Khi du khách không mặn mà với máy bay

Các hãng hàng không khu vực châu Á hy vọng mùa hè này sẽ thúc đẩy những hành khách sải cánh đến các địa điểm ưa thích. Nhưng dường như du khách lại không còn mặn mà với việc đi máy bay.

Du lịch hàng không ở châu Á vẫn tăng trưởng ở mức thấp.

Du lịch hàng không ở châu Á vẫn tăng trưởng ở mức thấp.

Dữ liệu từ các hãng vận tải và các cơ quan ngành hàng không cho thấy, sự tăng trưởng mạnh mẽ và hệ số tải bền vững - tỷ lệ công suất sẵn có thực sự được sử dụng, bổ sung vào các tuyến đang tìm kiếm thị trường từ những hành khách sẵn sàng đặt chỗ. Nhưng những gì chúng ta đang thấy là hình ảnh một ngành công nghiệp đang cố gắng vượt qua những ảnh hưởng còn sót lại của đại dịch Covid-19, trong khi nhiều hành khách lại không còn nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Hàng không châu Á Thái Bình Dương (AAPA), với các thành viên gồm Singapore Airlines, Cathay Pacific Airways, Japan Airlines và China Airlines của Đài Loan (Trung Quốc), số lượng hành khách được vận chuyển từ đầu năm đến nay đã tăng 45% so với năm ngoái. Số dặm bay thực tế đã tăng 40% và hệ số tải nhích lên tới 80,9%. Đây là mức tăng trường mà bất kỳ nhà điều hành hay nhà kinh tế nào cũng sẽ hài lòng.

Nhưng việc thiết lập hoạt động lại sau đại dịch đã hạ thấp những tiêu chuẩn đặt ra. Nếu so sánh dữ liệu gần đây với hoạt động nhỏ giọt mà ngành hàng không đã trải qua từ năm 2020 đến năm 2022 thì con số 28 triệu hành khách bay 160 tỷ km trong tháng 5 vừa qua đáng được tôn vinh.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, con số này vẫn thấp hơn 13% so với mức được thấy trong năm 2019. Trước đại dịch, bầu trời của các thành viên AAPA thường xuyên đạt ít nhất 25 triệu hành khách với tổng khoảng cách vượt quá 100 tỷ dặm mỗi tháng. Xem xét những số liệu gần đây nhất, ngành hàng không chỉ có 3 lần vượt mốc 100 tỷ dặm kể từ tháng 2/2020. Hơn nữa, dữ liệu tháng 5 cho thấy, tốc độ tăng trưởng đang giảm.

Nền kinh tế chậm lại của Trung Quốc đã khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và gia tăng thực hiện các chuyến đi trong nước. Trong khi đó, mạng lưới đường sắt mở rộng của nước này khiến hầu hết khách du lịch không cần phải lên máy bay để di chuyển quãng đường xa.

Những thay đổi về cấu trúc trong thị trường du lịch công tác cũng có thể làm hạn chế khả năng kinh doanh của các hãng hàng không. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết trong một báo cáo về lĩnh vực hàng không Đông Nam Á rằng, họ dự đoán về xu hướng giảm vĩnh viễn tốc độ tăng trưởng của phân khúc du lịch công tác do sự linh hoạt ngày càng tăng về nơi làm việc và những thay đổi trong chính sách du lịch của các công ty, trong đó có cam kết tăng cường giảm lượng khí thải carbon.

Vẫn theo ADB, xu hướng mới có nghĩa là sẽ có ít chuyến công tác hơn nhưng thời gian mỗi chuyến sẽ kéo dài hơn. Nếu đúng như vậy, các khách sạn và nhà hàng cao cấp có thể được hưởng lợi tốt hơn các hãng hàng không. Ngoài ra, còn có xu hướng “du lịch nghỉ dưỡng”, theo đó, các hình thức kinh doanh được mở rộng, nổi bật là các hoạt động giải trí. Điều này cũng tốt cho giới kinh doanh khách sạn nhưng lại không tốt cho các hãng vận chuyển.

Cuối cùng, có một xu hướng không mấy khả quan cũng được dự đoán. Khoảng cách bay trung bình trên mỗi hành trình đã giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là kết quả của việc du khách ít thực hiện những chuyến đi đường dài hơn, sinh lợi nhiều và ít nhạy cảm hơn về giá, thay vào đó, họ thích đến những địa điểm không cần di chuyển bằng máy bay.

Nếu có một điểm tích cực thì chính là nhu cầu đi du lịch hàng năm vào dịp hè, khi học sinh được nghỉ học. Dù các điểm nóng du lịch từ Nhật Bản đến Indonesia đang tạo ra tiếng vang mới và Thế vận hội Olympic Paris 2024 sẽ chứng kiến nhiều chuyến đi từ châu Á đến châu Âu hơn, nhưng dữ liệu chỉ ra nó vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đó.

Các chuyến du lịch gia đình ở châu Âu, Bắc Mỹ hoặc Australia sẽ là chìa khóa giúp các hãng hàng không hy vọng về sự quay trở lại của xu hướng di chuyển đường dài, trong khi những chuyến đi ngắn trong khu vực cũng vẫn cần thiết. Theo các chuyên gia trong ngành, không nên đặt quá nhiều hi vọng vào khả năng quay trở lại thời kỳ đỉnh cao trước Covid-19 trong năm nay vì những thách thức ngày càng tăng trong việc thuê nhân viên và đưa máy bay hoạt động trở lại.

Phương án khả thi nhất để thúc đẩy tăng trưởng là các hãng hàng không thu hút những hành khách mới hoặc khách hàng không thường xuyên. Vé máy bay giá rẻ là một biện pháp, nhưng việc đưa ra lý do để lên máy bay lại là một rào cản khác và đây là việc mà các đại lý du lịch cần cải thiện.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), ngành hàng không đã ghi nhận lợi nhuận trở lại vào năm 2023 và lưu lượng hành khách hàng không đã chạm mức kỷ lục của năm 2019 vào đầu năm 2024. Công ty cung cấp dữ liệu hàng không OAG cho biết, tổng năng lực vận chuyển hàng không toàn cầu trong quý 2/2024 cao hơn 4% so với năm 2019. Tuy nhiên, các hãng hàng không cảnh báo rằng, lợi nhuận đang chịu sức ép từ việc chi phí tăng và sự cạnh tranh khi những mạng lưới đường bay được mở trở lại hoặc mở rộng.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khi-du-khach-khong-man-ma-voi-may-bay-10285380.html
Zalo