Khi công nghệ 'viết lại luật chơi' của kinh tế toàn cầu trong kỷ nguyên số

Ngày nay, chúng ta đang sống giữa tâm điểm của một cuộc cách mạng số, nơi công nghệ không còn là một ngành riêng lẻ mà đã trở thành lực lượng cốt lõi định hình nền kinh tế toàn cầu.

Robot hóa khâu lắp ráp sản phẩm. (Ảnh: Vietnam+)

Robot hóa khâu lắp ráp sản phẩm. (Ảnh: Vietnam+)

Từ động cơ hơi nước đến Trí tuệ Nhân tạo (AI), lịch sử đã chứng minh các đột phá công nghệ chính là xương sống cho những bước chuyển mình vĩ đại của kinh tế.

Ngày nay, chúng ta đang sống giữa tâm điểm của một cuộc cách mạng số, nơi công nghệ không còn là một ngành riêng lẻ mà đã trở thành lực lượng cốt lõi định hình nền kinh tế toàn cầu.

Công nghệ đang "viết lại luật chơi" trong cách doanh nghiệp vận hành, quốc gia giao thương và của cải được phân phối, tạo ra những cơ hội tăng trưởng chưa từng có. Nhưng đồng thời, chúng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho cấu trúc xã hội.

Dòng chảy lịch sử của các cuộc cách mạng công nghệ

Để hiểu rõ bối cảnh hiện tại, cần nhìn lại dòng chảy lịch sử của những đột phá công nghệ trước đây.

Cuộc hành trình này bắt đầu từ Cách mạng Công nghiệp vào cuối thế kỷ 18, tạo ra một bước ngoặt lịch sử khi chuyển đổi từ lao động thủ công sang sản xuất bằng máy móc. Chính sự thay đổi này đã mở ra kỷ nguyên của hiệu suất cao và sản xuất hàng loạt.

Tiếp đó, sự ra đời của công nghệ truyền thông như điện báo và điện thoại đã xóa nhòa khoảng cách địa lý, cho phép doanh nghiệp kết nối tức thì với nhà cung cấp và khách hàng trên toàn cầu. Thế kỷ 20 đã thúc đẩy xu hướng này với sự ra đời của máy tính cá nhân và internet, giúp tự động hóa các quy trình nội bộ và mở ra những kênh tương tác mang tính đột phá với khách hàng.

Và sự bùng nổ của thương mại điện tử với những “gã khổng lồ” như Amazon và Alibaba đã thực sự san phẳng sân chơi, cho phép các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể vươn ra cạnh tranh toàn cầu mà không bị giới hạn bởi không gian vật lý.

Trong kỷ nguyên số ngày nay, các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và Instagram trở thành cầu nối trực tiếp, giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tương tác với khách hàng theo thời gian thực.

Giờ đây, thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc chuyển đổi kế tiếp, đó là Trí tuệ Nhân tạo (AI). AI - đặc biệt là AI tạo sinh, được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa mọi lĩnh vực, từ dịch vụ khách hàng, sáng tạo nội dung đến phân tích dữ liệu phức tạp, phá vỡ mọi giới hạn đã biết trong nền kinh tế số.

 (Ảnh: AFP/TTXVN)

(Ảnh: AFP/TTXVN)

Công nghệ: Đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế hiện đại

Trong thế giới hiện đại, công nghệ chính là đòn bẩy cho tăng trưởng và năng suất. Các tiến bộ kỹ thuật số, từ điện toán đám mây đến phân tích dữ liệu nâng cao, đã trao quyền cho doanh nghiệp để tối ưu hóa hoạt động, cắt giảm chi phí và đổi mới với tốc độ chóng mặt. Ví dụ, điện toán đám mây đã thay đổi việc lưu trữ và xử lý dữ liệu, cho phép các doanh nghiệp tiếp cận nguồn sức mạnh tính toán khổng lồ mà không cần đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng vật lý. Sự linh hoạt này giúp các công ty mở rộng quy mô nhanh chóng và thích ứng linh hoạt với những thay đổi của thị trường.

Bên cạnh đó, phân tích dữ liệu nâng cao mang lại lợi thế cạnh tranh sắc bén. Trong kỷ nguyên dữ liệu lớn, khả năng "giải mã" các tập dữ liệu khổng lồ giúp doanh nghiệp thấu hiểu hành vi khách hàng và nắm bắt xu hướng thị trường, từ đó đưa ra các chiến lược dựa trên dữ liệu chính xác.

Tác động của AI, đặc biệt là AI tạo sinh, được dự báo sẽ vô cùng lớn. Một nghiên cứu gần đây của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey chỉ ra rằng các ứng dụng như ChatGPT và Midjourney có thể đóng góp từ 2.600-4.400 tỷ USD/năm cho kinh tế toàn cầu. Khi được tích hợp sâu vào quy trình làm việc, công nghệ này có thể giúp tăng năng suất lên đến 40%.

Theo nhận định của bà Anna Katariina Wisakanto, một nhà tư vấn kỹ thuật số tại McKinsey, AI tạo sinh sẽ là một công cụ thiết yếu để tăng năng suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quan điểm này được củng cố với báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey, trong đó dự báo rằng quá trình số hóa nói chung có thể đóng góp thêm 3.000 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu vào năm 2030.

