Khi con quái vật thoát án tử

Con quái vật đội lốt người của vụ án mạng sau đây đã thoát được án tử hình nhờ sự ân xá của Thủ tướng Anh. Lòng tốt này đã vấp phải sự phản đối dữ dội của dư luận. Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là ông Asquith cũng đánh mất đi lòng tín nhiệm của người dân. Nền tư pháp trong nước nhà bị đặt dấu chấm hỏi về sự nghiêm minh và tính công bằng.

Sự việc xảy ra vào ngày 31/1/1907, khi bà Germaine, sống tại khu nhà số 87 Rue Saint-Andrew, đi trên phố thì tình cờ gặp một người đàn ông mà mình có quen biết tên là Albert Soleilland, gã năm nay hai mươi sáu tuổi và mới cưới vợ trong thời gian gần đây. Người đàn ông tên Soleilland này là con trai của một gia đình giàu có nức tiếng trong vùng mà bà Germaine được thuê làm quản gia trong gia đình đó.

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Soleilland hồ hởi chạy đến hỏi thăm bà và đột nhiên ngỏ lời:

- Hai vợ chồng tôi chuẩn bị đi xem hòa nhạc ở rạp hát thành phố London. Bé Marthe nhà bà có muốn đi cùng không?

Vợ chồng bà Germaine hiếm muộn, nhưng may mắn được trời thương, khi tuổi gần về già thì sinh được một cô con gái đặt tên là Marthe, cô bé lúc đó mới mười một tuổi. Ban đầu, bà Germaine từ chối vì nghĩ dắt kè kè đứa bé bên cạnh thì đôi vợ chồng làm gì còn không gian riêng tư dành cho nhau nữa chứ. Nhưng Soleilland cứ khăng khăng nhất định vợ gã sẽ rất vui khi có bé Marthe đi cùng. Giống như gia đình ba người đi xem hát ấy mà, Soleilland nói thêm.

Nghĩ đi nghĩ lại, bà Germaine chẳng có lý do gì để từ chối việc cho con gái mình đi xem hát cùng người đàn ông này cả. Hai vợ chồng Soleilland rất thân thiết với bé Marthe, riêng cô vợ lúc nào gặp cũng cho con bé kẹo. Con bé cũng quý cô chú lắm. Thêm nữa, bà quen biết Soleilland từ khi gã còn là một cậu nhóc nên coi gã chẳng khác gì người nhà. Cuối cùng bà Germaine yên tâm giao con gái Marthe cho gã, lúc Soleilland tới nhà đón con gái đi xem hòa nhạc, bà Germaine đứng từ trên ban công tiễn cả hai và hô to:

- Tạm biệt, hai chú cháu xem nhạc vui vẻ nhé!

Thế rồi vào lúc năm giờ chiều cùng ngày, Albert Soleilland đến chỗ Germaine một mình và hỏi Marthe đã về nhà chưa. Bà Germaine mới hoảng hốt hỏi:

- Chưa, con bé chưa về. Nhưng nó đi với anh chị cơ mà, đã có chuyện gì xảy ra sao?

- Hai vợ chồng chúng tôi đưa cháu tới rạp xem hát, khi đã ổn định chỗ ngồi rồi quay sang không biết từ lúc nào không thấy Marthe đâu nữa. Tưởng con bé thấy chán nên tự bỏ về trước rồi chứ?

Nghe vậy, bà mẹ ngay lập tức chạy đến rạp hát thành phố London để tìm con gái. Vừa đúng lúc kết thúc buổi hòa nhạc nên một đám đông đang đi ra, trong dòng người, bà không thể tìm được Marthe.

Lúc đó, bà Germaine ngay lập tức chuyển mối nghi ngờ sang Soleilland, cho rằng gã đang nói dối và tra hỏi gã. Thế nhưng gã vẫn một mực chối bỏ, đáp lại bằng câu trả lời tương tự. Cuối cùng Soleilland đến đồn Cảnh sát với bà Germaine và trình báo về việc Marthe bị mất tích. Ở đồn gã cũng khăng khăng rằng mình đã để lạc mất cô bé ở rạp hát thành phố London.

