Khen thưởng đột xuất tập thể, cá nhân ứng phó kịp thời bão số 3
Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì, Hà Nội vừa tổ chức khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đột xuất trong ứng phó, khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão trên địa bàn.
Bão số 3 (Yagi) cùng hoàn lưu sau bão đã để lại những hệ quả phức tạp, đặt ra những tình huống cấp bách trên địa bàn huyện Thanh Trì: nước sông Nhuệ, sông Hồng dâng cao, đe dọa sự an toàn đê điều, nhiều vùng trũng rơi vào tình trạng ngập úng.
Nhờ có sự chỉ đạo sát sao, chủ động, quyết liệt và triển khai bài bản về ứng phó với cơn bão số 3 từ Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Thanh Trì, cả hệ thống chính trị của huyện đã vào cuộc; các xã, thị trấn, đoàn thể, các lực lượng chủ chốt trực 24/24 giờ để ứng phó bão. Đến nay, công tác khắc phục sau cơn bão đã đạt được nhiều kết quả tích cực, không có thiệt hại về người.
Theo thống kê sơ bộ, bão đã làm gẫy đổ 4.793 cây xanh; nhiều tuyến đường giao thông trục chính bị ngập úng. Tốc mái 182 mái tôn (trong đó có 5 công trình trường học, chợ, 177 mái tôn, nhà tạm, chuồng trại chăn nuôi tại khu sản xuất); sụt lún, sạt lở 300m đê sông Nhuệ, tràn bờ toàn tuyến đê sông Nhuệ và hàng chục km kênh mương nội đồng. Mưa bão đã khiến trên 400 hộ gia đình với 634 người phải di dời tới nơi an toàn.
Toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại 3 xã vùng bãi bị ngập úng; 1.180 ha cây trồng bị ảnh hưởng, gẫy đổ, (trong đó 109ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 2.600 m sản xuất theo kỹ thuật thủy canh)…
Ngay sau khi bão tan, trong đêm 7-9, các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan đã huy động hàng trăm người tiếp tục ra quân xử lý cây gẫy đổ và các sự cố về điện đảm bảo an toàn giao thông.
Đặc biệt, mưa lớn, mực nước sông Nhuệ dâng cao, gây sụt lún, sạt lở 300m đê (đoạn qua xã Đại Áng); với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Đại Áng, các đơn vị liên quan huy động lực lượng, phương tiện khắc phục khẩn cấp sự cố theo phương châm 4 tại chỗ và huy động trên 1.500 lượt người xử lý đảm bảo an toàn tuyến đê.
Trong 2 ngày 14 và 15-9 (thứ Bảy và Chủ nhật), toàn huyện đã huy động 3.200 lượt người tham gia tổng vệ sinh môi trường; huy động 12 lượt máy xúc, 73 cưa máy, gần 100 lượt xe ô tô để thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn.
Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, “Thương người như thể thương thân”, "Lá lành đùm lá rách", toàn huyện đã huy động được 220 triệu đồng; 1.981 thùng mỳ tôm, 2.484 thùng nước; 120 kg gạo, 400 suất quà; 80 thùng ruốc để hỗ trợ tới các gia đình gặp khó khăn do bão và mưa lũ sau bão.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong biểu dương và ghi nhận các tập thể, cá nhân đồng thời đề nghị, trước tình hình thời tiết, thiên tai còn tiếp tục diễn biến phức tạp, yêu cầu các phòng, ban, đơn vị, các xã, thị trấn tiếp tục triển khai các phương án ứng phó, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh an toàn.