Khi con trẻ yêu sớm: Hiểu để đồng hành, thay vì phán xét

Lời dạy trong Kinh Tăng Chi Bộ: 'Vui thích dục vọng, chính là dây trói buộc khó thoát ra'. Khi tâm chưa được rèn luyện trong chính niệm và chính tư duy, những cảm xúc mãnh liệt nhưng thiếu nền tảng chính kiến sẽ dễ trở thành nguồn gốc của khổ đau.

Tác giả: Nguyễn Thúy Uyên -Trường Đại học Thủ Đô

Trong guồng quay của xã hội hiện đại, chuyện con trẻ bước vào yêu đương từ lứa tuổi còn đang cắp sách đến trường không còn là điều xa lạ. Tuy nhiên, tình yêu tuổi học trò, đặc biệt ở bậc trung học cơ sở, vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi, đòi hỏi cái nhìn khách quan, tỉnh táo, không chỉ từ phía nhà trường, gia đình mà cả cộng đồng.

Khi cảm xúc vượt trước lý trí và hệ lụy

Tuổi dậy thì là giai đoạn đánh dấu bước ngoặt trong sự phát triển thể chất và tâm lý của thanh thiếu niên. Cùng với sự thay đổi về sinh lý là sự hình thành ý thức cá nhân và nhận thức xã hội, mở đầu cho những rung động đầu đời, đặc biệt là với người khác giới. Đây là hiện tượng tâm lý tự nhiên trong tiến trình trưởng thành, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu thiếu định hướng phù hợp từ gia đình và nhà trường.

Thực tế cho thấy, tình cảm tuổi học trò thường được lý tưởng hóa một cách lãng mạn và cảm tính, khi năng lực nhận thức còn chưa đủ để phân định giữa thiện cảm trong sáng và tình yêu đích thực. Không ít trường hợp, vì không làm chủ được cảm xúc, các em rơi vào trạng thái bất ổn tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập và các mối quan hệ xã hội, thậm chí xuất hiện các hành vi tiêu cực như trầm cảm, bỏ học, bỏ nhà đi hoặc có hành động nguy hiểm tới tính mạng.

Yêu sớm thường không giữ được lâu bền, thiếu hứa hẹn, đa số là không có kết quả. Yêu sớm thường không có sự lựa chọn của lý trí, thêm vào đó là những ảo tưởng và xung động tình cảm, thường dễ tạo ra cuồng nhiệt và sự mê muội quá độ, do đó ảnh hưởng đến học tập, về điểm này thể hiện ở các bạn gái rõ ràng hơn. Yêu sớm khi gặp những trắc trở như tình cảm thay đổi, cãi cọ, chia cách dễ nảy sinh những hành động quá đà như tự tử, trả thù, bỏ nhà đi hoặc mắc chứng trầm uất vì tình.

Yêu sớm xảy ra vào thời kỳ xáo động tâm lý tuổi dậy thì, do một loại ý thức tình yêu mơ hồ chi phối. Các bạn trẻ ở thời kỳ này còn thiếu kiến thức và lý trí cần cho một tình yêu, khả năng tự kiềm chế còn yếu, có thể trong một tình huống nào đó vội vàng hấp tấp, thậm chí dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như có mang, hoặc phá thai.

Chính vì vậy, các bậc phụ huynh và thầy cô giáo luôn lo lắng về vấn đề này là hoàn toàn có cơ sở.

Ảnh minh họa (sưu tầm).

Ảnh minh họa (sưu tầm).

Tình yêu sớm: Cấm đoán hay đồng hành?

Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, vấn đề tình cảm ở lứa tuổi học trò không nên được nhìn nhận như một hiện tượng lệch chuẩn cần ngăn chặn tuyệt đối, mà cần được tiếp cận bằng thái độ khoa học và nhân văn. Tâm lý mến mộ, thiện cảm với người khác giới là một biểu hiện bình thường trong quá trình phát triển nhân cách vị thành niên.

