Khi dự án BT 'mắc cạn' - Bài 5: Hướng ra nào cho các dự án BT?
Trong lần dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), Bộ KH-ĐT đã đưa ra một số chính sách lớn, trong đó có các phương án giải quyết dứt điểm các dự án BT chuyển tiếp từ giai đoạn trước, hoàn thiện pháp luật để hình thức BT được 'hồi sinh'.
“Bộ chính sách đơn sơ cho một thực tế đồ sộ”
Đó là nhận xét của PGS-TS Dương Đăng Huệ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp (Bộ Tư pháp), khi bàn về vấn đề: “Cái gì đã góp phần làm cho đầu tư theo phương thức PPP trở nên kém hiệu quả ở nước ta trong thời gian qua?”. Theo chuyên gia này, số lượng các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư sau ngày Luật PPP năm 2020 có hiệu lực (1-1-2021) không những không tăng mà còn giảm đi một cách đáng kể. Có nhiều lý do, nhưng đáng chú ý là sự bất tương xứng giữa thực tiễn và hệ thống pháp luật điều chỉnh.
“Một quan hệ pháp luật phức tạp, đồ sộ lại được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật đơn sơ, chẳng khác nào trứng chọi đá”, ông Huệ ví von. Dù đã có luật, có một số nghị định và thông tư hướng dẫn, nhưng nhiều vấn đề liên quan đến PPP đến nay vẫn chưa cụ thể. Chẳng hạn như luật PPP hiện hành còn thiếu quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong trường hợp chậm bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án; về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình xử lý phần doanh thu tăng, giảm…
Tại Diễn đàn pháp lý đầu tư diễn ra tháng 4-2024 do Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức, các chuyên gia pháp lý đã nhìn nhận, Luật PPP năm 2020 qua thời gian vận hành, một số quy định bộc lộ những hạn chế, gây cản trở nhà đầu tư. Tháng 8-2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, mở ra nhiều cơ chế mới, hướng đi mới cho TPHCM trong thu hút đầu tư theo PPP. Trong đó, Nghị quyết 98 cho phép TPHCM áp dụng hợp đồng BT được thanh toán bằng ngân sách nhà nước... Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý tại diễn đàn đánh giá, những điểm đang chưa tương thích với khuôn khổ Luật PPP hiện tại, việc áp dụng Nghị quyết 98 nhằm triển khai dự án PPP, trong đó có các dự án BT, được xem là chưa thực sự khả thi với nhà đầu tư.
Với các dự án BT chuyển tiếp từ giai đoạn trước khi có Luật PPP, trong Nghị quyết 98 (tại khoản 7 Điều 6) quy định việc thanh toán cho các dự án BT bằng quỹ đất do Nhà nước quản lý thuộc trường hợp sắp xếp lại, xử lý tài sản công, là các hợp đồng BT “được ký kết theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng BT trước ngày Luật PPP có hiệu lực thi hành mà chưa hoàn thành việc thanh toán cho nhà đầu tư”.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở KH-ĐT TPHCM, việc xác định hợp đồng có phù hợp quy định pháp luật hay không là vấn đề khó. Hiện Bộ KH-ĐT đang đề xuất việc xác định này theo cơ quan kiểm toán, thanh tra kết luận. Tuy nhiên, việc này theo góp ý của Sở KH-ĐT TPHCM là “rất khó”.
Như vậy, các nghị quyết chính sách đặc thù chưa hẳn là “cây đũa thần” cho các dự án PPP, trong đó có BT. Mọi hướng giải quyết đều đang hướng về việc Quốc hội sửa đổi Luật PPP.
Nhiều đề xuất táo bạo
Theo tờ trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu, có khoảng 20 điều của Luật PPP sẽ được sửa đổi, bổ sung, trong đó có nhóm giải pháp xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với dự án BOT, BT chuyển tiếp.