Đêm hôm ấy, với vẻ mặt vô cùng lo lắng không biết là thật hay giả, Soleilland nhiệt tình cùng đi tìm bé Marthe giúp bà Germaine đang trong trạng thái hoảng loạn. Tuy nhiên, ngày hôm sau gã đã bị Cảnh sát phát lệnh tạm giữ. Trong phòng thẩm vấn, Cảnh sát đưa ra những câu hỏi chi tiết, buộc Soleilland phải nói chính xác gã đã đi đâu, khi nào và làm gì vào thời điểm để lạc Marthe. Những lời nói đầy mâu thuẫn của gã bắt đầu khiến Cảnh sát nghi ngờ. Và lẽ dĩ nhiên, sở Cảnh sát ngay lập tức tiến hành một cuộc điều tra nghiêm túc xoay quanh Soleilland.

Kết quả điều tra về các mối quan hệ xung quanh đối tượng cho thấy, Soleilland đã từng có tiền án lạm dụng trẻ em. Trước khi kết hôn, gã có thời gian sống chung với một cô gái hành nghề mại dâm và chu cấp tiền bạc, chỗ ở cho người phụ nữ đó. Soleilland bị kết án tù tám tháng vì can tội lạm dụng tình dục em gái của cô ta. Ngoài ra, Cảnh sát còn nhận được thông tin của một nhân chứng cho biết khoảng hai giờ chiều, ngày 31/1, theo như lời khai trước đó, lẽ ra gã và bé Marthe phải đang ở rạp hát thành phố London nhưng thời điểm này người làm chứng lại thấy Soleilland dẫn cô bé tới nhà của gã. Đến đây, mọi sự nghi ngờ hướng về phía Soleilland lại càng sâu sắc hơn nên ngày 3/2, dù chưa có bằng chứng thuyết phục nhưng lệnh bắt giữ đã được Giám đốc sở Cảnh sát ban hành.

Khi bị bắt, Soleilland đã thốt ra một câu như lời thú tội: “Cuối cùng thì các người cũng tìm ra con bé đó rồi hả?”. Lúc đầu gã vẫn phủ nhận nhưng sau nhiều giờ tra khảo mệt nhọc cùng những đòn tấn công đánh vào phòng tuyến tâm lý, cuối cùng gã bắt đầu thú nhận một phần sự thật. Soleilland đã đưa Marthe về nhà mình sau khi tới đón cô bé ở nhà bà Germaine, nhưng khi ấy vợ gã đi vắng nên Marthe đã sợ hãi và khóc lóc đòi vợ gã cùng đi đến buổi hòa nhạc. Bực mình vì tiếng khóc ré khó chịu của Marthe, Soleilland đã mất kiểm soát và vô thức túm lấy cổ Marthe, khi lấy lại được bình tĩnh cũng là lúc gã thấy cô bé đã tắt thở tự lúc nào. Để xử lý sự việc lỡ làng, Soleilland lấy vải bọc thi thể Marthe lại, chở đến nhà ga phía Đông và nhét cái xác vào chỗ hành lý ký gửi. Cơ quan điều tra ngay lập tức khám xét khu vực gửi hành lý ký gửi ở nhà ga phía Đông và nhanh chóng phát hiện bọc vải màu xám chứa thi thể của Marthe Germaine.

Hai ngày sau, một cuộc khám nghiệm tử thi được tiến hành, nhưng kết quả thật sự rất tàn bạo, hoàn toàn không hề giống như lời thú nhận của Soleilland. Xung quanh vùng cổ nạn nhân có vết tụ máu, đó chính là dấu hiệu bị siết, ở trên ngực có một vết cắt sâu khoảng 11cm và trái tim bên trong bị đâm thủng. Dựa trên những bằng chứng khám nghiệm, Cảnh sát suy ra trên thực tế Soleilland đã đánh đập Marthe, sau đó bóp cổ rồi đâm vào ngực cô bé. Trong cuộc thẩm vấn, gã kiên quyết khẳng định rằng tội ác được thực hiện khi bản thân không tỉnh táo bởi lẽ gã không nhớ gì về việc đã hành hung cô bé.

