Khi chất liệu dân gian bước vào phim kinh dị Việt

Cuối tháng 9/2024, 'Cám', bộ phim thuộc thể loại kinh dị giật gân, được chuyển thể từ truyện cổ tích 'Tấm Cám' chính thức ra rạp. Những năm gần đây, chất liệu dân gian dần trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà làm phim kinh dị khai thác, ươm mầm. Dẫu còn nhiều thử thách, đây vẫn là một tín hiệu tích cực và nhiều hy vọng.

Hướng khai thác mới từ câu chuyện cũ

“Tấm Cám” được ví như tượng đài của văn học dân gian. Vào năm 2016, điện ảnh Việt xuất hiện phiên bản lãng mạn mang tên “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” của đạo diễn Ngô Thanh Vân, thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng khi thay đổi nội dung cốt truyện cùng việc xây dựng bối cảnh mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống bằng ngôn ngữ điện ảnh.

6 năm sau, truyện cổ tích “Tấm Cám” một lần nữa tái xuất trên màn ảnh. So với “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, câu chuyện của “Cám” năm 2024 vẫn bám sát cốt truyện gốc với các nhân vật đã có sẵn, nhưng theo lối kể chuyện mang màu sắc tâm linh, quỷ dị đậm tính dân gian.

Các chất liệu dân gian, tín ngưỡng sinh hoạt truyền thống hiện lên gần gũi và ám ảnh ở từng thước phim trong "Tết ở làng địa ngục".

Các chất liệu dân gian, tín ngưỡng sinh hoạt truyền thống hiện lên gần gũi và ám ảnh ở từng thước phim trong "Tết ở làng địa ngục".

Khi đã quá nhàm tẻ với những thước phim anh hùng kiểu mẫu, hậu truyện về tuyến nhân vật phản diện lại được khán giả quan tâm. Hollywood với “Draco Malfoy” (Harry Potter), “Tiên Hắc Ám Maleficent” (truyện “Người đẹp ngủ trong rừng”), ác quỷ Dracula, Loki, Harley Quinn, hay gã hề Joker đã khơi gợi sự đồng cảm, chiếm được tình cảm của người xem qua việc khai thác, phát triển những câu chuyện quen thuộc theo màu sắc tối tăm và lý giải quá trình “hắc hóa” khiến một người thiện lương dần tha hóa thành quỷ dữ.

Trong hồi ức và tưởng tượng của đa số người dân Việt Nam về cổ tích "Tấm Cám", Tấm là nhân vật đại diện cho chân - thiện - mỹ với dung mạo xinh đẹp, tính nết hiền lành, chân chất; còn mẹ con Cám là đại diện cho cái xấu, cái ác, với diện mạo xấu xí, tính tình gian xảo. Để cuối cùng, sau bao tranh đấu liên hồi, cái thiện luôn giành chiến thắng trước cái ác tàn độc.

Khác với mô típ thường gặp, trong phiên bản điện ảnh kinh dị, đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân đã làm rõ sự đối lập giữa Tấm và Cám trong nửa đầu bộ phim. Cám (Lâm Thanh Mỹ đóng) từ khi sinh ra đã mang khuôn mặt xấu xí, bị chính mẹ ruột (Thúy Diễm) đối xử tệ bạc, dân làng thì xem cô như quái vật và là nỗi ô nhục của gia tộc. Đối lập với cô em gái cùng cha khác mẹ, chị Tấm (Rima Thanh Vy) lại là trưởng nữ tài sắc vẹn toàn, luôn được yêu thương chiều chuộng, và là niềm kiêu hãnh của cha cô - Lý trưởng Hai Hoàng (Quốc Cường). Cuộc sống của chị em Tấm, Cám ở hai thái cực trái ngược là thế, song họ vẫn yêu thương và đùm bọc nhau, cho đến khi sự kiện chính ập đến, Cám bị dồn đuổi vào đường cùng khiến “giọt nước tràn ly”.

