Khi đất nở hoa trên tay người
Cách đây hơn 1 năm, vào hồi 16 giờ 12 ngày 29-11-2022 giờ địa phương (tức 22 giờ 12 ngày 29-11-2022 giờ Việt Nam), tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, thủ đô của Vương quốc Maroc, di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là một trong 56 hồ sơ được xem xét trong kỳ họp này. Trong đó không thể không kể đến gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận).
Cách Nha Trang 100 km, vùng đất Phan Rang luôn được tôi chọn lựa để đi và về trong ngày. Và không biết bao nhiêu lần tôi cũng đã đến làng gốm Bàu Trúc. Một làng quê nhỏ, những con đường và ngã rẽ cứ chia ra các lối đi. Là nét đặc trưng của một khu dân cư của người Chăm, gần như không có nhà cao tầng và không có bóng cây cao.
Bàu Trúc được chọn lựa đưa du khách tham quan khi đến Ninh Thuận, và là một điểm du lịch cực kỳ đặc sắc với các sản phẩm gốm của làng nghề cổ xưa đã tồn tại và phát triển hơn 7 thế kỷ từ khi ông bà PôKlông Chang đưa người Chăm từ trên vùng đồi núi về đồng bằng sinh sống. Theo đó, nơi đây nghề gốm được coi như là cổ nhất Đông Nam Á, và bất cứ ai tìm đến không thể không bị quyến rũ bởi các sản phẩm gốm, để rồi mua về cho mình vài món làm kỷ niệm.
Có hai con đường đến Bàu Trúc, con đường đi theo Quốc lộ 1A hướng về TP HCM, hướng thứ hai là rẽ từ Tháp Chàm. Nói chung, thuận lợi nơi nào đi trên con đường đó. Với hơn 100.000 người Chăm sống rải rác trên toàn lãnh thổ Việt Nam, thì Ninh Thuận có tới 50.000 người. Một đặc điểm lạ hơn là huyện Ninh Phước là nơi có tới 40.000 người Chăm sinh sống, chiếm tới 30% dân số ở đây. Do đó, nói đến đặc sản Chăm là tới Ninh Phước.
Như đã nói trên, Ninh Phước hiện là tâm điểm của du khách khi đến Ninh Thuận. Là vùng đất bốn mùa nắng nóng, mặc dù cũng nằm ở ven biển và đang tìm cách khai thác thế mạnh biển của mình, nhưng chính nhờ đặc sản Chăm mà Ninh Thuận đã níu chân được du khách, đó là làng gốm Bàu Trúc nức tiếng và làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp cùng nằm ở huyện Ninh Phước. Sự hấp dẫn của làng gốm Bàu Trúc chính là cách chế tác tạo ra sản phẩm tại đây. Gốm làm ra khá đa dạng, hiện nay theo thị hiếu của khách du lịch cũng đã phôi pha ít nhiều truyền thống "chum vại" để cho ra các tượng nhỏ, tháp Poglong Giarai thu nhỏ, Linga và Yoni… Khi đến các hộ kinh doanh gốm cho du khách, chúng tôi còn gặp những sản phẩm thị trường như các con thú, linh vật hoặc các bình nhỏ trang trí.
Theo giải thích thì gốm Bàu Trúc được làm từ đất sét ven bờ sông Quao. Đất đem về trộn với tỷ lệ cát nhất định, nhào nặn và làm bằng tay, bàn xoay cũng đơn giản. Người thợ phải tự xoay theo thế của đồ vật. Sau khi làm ra, gốm được phun màu bằng nước vỏ trái thị, nung bằng lửa rơm, củi chứ không nung trong lò. Do nướng lửa ngoài trời nên lớp men không đồng màu, tạo ra sự độc đáo của thương hiệu gốm Bàu Trúc.
Cũng biết rằng sự hấp dẫn đối với du khách chính là xem cách làm gốm, cho nên khi khách tới, một người trong nhà sẽ biểu diễn làm gốm cho khách xem. Tất nhiên khách có thể tự mình học cách làm gốm theo sự hướng dẫn của chủ nhân.
Dạo chơi không gian gốm Bàu Trúc, chúng tôi bắt gặp những nghệ nhân làm gốm, và khách chứng kiến được cả một quá trình cho ra một sản phẩm gốm Bàu Trúc. Bên cạnh nhà là đất sét lấy từ sông Quao ngâm nước cho mềm. Đất sét được lấy ra, thêm tỷ lệ nước phù hợp, nhồi thành tảng. Các nghệ nhân lấy đất để lên trụ xoay rồi khéo léo di chuyển quanh, nhanh chóng tạo ra sản phẩm theo ý muốn. Các sản phẩm làm xong sẽ đem ra phơi trong mát cho khô. Có hai cách nung gốm, một cách truyền thống chủ yếu nung các vật nhỏ là nung bằng rơm và củi ngoài trời, cách nung này tạo ra những vệt ám khói rất đẹp. Cách nung thứ hai với các gốm lớn là đưa vào lò nung, giống như lò nung gạch.
Các sản phẩm gốm sau khi nung xong để nguội, phần tiếp theo chính là chỉnh lại những khuyết điểm. Chúng tôi gặp nghệ nhân Huệ Pháp, anh chỉ có công việc là chỉnh lại các khuyết điểm của sản phẩm: chà nhám và trát mát tít, mài lại chỗ thô. Anh Huệ Pháp cho biết, công việc này không đơn giản, mà là một sự tỉ mỉ, để khi gốm được đưa ra trưng bày đã là một sản phẩm hoàn chỉnh.
Ngoài khu vực trưng bày, chế tác, tại Bàu Trúc có một số nhà làm gốm và bán gốm. Ở đây người dân rất hiếu khách, dẫu bạn chỉ tới nhìn ngắm mà chẳng mua gì. Khi bạn mua một sản phẩm gốm, họ sẽ lấy gốm ra phủ lên một lớp cao su non (nếu là bình cắm hoa) cho khỏi bị thấm nước.
Bàu Trúc tất nhiên không chỉ có gốm, ở đây còn là sự thân thiện của người dân. Và chính sự thân thiện ấy đã khiến cho bao người tìm đến.