Khi đội bóng của Nguyễn Xuân Son đá 9 ngoại binh
Tiêu thật nhiều tiền mua sắm cầu thủ, đó là một cách để nhanh chóng thành công nhưng không đồng nghĩa mọi thứ sẽ tốt. Ví dụ như đội bóng của Nguyễn Xuân Son.
Trong trận thua 0-3 trước Sanfrecce Hiroshima tại AFC Champions League Two 2024/2025, CLB Nam Định đã sử dụng tổng cộng 9 ngoại binh, trong đó có 8 cầu thủ Brazil. Ngược lại, đại diện Nhật Bản chỉ có một ngoại binh, Tolgay Arslan. Nói vui thì Nam Định FC dùng đội hình Brazil "xịn" đã thua "Brazil châu Á" - một biệt danh thường được dùng về đội Nhật Bản.
Nếu tính cả tiền đạo Moses Odo bị thanh lý sớm, Nam Định FC đã sử dụng tới 10 cầu thủ ngoại trong mùa giải này, một kỷ lục cho một câu lạc bộ Việt Nam. Điều này chắc chắn đòi hỏi CLB phải chi ra một khoản tiền lớn. Nhưng câu hỏi quan trọng là bóng đá Việt Nam và Nam Định FC sẽ thu được gì từ sự đầu tư này.
Liệu có danh tiếng và thành tích? Rất khó để đánh giá điều này khi Nam Định chỉ đứng thứ hai trong bảng đấu với các đội đến từ Thái Lan, Singapore và Hong Kong, những đối thủ rõ ràng không quá vượt trội so với nhà đương kim vô địch V.League. Cơ hội tiến xa của CLB gần như đã khép lại sau trận thua 0-3 trước Sanfrecce Hiroshima ngay trên sân Thiên Trường.
Hơn nữa, việc Nam Định FC sử dụng tới 8-9 cầu thủ ngoại trong mỗi trận đấu khiến cơ hội ra sân cho các cầu thủ Việt Nam trở nên hạn chế. Nhiều cầu thủ có thể đã mất cơ hội để tích lũy kinh nghiệm tại đấu trường châu lục. Nếu Nam Định có thành công, cũng khó có thể khẳng định điều đó sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho bóng đá Việt Nam, bởi thực chất đó chỉ là một cuộc chơi của những ngoại binh.
![Nam Định FC dùng đến 9 ngoại binh ở sân chơi châu Á nhưng sắp bị loại. Ảnh: CLB Nam Định](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_329_51481839/fa75799c4ad2a38cfac3.jpg)
Nam Định FC dùng đến 9 ngoại binh ở sân chơi châu Á nhưng sắp bị loại. Ảnh: CLB Nam Định
Có thể lấy Bangkok United, đối thủ trong cùng bảng của Nam Định FC, làm ví dụ. Đại diện Thái Lan đã hòa 0-0 và thắng 3-2 trước Nam Định trong hai lần chạm trán. Họ chỉ sử dụng 3 cầu thủ ngoại trong chuyến làm khách tại Thiên Trường.
Về lối chơi của Nam Định FC, đây là vấn đề đáng suy ngẫm. Họ phải thi đấu ở ba giải đấu nhưng lại sử dụng hai đội hình khác nhau. Điều này khiến HLV Vũ Hồng Việt gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển chiến thuật và vận hành trơn tru cho cả hai đội. Vì Nam Định đá giải châu Á dùng 8-9 cầu thủ ngoại, còn trong nước thì chủ yếu là nội binh (chỉ được phép dùng 3 ngoại binh).
Mua nhiều và tiêu thoải mái là cách dễ nhất để có danh hiệu ở bóng đá Việt Nam. Nhưng làm sao cho hợp lý và đừng để lãng phí thì không phải đội bóng nào cũng làm được. Cách mua sắm của Nam Định FC rõ ràng mang đến nhiều điều suy ngẫm. Ví dụ số tiền mà họ trả cho nhiều ngoại binh, nếu đổi lại xác định được mục tiêu ngay từ đầu và dành tiền để đầu tư cho bóng đá trẻ thì liệu tốt hơn hay không?
Những đứa con thành Nam, "chảo lửa" Thiên Trường, hay những mẩu chuyện về các cổ động viên nhiệt huyết tiếp lửa và ủng hộ đội bóng, chính là bản sắc của bóng đá Nam Định. Hiện tại, thật khó để thấy một cầu thủ Nam Định thi đấu cho đội bóng quê hương tại sân Thiên Trường, trong khi bóng đá trẻ của Nam Định đã rơi vào tình trạng sa sút trong nhiều năm qua.
Ai cũng biết bóng đá Việt Nam có câu “tiệc vui chóng tàn”. Hy vọng Nam Định FC không phải đạp lên vết xe đổ của nhiều đội bóng trong quá khứ.