Có thể nói, tác phẩm đã góp phần hóa giải cái nhìn xưa cũ của dân gian về nhân vật Cám, khiến cô có một cuộc đời, một số phận, một dòng tâm trạng tương đối rõ nét. Cám không còn là nhân vật phản diện đơn thuần trong cổ tích mà là một cô gái đáng thương, có nội tâm phức tạp, bị người đời ghẻ lạnh, xa lánh. Bằng việc đào sâu vào quá trình “hắc hóa” của nhân vật Cám, từ một thiếu nữ hiền lành, cam chịu đến khi biến thành ác quỷ lòng đầy căm hận, phim đã xây dựng một quá trình phát triển tâm lý nhân vật thuyết phục, mang lại những trải nghiệm điện ảnh hoàn toàn mới mẻ ở dòng phim kinh dị Việt.

Chất liệu độc đáo từ kho báu “dân gian”

Điện ảnh có muôn vàn ngã nẻo để hình thành nên những tác phẩm đầy sức hút. Các tác phẩm khai thác chất liệu từ văn học dân gian luôn trở thành một hướng đi đầy hứa hẹn. Bởi lẽ ở đó chứa đựng những cốt truyện, cấu tứ, nhân vật kinh điển, những yếu tố văn hóa ngàn đời, trở thành nguồn cảm hứng, chất liệu của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau.

Việt Nam sở hữu nguồn tư liệu văn hóa dân gian dồi dào. Những câu chuyện được truyền tai bao đời về Ma Da, Ma Dai, Linh Miêu, Linh Cẩu, ông Ba Bị, Thần Trùng, Quỷ nhập tràng, Chó đội nón mê… phủ bóng lên một thế giới tâm linh ma mị và quỷ dị, rợn ngợp và u ám, mở ra cánh cửa đầy hứa hẹn cho các nhà làm phim. Sau thành tích ấn tượng của “Chuyện ma gần nhà” (2022), “Quỷ cẩu” (2023), “Tết ở làng địa ngục” (2023), “Kẻ ăn hồn” (2023), “Ma da” (2024)... và mới nhất là phim “Cám” ra rạp vào cuối tháng 9/2024 vừa qua, màn ảnh Việt đang có sự khởi sắc trở lại theo một phong cách mới, lấy chất liệu dân gian, mang đậm nét văn hóa bản địa làm mạch nguồn sáng tạo.

Từ một “Bắc Kim Thang” ma mị với các yếu tố quỷ dị trong truyền thuyết đô thị ở bài dân ca đậm chất miền Tây về “chú bán dầu” và “chú bán ếch”. Một “Tết ở làng địa ngục” lẩn khuất vẻ u ám, tịch mịch của tiếng khóc thê lương, mùi tử khí tanh nồng quẩn vào trong gió mỗi độ xuân về ở “làng địa ngục”, nơi hậu duệ của một băng cướp khét tiếng ẩn thân. Một “Kẻ ăn hồn” ám ảnh với những bài vè - loại hình diễn xướng quen thuộc trong văn hóa dân gian Việt Nam - được lưu truyền nhiều đời hé lộ nhiều phân cảnh man rợ, quỷ dị. Đến một “Quỷ cẩu” với chuyện “Chó đội nón mê” báo điềm gở như gia đình có người già sắp mất hoặc bị suy thoái về đạo đức, chất liệu dân gian dường đã được mở khóa.

Khung hình mang đậm bối cảnh miền Tây trong phim "Bắc Kim Thang".

Khung hình mang đậm bối cảnh miền Tây trong phim "Bắc Kim Thang".

Sự đầu tư nghiêm túc về mặt kinh phí; chỉn chu ở nội dung kịch bản, tuyến nhân vật; bối cảnh; hóa trang đặc biệt cho từng nhân vật trong mỗi phân cảnh; âm nhạc dân gian được sử dụng hiệu quả và đắt giá… khiến các tác phẩm tạo được ấn tượng trong lòng công chúng. Đâu đó hình ảnh đom đóm câu hồn, con đò chở vong, tập tục thả cá chép trong ngày ông Công ông Táo, các bài đồng dao ma mị,... bất ngờ xuất hiện mang đến cảm giác sợ hãi cho khán giả trong từng thước phim.