Do dự luật đề xuất sửa đổi khá nhiều chính sách phức tạp, có phạm vi tác động rộng hoặc đang được thực hiện thí điểm tại một số địa phương như: áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán cho nhà đầu tư bằng quyền thực hiện dự án tại vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển theo mô hình TOD; áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng tài sản công... nên không phải không có cơ sở khi cơ quan thẩm tra từng có đề nghị tách việc sửa đổi, bổ sung các nội dung của Luật PPP thành một luật riêng…
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PPP đã bổ sung nhiều nội dung nhằm hồi sinh cho các dự án BT đang “mắc cạn”. Dự thảo cho phép dự án BT ký kết hợp đồng trước thời điểm luật này có hiệu lực thi hành mà chi phí lãi vay sau thời gian xây dựng. Lợi nhuận hợp lý được xác định trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án thì được tính vào tổng mức đầu tư của dự án để thực hiện thanh toán.
Hợp đồng dự án được ký kết trước ngày luật này có hiệu lực thi hành cũng được đề xuất tiếp tục thực hiện. Trường hợp pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng dự án không có quy định thì thực hiện theo quy định của luật này.
Đối với Hợp đồng dự án BT thanh toán bằng tiền ký kết trước thời điểm luật này có hiệu lực thi hành mà chi phí lãi vay sau thời gian xây dựng, lợi nhuận hợp lý được xác định trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án thì được tính vào tổng mức đầu tư của dự án để thực hiện thanh toán. Hợp đồng dự án BT thanh toán bằng quỹ đất đã được cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước kết luận là phù hợp với quy định của pháp luật có hiệu lực tương ứng trong từng thời kỳ thì tiếp tục được thực hiện dự án và thanh toán theo quy định của hợp đồng dự án BT đã ký kết.
Đối với hợp đồng dự án BT thanh toán bằng quỹ đất đã được cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước kết luận là có nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật có hiệu lực tương ứng trong từng thời kỳ, đã thi hành quyết định xử phạt hành chính và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đang có một số phương án được đưa ra.
Một là trường hợp nhà đầu tư chưa xây dựng công trình BT thì chấm dứt hợp đồng BT. Hai là, trường hợp nhà đầu tư đã xây dựng công trình BT, nhưng chưa được giao quỹ đất thanh toán thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền thỏa thuận với nhà đầu tư sửa đổi, bổ sung hợp đồng…
Dự thảo cũng quy định rõ, trong các trường hợp phải chấm dứt hợp đồng theo quy định nêu trên, nếu nội dung chưa phù hợp của hợp đồng do lỗi của nhà đầu tư thì nhà đầu tư phải chịu toàn bộ rủi ro và không được bồi hoàn chi phí đã bỏ ra. Nếu do lỗi của cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan này bố trí ngân sách để thanh toán bồi thường cho nhà đầu tư. Nếu do lỗi của cả hai bên thì các bên được thỏa thuận, xác định chi phí chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Tuy nhiên, ông Trần Quốc Phương cho rằng, bên cạnh việc sửa đổi Luật PPP, nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác về xây dựng, tài chính… cũng cần được sửa đổi đồng bộ. Chẳng hạn như Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Các quy định hiện tại còn thiếu chi tiết và gây khó khăn cho địa phương, cần sửa đổi, bổ sung theo hướng làm rõ cách xử lý phần đất công, quỹ đất đã giải phóng mặt bằng, và các khoản kinh phí mà nhà đầu tư đã ứng trước…
Tái khởi động dự án đầu tư mới theo hợp đồng BT
Liên quan đến đề xuất tái khởi động loại hình dự án đầu tư mới theo hình thức BT, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân khẳng định, bộ sẽ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý vi phạm về thời gian sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá đấu thầu và xác định lại giá đất, nghĩa vụ tài chính về đất đai… Các địa phương cần đưa ra các giải pháp linh hoạt như yêu cầu nhà đầu tư nộp phần chênh lệch giá trị đất vào ngân sách nhà nước, hoặc điều chỉnh lại quy hoạch để đảm bảo công bằng cho cả hai bên.