân đứng lên vay mượn tiền của cư dân, tiền của đơn vị vận hành chung cư... để sửa chữa tạm. Hiện tại, khoản nợ mà Ban Quản trị ghi nhận lên đến hơn 200 triệu đồng. Đây là số tiền khẩn cấp được dùng để sửa chữa thang máy và hệ thống thoát nước trong các tình huống khẩn cấp.

Ai đang thực sự "cầm lái" chung cư?

Đằng sau những khối bê tông cao tầng mọc lên san sát ở TP Hồ Chí Minh là một thực tế nhức nhối đang diễn ra là cư dân, những người chi trả để sở hữu căn hộ, lại gần như không có tiếng nói trong việc vận hành chính nơi mình sống. Hàng loạt tranh chấp tại các khu chung cư cho thấy, vấn đề không chỉ nằm ở việc chây ì bàn giao phí bảo trì mà còn ở sự mập mờ, thiếu minh bạch và thao túng của một bộ phận chủ đầu tư, Ban Quản lý và thậm chí cả một số Ban Quản trị còn "tiếp tay" cho Ban Quản lý, chủ đầu tư.

Một cư dân đưa ra các thông tin tố cáo có dấu hiệu gian lận trong bầu bổ sung thành viên Ban quản trị tại chung cư Imperial Place.

Một cư dân đưa ra các thông tin tố cáo có dấu hiệu gian lận trong bầu bổ sung thành viên Ban quản trị tại chung cư Imperial Place.

Theo phản ánh của nhiều cư dân tại Chung cư Imperial Place (quận Bình Tân), các quyết định lớn liên quan đến vận hành, bảo trì, đấu thầu dịch vụ… đều được thực hiện mà không thông qua ý kiến cư dân. Ban Quản trị vốn được kỳ vọng là đại diện của người dân thì lại bị chi phối mạnh bởi chủ đầu tư. “Tôi thấy mình bị xem nhẹ trong chính nơi ở của mình. Chủ đầu tư chỉ định đơn vị quản lý mà không thông qua bầu cử cư dân. Bao nhiêu phản ánh, kiến nghị đều bị bỏ qua, chất lượng dịch vụ thì ngày càng đi xuống”, chị N.T.N một cư dân bức xúc.

Tại đây, nhiều cư dân cũng tố cáo có dấu hiệu gian lận trong bầu bổ sung thành viên Ban quản trị tại Chung cư Imperial Place. Cụ thể, có phiếu bầu đứng tên diện tích 386m², được cho là của khu nhà trẻ nhưng không có hồ sơ pháp lý chứng minh. Thậm chí, hơn 64 giấy ủy quyền bầu cử bị nghi làm giả, in sẵn chữ ký, đóng dấu ủy quyền và những người ủy quyền bỏ phiếu bầu cũng không sở hữu căn hộ tại chung cư này. Cuộc bầu cử sau đó bị đình chỉ và hủy bỏ kết quả bầu cử sau khi cư dân khiếu nại lên chính quyền, nhưng đến nay vẫn không có kết luận chính thức nào được công bố về cuộc bầu cử này từ chính quyền, ban quản lý tòa nhà...

Không chỉ dừng lại ở Imperial Place, tại chung cư Him Lam Phú An ( thành phố Thủ Đức), mâu thuẫn giữa cư dân và Ban Quản trị cũng lên đến đỉnh điểm khi Ban Quản trị tự ý thay đổi phương thức quản lý tài chính mà không thông qua Hội nghị nhà chung cư. “Việc chuyển từ "khoán" sang "tự thu, tự chi" khiến cư dân không thể giám sát thu chi minh bạch, trong khi đây là quy chế đã được thông qua từ năm 2024. Ban quản trị đã hành động vượt quyền và trái với tinh thần dân chủ của chung cư”, cư dân L.B.L, đại diện Block C chung cư Him Lam Phú An phản ánh.

Luật sư Lê Đình Chính, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh phân tích: “Luật Nhà ở hiện hành đã nêu rõ vai trò, quyền và nghĩa vụ của các bên: Chủ đầu tư, Ban quản trị và cư dân. Nhưng vấn đề nằm ở khâu thực thi, khi thiếu cơ chế giám sát độc lập và công tâm từ chính quyền địa phương, chủ đầu tư dễ dàng thao túng Ban quản trị, biến chung cư thành nơi phục vụ lợi ích nhóm”.

Theo Luật sư Lê Đình Chính, trong bối cảnh chung cư trở thành hình thức nhà ở chủ đạo tại đô thị, việc bảo vệ quyền lợi cư dân cần được xem là ưu tiên hàng đầu. “Người dân không thể là người "đi thuê cuộc sống" trong chính tài sản họ bỏ tiền mua. Những bất cập về an toàn, vệ sinh, vận hành và quyền tham gia quản lý không thể bị coi nhẹ hay trì hoãn xử lý. Vì vậy, muốn tháo gỡ tận gốc, cần xây dựng cơ chế minh bạch hóa vận hành chung cư, trao thực quyền cho cư dân thông qua Ban quản trị thực sự độc lập, giám sát được và có thể kiểm toán chi tiết. Nếu chủ đầu tư vi phạm, cần thiết có thể áp dụng biện pháp mạnh như phong tỏa tài khoản để thu hồi tiền cho cư dân. Có như vậy, chung cư mới thực sự là tổ ấm an toàn, văn minh chứ không phải nơi khiến người dân bất an mỗi ngày”, luật sư Chính kiến nghị.

Người dân đang bỏ tiền tỷ để ở các chung cư nhưng đổi lại là sự mất an toàn, vô trách nhiệm từ các chủ đầu tư khi họ đặt lợi ích nhóm lên cao.

Người dân đang bỏ tiền tỷ để ở các chung cư nhưng đổi lại là sự mất an toàn, vô trách nhiệm từ các chủ đầu tư khi họ đặt lợi ích nhóm lên cao.

Thống kê từ Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho thấy, hiện nay có khá nhiều chung cư đang vướng vào tranh chấp tương tự liên quan đến khoản phí bảo trì. Nguyên nhân không chỉ đến từ sự chây ì của một bộ phận chủ đầu tư mà còn do các quy định pháp luật hiện hành còn nhiều kẽ hở.

Đại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết :“Mô hình phát triển nhà chung cư đang đi nhanh hơn năng lực quản lý. Các chủ thể như chủ đầu tư, Ban quản trị, đơn vị vận hành... chưa thực hiện đúng trách nhiệm. Trong khi đó, một số quy định pháp luật lại chồng chéo, chưa đủ chế tài răn đe đối với các hành vi vi phạm. Hiện nay, quy định pháp luật vẫn để chủ đầu tư tạm giữ khoản 2% phí bảo trì sau khi bàn giao nhà, cho đến khi Ban quản trị được thành lập. Tuy nhiên, không có cơ chế chế tài rõ ràng nếu chủ đầu tư cố tình không bàn giao. Thực tế cho thấy, các quyết định cưỡng chế hành chính nhiều khi không đủ sức nặng để buộc chủ đầu tư phải thực hiện".

Từ thực tiễn trong quản lý, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu và giữ phí bảo trì. Thay vào đó, để Ban quản trị các chung cư tự thu khoản phí này từ cư dân theo tỷ lệ đã thống nhất trong các hội nghị nhà chung cư.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/khi-loi-ich-nhom-nuot-chung-quyen-loi-cu-dan-tai-cac-chung-cu-tp-ho-chi-minh-20250415095310418.htm
Zalo