Việc quy chụp mọi tương tác giữa nam và nữ tuổi học trò là “yêu sớm” không chỉ thiếu công bằng, mà còn dễ gây tổn thương, làm gián đoạn sự hình thành nhân sinh quan lành mạnh ở các em.

Vấn đề không nằm ở việc “cấm hay không cấm”, mà ở cách người lớn, đặc biệt là phụ huynh và giáo viên lựa chọn phương thức đồng hành như thế nào. Thay vì răn đe hay kiểm soát cảm xúc bằng quyền lực, cần hướng đến vai trò người bạn lắng nghe, định hướng bằng sự thấu hiểu và lòng từ ái.

Một môi trường giáo dục tích cực là nơi các em được trang bị kiến thức giới tính một cách khoa học, đồng thời nuôi dưỡng được giá trị đạo đức thông qua lối sống hiểu biết, có trách nhiệm.

Phật giáo gọi đây là biểu hiện của tàm quý – biết hổ thẹn với điều sai trái và tôn trọng phẩm giá của bản thân cũng như người khác. Khi một học sinh biết giữ gìn giới hạnh, ứng xử chừng mực trong các mối quan hệ, đó không chỉ là biểu hiện của đạo đức cá nhân, mà còn là sự thực hành chính mạng tức là sống đúng đắn, lành mạnh, không gây hại cho mình và người.

Ngược lại, nếu xã hội chỉ chăm chăm vào việc cảnh báo hậu quả mà thiếu đi định hướng cụ thể để trẻ rèn luyện năng lực tự chủ, thì sự giáo dục đó dễ rơi vào trạng thái “vọng ngữ” – lời nói không đi đôi với hành động, không gợi mở được con đường chuyển hóa.

Ảnh minh họa (sưu tầm).

Ảnh minh họa (sưu tầm).

Một hệ lụy nữa cần được nói đến đó là sự thiếu hiểu biết trong tình cảm đầu đời có thể làm lệch hướng nhận thức giới tính. Việc yêu sớm khi thiếu nền tảng giáo dục giới tính và cảm xúc đúng đắn có thể khiến trẻ dễ hình thành những nhận thức sai lệch về mối quan hệ giữa các giới, hoặc hiểu lầm về vai trò và giá trị của bản thân trong tình yêu.

Phật giáo không xem trọng hay kỳ thị bất kỳ xu hướng giới nào, điều quan trọng là mỗi người – dù mang giới tính hay xu hướng tính dục nào – đều cần học cách yêu thương bằng hiểu biết và từ bi.

Khi một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục có chính kiến và lòng cảm thông, các em sẽ phát triển nhận thức giới và tình cảm một cách hài hòa, lành mạnh – không vì sợ hãi hay ràng buộc, mà vì hiểu được bản thân là ai và mình có thể sống thế nào để hạnh phúc và không gây khổ đau cho người khác.

Hành trình trưởng thành trong tình yêu tuổi mới lớn

Tình yêu, tự bản chất, không có lỗi. Điều cần được nhận diện rõ là tình yêu chỉ thật sự có ý nghĩa khi được nâng đỡ bởi nhận thức đúng đắn và tinh thần trách nhiệm.

Trong hành trình làm cha mẹ, làm thầy cô, câu hỏi quan trọng không phải là “Làm sao để con không yêu sớm?” mà là “Làm sao để con hiểu đúng về tình yêu?

Hãy dạy con không chỉ bằng lời, mà bằng sự hiện diện có chính niệm, bằng tình thương không điều kiện và một niềm tin sâu sắc vào khả năng vươn lên của tâm thức. Bởi mỗi đứa trẻ, nếu được nuôi dưỡng bằng hiểu biết và từ bi, sẽ học được cách yêu thương chính mình, yêu thương mọi người xung quanh và vững chãi giữa dòng đời.

Tác giả: Nguyễn Thúy Uyên -Trường Đại học Thủ Đô

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/khi-con-tre-yeu-som-hieu-de-dong-hanh-thay-vi-phan-xet.html
Zalo