Bài toán kép cho thị trường lao động

Trong khi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, công nghệ cũng đang định hình lại sâu sắc thị trường lao động toàn cầu và tạo ra một bài toán kép phức tạp: vừa thay thế việc làm cũ, vừa tạo ra những vai trò mới. Tự động hóa và AI ngày càng có khả năng thực hiện các công việc từng do con người đảm nhiệm, làm dấy lên những lo ngại về an ninh việc làm, đặc biệt trong các lĩnh vực như sản xuất và vận tải.

Một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo tự động hóa có thể thay thế 85 triệu vị trí việc làm vào năm 2025, nhưng đồng thời cũng sẽ tạo ra 97 triệu vị trí trong vai trò mới, chủ yếu trong các lĩnh vực như phân tích dữ liệu, phát triển phần mềm và nghiên cứu AI.

 Người dân tham gia một hội chợ việc làm. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân tham gia một hội chợ việc làm. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sự chuyển dịch này cho thấy một thách thức cốt lõi: các cơ hội mới đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng số và trình độ cao hơn, tạo ra một khoảng trống kỹ năng tiềm tàng mà xã hội cần giải quyết thông qua giáo dục và nâng cao tay nghề liên tục.

Sự phát triển của nền kinh tế Gig (mô hình kinh tế trong đó các công việc tạm thời, linh hoạt và tự do trở nên phổ biến) với các nền tảng như Uber và Upwork, cũng làm phức tạp thêm bức tranh của thị trường việc làm toàn cầu. Mặc dù mang lại sự linh hoạt, các nền tảng này thường thiếu sự đảm bảo việc làm và các phúc lợi truyền thống của các công việc toàn thời gian truyền thống. Chúng làm dấy lên các cuộc tranh luận về bản chất của công việc trong thời đại số và sự cần thiết của các cải cách chính sách để bảo vệ người lao động.

Thúc đẩy thương mại và đổi mới sáng tạo toàn cầu

Công nghệ đã tạo ra một cuộc cách mạng trong thương mại toàn cầu, phá vỡ các rào cản vật lý và thúc đẩy thương mại quốc tế ở mức độ chưa từng có. Các nền tảng thương mại điện tử cho phép doanh nghiệp thuộc mọi quy mô tiếp cận thị trường thế giới, trong khi các sáng kiến về công nghệ tài chính (fintech) đã giúp các giao dịch xuyên biên giới trở nên nhanh hơn, rẻ hơn và an toàn hơn.

Sự trỗi dậy của các chuỗi giá trị toàn cầu là minh chứng rõ nét cho quá trình số hóa này, nơi các công đoạn sản xuất được phân bổ trên khắp thế giới. Một chiếc điện thoại thông minh có thể được thiết kế ở Mỹ, lắp ráp ở Trung Quốc và bán ở châu Âu. Sự kết nối này đã thúc đẩy hội nhập kinh tế và giúp các quốc gia đang phát triển có cơ hội tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Hơn hết, việc hạ thấp rào cản gia nhập thị trường đã tiếp lửa cho tinh thần khởi nghiệp, cho phép các công ty non trẻ có thể bắt tay kinh doanh với chi phí tối thiểu và vươn tới khách hàng trên toàn thế giới.

Mặt trái của sự phát triển

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, những bước phát triển vượt bậc của công nghệ cũng mang đến một mặt trái: sự gia tăng bất bình đẳng. Các tiến bộ công nghệ đã mang lại lợi ích không tương xứng cho những người lao động có tay nghề cao ở các nền kinh tế phát triển, làm gia tăng khoảng cách thu nhập giữa họ và những người lao động kỹ năng thấp có công việc dễ bị tự động hóa thay thế nhất. Điều này đã dẫn đến sự tập trung của cải tại các trung tâm công nghệ như Thung lũng Silicon và trong tay các "gã khổng lồ" công nghệ như Google và Apple.

Trên bình diện quốc tế, khoảng cách về ứng dụng công nghệ số vẫn là một thực tế đáng lo ngại. Trong khi một số quốc gia đang phát triển, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, đã tận dụng thành công công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhiều quốc gia khác vẫn bị tụt hậu do cơ sở hạ tầng yếu kém, khả năng tiếp cận internet hạn chế và trình độ dân trí thấp. Việc thu hẹp khoảng cách này là điều cần thiết để đảm bảo các cơ hội của nền kinh tế số được phân phối một cách công bằng hơn trên toàn thế giới.

Không thể phủ nhận công nghệ là động lực của nền kinh tế toàn cầu hiện đại, giúp thúc đẩy năng suất, định hình lại các ngành công nghiệp và kết nối các thị trường theo những cách không thể tưởng tượng trước đây. Tuy nhiên, con đường này không chỉ trải hoa hồng.

Khi công nghệ định hình lại thị trường lao động và vẽ lại các đường biên của thương mại toàn cầu, nó cũng mang đến những thách thức về bất bình đẳng và dịch chuyển xã hội. Để định hướng trong kỷ nguyên mới này, cần có nỗ lực chung từ các chính phủ, doanh nghiệp và mỗi cá nhân để đón nhận sự đổi mới, thúc đẩy học hỏi không ngừng và thực thi các chính sách nhằm đảm bảo những lợi ích to lớn của công nghệ được chia sẻ cho tất cả mọi người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/khi-cong-nghe-viet-lai-luat-choi-cua-kinh-te-toan-cau-trong-ky-nguyen-so-post1049983.vnp
Zalo