Khi khó khăn nhiều hơn thuận lợi!

'Phải chăng sắp tới chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn so với thời cơ, thuận lợi cho phát triển?'. Câu hỏi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 gợi nhiều suy nghĩ không chỉ về việc đặt mục tiêu phát triển cho năm tới mà còn về tầm quan trọng và sự cấp thiết phải cải thiện khả năng chống chịu và năng lực tự cường của nền kinh tế.

Như người đứng đầu Đảng ta đã chỉ ra, chặng đường phát triển của nước ta có rất nhiều khó khăn, thách thức đang chờ đợi. Đó là tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhất là trong lĩnh vực tiền tệ, giá cả, thương mại và đầu tư, tạo áp lực lớn tới nền kinh tế nước ta, cả trong trước mắt và lâu dài.

Thách thức càng lớn hơn khi cùng lúc chúng ta phải ứng phó với những tác động tiêu cực từ bên ngoài, đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ xử lý những hạn chế, yếu kém của nội tại nền kinh tế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, tỷ lệ giải ngân chưa có chuyển biến đáng kể. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình trạng dịch bệnh, thiên tai, bão lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường; trong khi đó ngành y tế vẫn chưa giải quyết được bài toán thiếu nhân lực, thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo đối mặt với thách thức mới...

Trong khi đó, năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế nước ta chỉ ở mức “trung bình khá” - theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực cùng các cộng sự, đã được công bố ở Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam vừa qua. Các chỉ tiêu thể chế và quản trị vĩ mô, chỉ tiêu kinh tế - tài chính đạt điểm khá và khá cao, song các chỉ tiêu về môi trường - xã hội hầu hết ở mức thấp và trung bình thấp.

Đáng lo ngại là, với những diễn biến phức tạp của bối cảnh hiện nay và sắp tới, rủi ro không chỉ luôn đan xen mà còn lan truyền. Điều này có nghĩa các chỉ tiêu kinh tế - tài chính có sức chịu đựng trung bình luôn tiềm ẩn nguy cơ chuyển sang trạng thái rủi ro cao hơn nếu thiếu các biện pháp kịp thời, hiệu quả.

Việc xây dựng quan điểm phát triển, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2023 cần được đặt trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, thách thức lớn hơn thời cơ như vậy. Điều này nhằm bảo đảm có được những mục tiêu khả thi và giải pháp hiệu quả, tạo tiền đề cho phát triển nhanh và bền vững trong những năm sắp tới.

Mặt khác, khi mà khó khăn, thách thức ngày một nhiều, việc nâng cao khả năng chống chịu, tăng tính tự cường của nền kinh tế càng trở nên cấp thiết và quan trọng. Đây sẽ là “lá chắn”, giúp tạo hệ thống phòng vệ vững chắc bảo vệ nền kinh tế - tài chính, hệ thống doanh nghiệp và thị trường trong nước. Tấm lá chắn này cũng sẽ giúp chúng ta ứng phó linh hoạt, phù hợp, giảm thiểu rủi ro do các cú sốc về kinh tế, địa chính trị, biến đổi khí hậu, môi trường, đặc biệt là những cú sốc “kết hợp”.

Bởi vậy, cần sớm có chiến lược và giải pháp cụ thể nhằm xây dựng và củng cố tấm lá chắn này ngày một vững chắc. Kèm với đó là kế hoạch cụ thể huy động nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra về sức chống chịu, tính tự chủ và tự cường của nền kinh tế, nhất là các nguồn lực về tài chính, công nghệ - kỹ thuật, năng lực chuyên môn - kỹ năng. Quan trọng hơn là phải sử dụng hiệu quả và minh bạch các nguồn lực đó.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/khi-kho-khan-nhieu-hon-thuan-loi-i302577/
Zalo