Khí đốt Nga - 'Nước cờ hỏng' khiến cả châu Âu có nguy cơ 'rét run'

Nước Đức đang đối mặt với một mùa Đông tồi tệ nhất trong 75 năm. Khủng hoảng khí đốt có nguy cơ làm tê liệt nền kinh tế, quét sạch mọi cố gắng của chính phủ và mang sự hỗn loạn tới trung tâm châu Âu.

Khí đốt Nga - ‘Nước cờ hỏng’ khiến cả châu Âu có nguy cơ ‘rét run’. (Nguồn: Globaltimes)

Khí đốt Nga - ‘Nước cờ hỏng’ khiến cả châu Âu có nguy cơ ‘rét run’. (Nguồn: Globaltimes)

Những người Đức lớn tuổi vẫn còn rùng mình khi nhớ về “Mùa Đông đói rét” những năm 1946-47. Nhiều lý do từng được đưa ra, khi khoảng nửa triệu người Đức bị chết đói hoặc chết cóng trong các khu phố đổ nát, bởi không đủ khả năng tự túc về thực phẩm, nhiên liệu và cả quần áo. Đó là một giai đoạn đen tối nhất mà họ không bao giờ muốn nhắc lại.

Tuy nhiên, khi thế giới đã bước vào những năm 20 của thế kỷ 21, nền kinh tế lớn nhất châu Âu lại đang tiến vào một mùa Đông cận kề nguy cơ suy thoái, năng lượng phải chia “khẩu phần” và nguy cơ có thể mất điện. Lại rất nhiều lý do được đưa ra, trong đó có “nước cờ khí đốt” của nền kinh tế Đức.

Nếu Moscow tắt hẳn vòi khí đốt...?

Khi Nga tiếp tục giảm nguồn cung cấp khí đốt xuống 1/5 mức trước chiến dịch quân sự mà Moscow tiến hành tại Ukraine (2/2022) - bằng cách đóng đường ống khí đốt Nord Stream 1 để "bảo trì" do các lỗi hỏng mới phát hiện– tín hiệu không vui lại gửi tới Thủ tướng Olaf Scholz và liên minh “đèn giao thông” của ông, gồm các đảng Dân chủ xã hội (SPD), đảng Dân chủ tự do (FDP) và đảng Xanh.

Ngân hàng Bundesbank đã dự đoán về một cuộc suy thoái và các số liệu kinh tế mới nhất cũng đang cho thấy các hoạt động kinh doanh giảm dần tại nền kinh tế hàng đầu châu Âu. Lạm phát đã lên tới 8,5% vào tháng trước, dự kiến sẽ tiếp tục tăng cùng với phần còn lại của khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) và có thể còn tăng lên gấp đôi.

Tuy nhiên, vì những lý do lịch sử, người Đức sẽ không chấp nhận lạm phát cao do hậu quả từ cuộc xung đột ở Ukraine. Thế giới nhớ đến siêu lạm phát đã phá hoại Cộng hòa Weimar một thế kỷ trước, hay một siêu lạm phát khác diễn ra sau Thế chiến II, với thời gian "đau khổ” còn dai dẳng hơn. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi người Đức rất dị ứng với lạm phát kể từ đó.

Đúng là hiện tại, người làm công vẫn chưa đòi tăng lương hay đình công. Nhưng giá năng lượng đang tăng theo cấp số nhân.

Đầu năm 2021, khí đốt giao dịch tại châu Âu với giá 15 Euro/MWH (khoảng 14,83 USD). Đến giữa tháng Sáu vọt lên 100 Euro. Ngày 1/8, lần đầu tiên, giá khí đốt vượt ngưỡng 200 Euro/MWH, nhưng đến cuối tháng đã lên đến 282 Euro, có lúc leo lên 340 Euro.

Giá điện một năm trước ở nước này đã tăng vọt lên gần 1.000 Euro mỗi Megawatt-giờ, tăng hơn 720% kể từ đầu năm 2022. Nếu Moscow tắt hẳn vòi khí đốt, nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu có khả năng phải ngừng hoạt động vào mùa Đông này, thậm chí giới quan sát còn lo ngại về một nguy cơ bất ổn dân sự thực sự.

Ở một khía cạnh nào đó, một số người bắt đầu cảm thấy vận mệnh nền kinh tế Đức đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn khí đốt từ nước ngoài. Dù họ cho rằng, nếu họ càng chi trả nhiều tiền để mua nhiều khí đốt của Nga, thì ngân quỹ để “nuôi dưỡng” chiến dịch quân sự ở Ukraine càng lớn.

Theo tính toán của chuyên gia Christian Odendahl thuộc The Economist, ở mức giá hiện tại, Đức sẽ cần chi 8,4% GDP cho khí đốt thay vì từ trước đến nay, chỉ là 1%.

Gót chân Achilles của nền kinh tế Đức

Nước Đức đang nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng cho mùa Đông, với kế hoạch hệ thống sưởi trung tâm có thể phải cắt giảm hoặc thậm chí bị tắt, buộc người dân phải tìm nơi trú ẩn trong các trường học hoặc tòa thị chính. Nước này cũng đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt bằng một chiến dịch vận động các hộ gia đình cắt giảm lượng tiêu thụ xuống mức tối thiểu và một nỗ lực quốc gia lớn đưa mức dự trữ khí đốt lên tới 81%.

