Khi bảo tàng vươn mình khẳng định vai trò trong đời sống văn hóa cộng đồng
Trong xu thế hiện nay, khi tất cả các ngành, nghề, cá nhân đều nỗ lực vươn mình để hướng tới những thành tựu mới trong nhiều lĩnh vực, thì hoạt động của các bảo tàng cũng không ngoại lệ.
Dịp Tết Ất Tỵ vừa qua là minh chứng rõ nhất cho nhận định này. Tại Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã phối hợp với Bảo tàng Di sản văn hóa Mường tổ chức chương trình “Vui Xuân Ất Tỵ: Sắc thái văn hóa Mường, Hòa Bình” trong hai ngày mồng 4 và 5 Tết, mang đến cho công chúng cơ hội tìm hiểu những nét đặc sắc trong văn hóa của người Mường, như: hát sắc bùa, chơi cồng chiêng, đâm đuống, hát đập bông bông, góc dạy trẻ em hát dân ca… thông qua giao lưu trực tiếp với các nghệ nhân người Mường.
Trao đổi với phóng viên, nghệ nhân Nguyễn Bích Thảo, người Mường tỉnh Hòa Bình phấn khởi cho biết: “Là một nghệ nhân người Mường, tôi cảm thấy rất tự hào khi được tham gia trình diễn tại chương trình. Đây là cơ hội quý giá để giới thiệu đến công chúng nét đẹp trong trang phục, âm nhạc, ẩm thực và phong tục truyền thống của dân tộc mình. Được nhìn thấy mọi người hào hứng tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa Mường khiến tôi có thêm động lực gìn giữ và lan tỏa những giá trị quý báu của dân tộc mình”.
“Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mong muốn thông qua hoạt động này, công chúng có cơ hội khám phá những nét đẹp văn hóa trong ngày Tết của các dân tộc, qua đó tìm hiểu những nét tương đồng và khác biệt, để từ đó tăng cường hiểu biết về di sản văn hóa của cha ông, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy các giá trị truyền thống trong bối cảnh đương đại”, Tiến sĩ Bùi Ngọc Quang - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhấn mạnh.
Tại thành phố Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với nhóm họa sĩ Đà Nẵng gồm: Nguyễn Trung Kỳ, Hồ Đình Nam, Kha Trần Hữu Cân, Trần Tâm và Trương Nguyễn Nguyên Kha, tổ chức triển lãm mỹ thuật với chủ đề “Tình xuân” với 43 tác phẩm vẽ về đề tài mùa xuân mới và con giáp Ất Tỵ, được sáng tác bằng nhiều chất liệu phong phú như: lụa, sơn dầu, acrylic, đồ họa khắc gỗ… Mỗi tác phẩm thể hiện sự rung cảm sâu sắc của trái tim người nghệ sĩ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, mảnh đất và con người trên quê hương Đà Nẵng khi mùa xuân mới đang về.
Tại TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ để khách tham quan đến khám phá lịch sử và cùng vun trồng những hạt giống tích cực cho năm mới…
Trong hệ thống các bảo tàng về phụ nữ, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ vào dịp Tết Ất Tỵ 2025 đã trưng bày chuyên đề "Cổ vật kể chuyện Xuân" tái hiện qua không gian Tết cổ truyền xưa của người Nam Bộ, giới thiệu những bộ trang phục và trang sức đi kèm của phụ nữ trong ngày đầu năm mới.
Bên cạnh hoạt động “Chơi Tết”, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, ngày 3/2/2025 đã khai mạc triển lãm số “Sắt son một lòng” nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025). Với thông điệp "Tự hào - Tri ân - Tiếp bước", triển lãm không chỉ khắc họa những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử cách mạng mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến thế hệ hôm nay và mai sau…
Có thể nói, nếu như trước đây, bảo tàng ít thu hút giới trẻ hơn so với các địa điểm vui chơi khác, thì nay rất nhiều bảo tàng trên cả nước đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành những trung tâm giáo dục và trải nghiệm sống động, khẳng định vai trò giáo dục trong đời sống văn hóa cộng đồng.
Xin trích niềm vui của em Nguyễn Hạnh Nguyên, học sinh trường THCS Lương Yên, Hai Bà Trưng, Hà Nội và của sinh viên Lê Văn Thắng, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội để làm lời kết cho bài: “Em rất vui khi được bố mẹ dẫn đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tham gia chương trình Tết, giúp em hiểu thêm về văn hóa dân gian Việt Nam. Đây là trải nghiệm khó quên đầu năm mới của em!”; "Tour Năm Rắn là điểm nhấn ấn tượng nhất với mình, vì đã giúp khám phá những hiện vật liên quan đến hình tượng con Rắn trong Bảo tàng một cách mới mẻ và sinh động thông qua mã QR. Một chương trình vừa gần gũi, vừa sáng tạo như thế này thực sự cuốn hút giới trẻ như mình".