Khi dạy thêm biến tướng

Thời điểm này, học sinh cuối cấp (lớp 9 và lớp 12) đang trong giai đoạn ôn thi nước rút với sự hỗ trợ từ các nhà trường. Dẫu thế, sau gần 3 tháng thực hiện 'siết' quản lý, dạy thêm trái quy định vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Ngay tại Hà Nội vẫn còn tình trạng một bộ phận học sinh, phụ huynh thỏa thuận ngầm với giáo viên trong việc chi trả tiền học thêm để đối phó với cơ quan chức năng.

Đơn cử mới đây, một giáo viên Trường THCS Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã bị phụ huynh phản ánh về việc tổ chức dạy thêm môn Ngữ văn ở trung tâm với học sinh mà cô đang dạy học chính khóa. Theo Phòng Giáo dục Đào tạo (GDĐT) quận Hai Bà Trưng, đơn vị đã phối hợp với UBND phường Lê Đại Hành có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THCS Vân Hồ và Công ty cổ phần Giáo dục Cham Group, nơi cô giáo của trường dạy thêm. Nhà trường cho biết, cô giáo đã có báo cáo, cam kết với ban giám hiệu về việc tham gia dạy thêm tại Công ty cổ phần Giáo dục Cham Group và có ký hợp đồng để giảng dạy ngoài nhà trường. Sau khi có thông tin phản ánh, cô giáo này đã dừng việc dạy thêm tại cơ sở trên.

Không riêng ở Hà Nội, tại TPHCM thời gian qua cơ quan chức năng cũng phát hiện một số giáo viên thuê địa điểm tại Nhà văn hóa Thanh Đa (quận Bình Thạnh) để dạy thêm các môn văn hóa cho học sinh tiểu học, “núp bóng” lớp luyện chữ đẹp. Như vậy, đã gần hết học kỳ 2 của năm học 2024 - 2025, những vụ việc dạy thêm không đúng quy định vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Luật Nhà giáo dường như vẫn còn “bỏ ngỏ”, chưa có điều khoản cụ thể để quản lý hiệu quả hoạt động dạy thêm, học thêm. ĐBQH Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) nhận định, việc dạy thêm, học thêm là vấn đề được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm. Đặc biệt, thời gian qua khi Thông tư 29 được ban hành cũng ít nhiều gây nên những xáo trộn, hoang mang cho chính các thầy cô giáo và phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật Nhà giáo lại chưa có những điều khoản cụ thể quy định về nội dung này. Mong rằng trong thời gian tới Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và bổ sung một số quy định để vị thế của nhà giáo được thực sự ghi nhận.

Còn ĐBQH Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) nêu một vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm, rằng liệu học sinh có thực sự cần học thêm nếu chương trình giáo dục đủ hợp lý? Tại sao học sinh phải học thêm nếu chương trình và phương pháp giảng dạy trên lớp đã đủ để các em hiểu bài? Từ đó, ông đề nghị Bộ GDĐT cần rà soát lại chương trình và lượng kiến thức hiện hành. Ông Tám cũng bày tỏ lo ngại rằng quy định “cấm ép buộc học thêm dưới mọi hình thức” trong Dự thảo Luật có thể bị hiểu ngầm là cho phép dạy thêm hợp pháp – một vấn đề dễ gây tranh cãi nếu không được làm rõ.

Có một thực tế, đó là tâm lý chung của học sinh và phụ huynh vẫn muốn học thêm với thầy cô đang dạy chính khóa. Vì thế, họ có sự thỏa thuận ngầm với nhau, học sinh chính khóa vẫn đang học thêm với thầy cô của mình nhưng nếu có thanh kiểm tra sẽ nói học thêm miễn phí. Tuy nhiên, hàng tháng phụ huynh vẫn chuyển khoản cho thầy cô dạy thêm thay vì học sinh đóng trực tiếp như trước đây. Một giáo viên dạy THCS tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) nêu quan điểm: Nếu Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 29, nên thực hiện triệt để, tránh kiểu “chuyển từ hình thức dạy thêm này sang hình thức dạy thêm khác” do lách luật như một số hiện tượng vừa qua.

Ngoài việc lên án các thầy cô giáo cố tình dạy thêm sai quy định, các bậc phụ huynh cũng sớm thay đổi nếp tư duy. Tránh ép con đi học thêm cho có phong trào, hoặc đặt kỳ vọng quá nhiều vào một đứa trẻ trong khi con có những thiên hướng/sở trường khác mà chưa được quan tâm đúng mức. Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, khi phụ huynh còn nặng nề thành tích, chưa yên tâm vì con không đi học thêm thì dạy thêm vẫn tồn tại tiêu cực. Để quản lý dạy thêm, học thêm, nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, còn rất cần sự thấu hiểu, vào cuộc, giám sát của phụ huynh và xã hội.

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khi-day-them-bien-tuong-10305594.html
Zalo