Tuy nhiên, không chỉ khí đốt, giá thực phẩm đã tăng với tốc độ gần 15% trong tháng Bảy. Người ta lo sợ, số người không có khả năng được sưởi ấm hoặc không thể nuôi sống gia đình gia tăng lên, trở thành nguồn cơn của sự tức giận trong xã hội.

Trong khi đó, không ai lường trước được tương lai chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, càng không thể nói được điều gì về hậu quả tàn khốc về kinh tế đối với châu Âu, sau cuộc “so găng” trừng phạt và trả đũa với Moscow. Tuy nhiên, cũng giống như đi một “nước cờ sai”, giới phân tích nhận định rằng, mầm mống của cuộc khủng hoảng khí đốt ở “trung tâm của châu Âu” hiện nay đã được gieo từ 1/4 thế kỷ, từ 1998 đến nay, dưới thời các nhà lãnh đạo tiền nhiệm của Thủ tướng Olaf Scholz.

Đó là những năm dư dả đối với nền kinh tế Đức, với vai trò là “anh cả” của Liên minh châu Âu, Berlin tin rằng, nền kinh tế của họ dẫn đầu về xuất khẩu do được hưởng lợi từ việc sử dụng một đồng tiền duy nhất, đồng thời sẵn sàng gánh các chi phí xã hội cho các nước láng giềng nghèo hơn. Tuy nhiên, “bí mật” phía sau thành công đó là năng lượng giá rẻ của Nga.

Cũng trong thời gian đó, ngành công nghiệp Đức bắt đầu từ bỏ dần sự phụ thuộc vào than đá và năng lượng hạt nhân sau chiến tranh, để chuyển sang sử dụng khí đốt và năng lượng tái tạo của Nga.

Năm 2011, sau sự cố Fukushima, Thủ tướng Đức khi đó là bà Angela Merkel tuyên bố đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân và trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu đi đầu trong việc ngưng hoạt động một số lò phản ứng hạt nhân. Đó là một chiến thắng của những người thuộc đảng Xanh và tất nhiên khi đó đã nhận được sự hậu thuẫn của đa số. Ở hiện tại, đảng Xanh vẫn là một đối tác quan trọng trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Scholz.

Ngay cả trong tình trạng khó khăn hiện nay, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Kinh tế thuộc đảng Xanh Robert Habeck vẫn từ chối lùi thời gian loại bỏ hoàn toàn điện hạt nhân, để giảm sức ép của cuộc khủng hoảng năng lượng, vì hiện Đức vẫn còn thời gian để kích hoạt lại một số nhà máy điện hạt nhân.

Trong khi đó, dù không nhận được sự đồng thuận của Tây Ban Nha và những người khác, Berlin đã yêu cầu 26 quốc gia thành viên EU khác thực hiện kế hoạch cắt giảm đáng kể lượng khí đốt tiêu thụ trong mùa Đông này, để đảm bảo phân phối khí đốt hợp lý trong liên minh. Tây Ban Nha đã thẳng thừng phản đối đề xuất trên với lý do họ không phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt Nga, cũng như dư sức tự đảm bảo nguồn cung nhiên liệu trong nước.

Giới quan sát bình luận rằng, trong nhiều thập kỷ, Điện Kremlin đã thành công trong vai trò là nhà “buôn chất gây nghiện” cho Đức, khiến nền kinh tế đầu tàu của châu Âu ngày càng “nghiện” năng lượng nga. Với nguồn cung dư giả, Moscow đã bao tiêu toàn bộ nhu cầu của từ các nhà máy sản xuất, đến các ngành dược phẩm và hóa chất của Đức.

Giờ đây, khi mùa Đông lạnh lẽo sắp đến châu Âu, vô số giải pháp về nguồn cung năng lượng cho nước Đức lại được đặt ra, trong đó có việc tái khởi động dự án đầy tranh cãi - đường ống Nord Stream 2 vốn đã hoàn tất và đang nằm im dưới Biển Baltic.

Dự án dù từng bị gọi là mối đe dọa đối với an ninh năng lượng của châu Âu, nhưng nay, khi không còn nhiều sự lựa chọn, một số chính trị gia Đức một lần nữa kêu gọi mở lại Nord Stream 2 " để ngành công nghiệp số 1 châu Âu không bị thiệt hại nghiêm trọng, sát sườn hơn, để mọi người không bị "đóng băng" vào mùa Đông này, như Phó Chủ tịch Quốc hội Đức Wolfgang Kubicki nói.

Năng lượng chính là gót chân Achilles của nền kinh tế Đức mà Nga đã nắm được. Trong 25 năm qua, năng lượng giá rẻ của Nga đã trở thành “món hời” khó cưỡng đối với một nền công nghiệp có nhu cầu cao như Đức, khiến họ dần trở nên phụ thuộc. Nhiều thành viên EU khác cũng đã noi gương nền kinh tế số 1 khu vực, bằng cách phụ thuộc nhiều vào Moscow về năng lượng. Đó là một "nước cờ hỏng" của châu Âu.

(theo Telegraph)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-dot-nga-nuoc-co-hong-khien-ca-chau-au-co-nguy-co-ret-run-197426.html
Zalo