Khi lãnh đạo cấp cao chạm tới trái tim
Ngoại giao của Việt Nam trong năm 2023 không chỉ nhộn nhịp với hàng loạt lễ đón, tuyên bố chung và thỏa thuận hợp tác, mà hình ảnh các lãnh đạo chủ chốt làm ngoại giao theo cách giản dị, đời thường cũng rất nổi bật, gây ấn tượng mạnh mẽ.
Đó là hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng thưởng trà; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng Tổng thống Mỹ Joe Biden cuốn sách “Một con người, một con đường và một lịch sử: Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ”; Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bức thư pháp; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội cho Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez...
Thoát khỏi khuôn khổ cũ
Khi Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình và Phu nhân thăm Việt Nam đầu tháng 12/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời và cùng nhà lãnh đạo Trung Quốc dự tiệc trà. Trong không khí vui vẻ, thân tình, hữu nghị, hai Tổng Bí thư ôn lại kỷ niệm của các lần gặp gỡ, trao đổi trước đó; cùng nghe giới thiệu về những sản phẩm trà nổi tiếng của Việt Nam và nghi thức thưởng trà độc đáo của người Việt.
“Lãnh đạo cấp cao của quốc gia là sứ thần đem Việt Nam đến với thế giới, đem thế giới đến với Việt Nam. Việc chúng ta thúc đẩy quan hệ cá nhân, thúc đẩy hình ảnh Việt Nam thông qua những người lãnh đạo thân thiện, gần gũi với nhân dân là cách làm ngoại giao rất sáng tạo, rất linh hoạt. Đó chính là bản sắc của ngoại giao cây tre mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay nói: linh hoạt mềm dẻo”.
TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao
Đón tiếp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Phu nhân thăm Việt Nam vào tháng 6/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân mời khách quý dự tiệc trà và tham quan hồ Hoàn Kiếm. Ngồi bên bờ hồ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng giới thiệu với Tổng thống Yoon Suk Yeol về ý nghĩa lịch sử của danh thắng ở nơi được coi là trái tim của thủ đô Hà Nội - thành phố vì hòa bình.
Khi Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thăm Việt Nam vào tháng 7/2023, bên cạnh chương trình chính thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng người đồng cấp Malaysia thăm Phố sách Hà Nội. Tại đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng cho khách quý một số cuốn sách bản tiếng Anh, gồm “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “Lãng du trong Văn hóa Việt Nam” của nhà nghiên cứu Hữu Ngọc.
Đón Thủ tướng Mark Rutte thăm Việt Nam đầu tháng 11/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng người đồng cấp Hà Lan đạp xe qua các con phố ở khu vực trung tâm Hà Nội. Đầu tháng 12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko thăm Cột cờ Hà Nội và có cuộc trao đổi thân tình tại một quán cà phê nhìn ra Vườn hoa Lê-nin.
Hoạt động ngoại giao phu nhân cũng rất được coi trọng trong những chương trình nhộn nhịp năm qua, góp phần xây dựng sức mạnh mềm và thu hút sự quan tâm của dư luận. Bà Ngô Thị Mận, Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng GS Bành Lệ Viên, Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - nơi lưu trữ nhiều tài liệu, hiện vật tôn vinh nét đẹp và vai trò của người phụ nữ Việt Nam. Hai Phu nhân cùng thưởng trà, xem trình diễn áo dài và biểu diễn nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Bà Phan Thị Thanh Tâm, Phu nhân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, cùng GS Bành Lệ Viên thăm và giao lưu với các sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ấn tượng lâu dài
Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Đinh Ngọc Linh cho biết, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đánh giá rất cao Việt Nam với sự ổn định chính trị, phát triển đột phá và năng động về kinh tế. Đặc biệt, Thủ tướng Ibrahim rất ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong quá trình trao đổi trước khi thực hiện chuyến thăm Việt Nam, ông Ibrahim thường xuyên nhắc đến Bác Hồ như một biểu tượng của sự đoàn kết. Đoàn kết dân tộc và ổn định đất nước là điều mà Malaysia rất quan tâm trong giai đoạn hiện nay, sau khi nước này trải qua mấy năm mất ổn định, chính phủ thay đổi liên tục. Bản thân ông Ibrahim cũng từng gặp biến cố lớn, phải ngồi tù trong thời gian dài, sau đó quay lại chính trường với quyết tâm lớn là đoàn kết dân tộc để phát triển đất nước.
Đại sứ Linh cho biết, Thủ tướng Ibrahim rất ấn tượng với chuyến thăm Phố sách Hà Nội và món quà mà ông nhận được, nên đến tận bây giờ ông vẫn nhắc đến. “Tôi tin rằng đó là một trong những hoạt động ngoại giao văn hóa mà chúng ta đã chọn được điểm rất tinh tế, đáp ứng đúng nhu cầu của ngoại giao nguyên thủ quốc gia”, Đại sứ Linh nói.
Ngoại giao tâm công là tranh thủ trái tim của đối tác. Cơ sở để thực hiện ngoại giao tâm công là lịch sử, văn hóa, chính sách đối ngoại và năng lực của những người làm đối ngoại. Trong quan hệ quốc tế, nước nào cũng sử dụng ngoại giao tâm công nhưng mỗi nước một khác, mỗi người một khác.
Ông cho rằng đây là sự sáng tạo, vượt khỏi khuôn khổ cũ. Việc hai Thủ tướng thăm Phố sách vừa thể hiện văn hóa con người Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, vừa thể hiện mối thân tình giữa các lãnh đạo quốc gia theo cách bình dị, từ trái tim đến trái tim. Cùng với ngoại giao kinh tế và giao lưu nhân dân, ngoại giao văn hóa góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam, đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Thông điệp từ cấp cao
Ông Hoàng Hữu Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO - Bộ Ngoại giao, cho rằng, qua những hình ảnh gần gũi như vậy, có thể thấy thông điệp của Việt Nam được phát đi rất mạnh từ cấp cao, gây ấn tượng mạnh về đường hướng phát triển, sự chân thành, mong muốn hợp tác của Việt Nam với các đối tác. Ông Hữu Anh cho rằng ngoại giao văn hóa có sức lan tỏa mạnh mẽ, vô cùng hữu hiệu, góp phần nâng tầm, tăng cường hiểu biết, không chỉ thắt chặt quan hệ giữa các cá nhân lãnh đạo với nhau mà còn giữa người dân Việt Nam với các nước.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, nói rằng quan hệ đối ngoại của Việt Nam được thiết lập không chỉ ở cấp độ nhà nước với nhà nước, chính phủ với chính phủ, mà còn ở những mối quan hệ rất thân thiết, gần gũi giữa các nhà lãnh đạo, tạo cơ hội để Việt Nam gia tăng sức mạnh mềm của đất nước. “Điều đó cho thấy ngoại giao của chúng ta ngày càng tự tin, ngày càng bài bản, ngày càng phát huy được sức mạnh tổng thể của đất nước”, ông nói.
TS Sơn cho rằng quan hệ ngoại giao là mối quan hệ giữa quốc gia với quốc gia, nhưng được thực hiện bởi những con người rất cụ thể. Mỗi cán bộ ngoại giao không chỉ thúc đẩy lợi ích quốc gia của mình mà còn là sứ thần của đất nước, phải được bạn bè quốc tế yêu mến, phải có sức thuyết phục.