Một vụ hành hung khác của Soleilland cũng được làm sáng tỏ. Tháng Ba năm 1901, gã đã tấn công một phụ nữ hai mươi hai tuổi tên là Jeriya Blumar. Hôm đó, Soleilland lân la bắt chuyện và thành công dụ được cô ta vào phòng, gã khóa cửa phòng rồi đột nhiên lao tới hành hung cô. Gã đẩy Brumar ngã xuống sàn và khiến cô chảy máu miệng. Đó là những hành động nhằm mục đích khống chế nạn nhân và sau cùng là ý định thực hiện hành vi cưỡng bức đối với cô gái. Blumar giả vờ ngoan ngoãn nghe theo lời của gã, khi nhìn thấy sơ hở của đối phương, cô gái vùng dậy và nhanh chóng thoát thân.

Các hành động của gã đối với Marthe cũng tương tự như trong trường hợp trên. Đầu tiên Soleilland dùng dao đe dọa, bắt bé gái phải giữ im lặng. Nhưng vì quá sợ hãi, Marthe đột nhiên hét lên, điều này nằm ngoài dự tính của gã. Lo rằng tiếng kêu sẽ bị người ngoài nghe thấy, gã liền vội vàng bóp cổ cô bé.

Ngày 2/7/1907, phiên tòa xét xử Soleilland được mở ra ở tòa án trọng tội. Dáng vẻ ngông nghênh của gã ở ghế bị cáo gây cho bồi thẩm đoàn cảm giác giống như một con quái vật không biết sợ hãi cái chết. Để chứng minh rằng trạng thái tinh thần của gã là vô cùng tỉnh táo trong quá trình thực hiện tội ác, công tố viên đã triệu tập người nhân viên phục vụ trên chuyến tàu chở thi thể của Marthe đứng ra làm chứng: “Nhìn thấy người đàn ông này xách một túi vải lớn, tôi nghĩ anh ta là người làm phụ việc mang thịt ở chợ tới. Lúc đó tôi mới hỏi xem có thịt bò ở trong đó hay không, tuy nhiên anh ta bảo đây là thịt lợn”. Bất chấp tất cả mọi bằng chứng được đưa ra, gã vẫn phủ nhận và nói rằng không hề có chút ký ức nào về những việc này. Nói cách khác, gã khăng khăng những hành vi đó hoàn toàn là hành vi trong vô thức.

Viện trưởng Viện Kiểm sát chỉ ra mọi tình tiết gián tiếp liên quan đến vụ án giết người chống lại gã. Ông ta đánh giá rằng chưa từng có tên tội phạm nào mang dã tâm khủng khiếp như vậy. Gã đáng bị tuyên án tử hình.

Ngay khoảnh khắc đó, từ góc trong phòng xử án vang lên tiếng hét như xé lụa:

- Hãm hiếp một đứa bé ư? Đồ thú vật vô nhân tính. Các người hãy để tự tay tôi giết hắn đi! - Chủ nhân của tiếng hét đó là vợ của Soleilland. Tuy nhiên như đã nói ở trên, Soleilland được ân xá giảm tội, dù không bị tử hình nhưng gã vẫn phải ngồi tù.

Giám đốc sở Cảnh sát thành phố London, Monsieur Moran, đã đưa ra lời châm biếm về vụ án này: “Tên tội phạm Soleilland đã may mắn thoát án tử hình, và hiện tại vẫn đang nhởn nhơ sống rất yên bình trong bốn bức tường nhà tù. Điều này sẽ làm thỏa mãn những kẻ có tư tưởng muốn xóa bỏ án tử hình”.

Hiếu Văn (dịch)

Ruth Rendell (Anh)

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/khi-con-quai-vat-thoat-an-tu-i739987/
Zalo