Bối cảnh kinh dị cổ trang cũng là một điểm cộng lớn, ít xuất hiện trên màn ảnh Việt. Làng Hương nên thơ với những cảnh quay đầy tính nghệ thuật về nghề làm hương truyền thống cùng những chi tiết văn hóa dân gian ở các cảnh hội đình như cờ người, đấu vật, lễ thả thiên đăng. Từng bến chợ mái đình, ao sen giếng nước, từng mái ngói nhà tranh, kiến trúc nhà Việt, từng chiếc áo tứ thân, ngũ thân, giao lĩnh… đều gợi lên một không gian đậm chất Việt trong “Cám”. Vừa gần gũi, thân quen trong bối cảnh, phục trang, vừa độc đáo mới mẻ trong cách khai thác cốt truyện, phim kinh dị Việt đang kể những câu chuyện mang dấu ấn văn hóa bản địa độc nhất chứ không phải sự sao chép bất kỳ hình tượng kinh dị phổ biến nào của điện ảnh thế giới.

Những hạt sạn còn tồn đọng

Kinh phí sản xuất thấp, phim kinh dị là dòng phim thường không được đánh giá cao ở các tác phẩm kỳ ảo.

Ngoài câu chuyện doanh thu trăm tỷ của các phim kinh dị chiếu rạp, “Quỷ cẩu” vừa đoạt giải Phim hay nhất (Best Feature Film) tại LHP Kanazawa 2024. Việc các nhà làm phim thừa thắng xông lên, tiếp tục sản xuất phim kinh dị lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn. Bởi lẽ, đây là “nguyên liệu cao cấp”, nếu có cách kể tốt sẽ khiến cho câu chuyện trở nên rùng rợn, đáng sợ, chinh phục được công chúng. Song, chất liệu dân gian hay những câu chuyện ma mị truyền miệng trong văn hóa Việt thì vô cùng nhiều, nếu không được sàng lọc và khai thác khéo léo sẽ dễ dẫn tới tranh cãi.

Đáng tiếc đa phần các tác phẩm lại có hạn chế nhất định về kịch bản, tiền kỳ, lời thoại, nhân vật đến bối ảnh, phục trang. Ở “Quỷ cẩu”, kỹ xảo được đánh giá chưa được chân thật và thực sự gây sợ với hình ảnh “chó trắng thành tinh”. “Cám” được khán giả và chuyên gia nhận xét vẫn còn nhiều “sạn” ở kịch bản, thời lượng phim khá dài, thiếu sự chắt lọc, một số nhân vật phụ không được khai thác và phát triển đầy đủ khiến tác phẩm kém đi sự thuyết phục. Chẳng những thế, dòng phim kinh dị ma quỷ lắm lúc dễ sa đà vào “mê tín dị đoan”.

Dẫu vậy, sự tăng trưởng của dòng phim kinh dị dân gian giàu giá trị nghệ thuật, tái hiện văn hóa làng quê với ruộng đồng sông nước, văng vẳng bài hát, câu vè xa xưa… trong “Kẻ ăn hồn”, “Tết ở làng địa ngục”, “Cám” hay “Bắc kim thang” góp phần mang đến những trải nghiệm, góc nhìn mới mẻ về bối cảnh xã hội, con người của những thời đại đã xa cũng khiến phim thu hút người xem. Đồng thời, sự xuất hiện của các tác phẩm kinh dị độc đáo, nhận được lời khen từ khán giả, báo chí lẫn giới chuyên môn trong và ngoài nước là một tín hiệu tích cực, mang đến niềm tin và hy vọng cho khán giả yêu mến điện ảnh nước nhà.

Phan Thiên Di

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/khi-chat-lieu-dan-gian-buoc-vao-phim-kinh-di-viet-i746062/
Zalo