'Khẩu vị' mới của người lao động

Kết quả khảo sát của PwC cho thấy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần hiểu rõ các mục tiêu của nhân viên, xác định những trở ngại để thay đổi và thúc đẩy hợp tác một cách hiệu quả, nhằm kiến tạo một văn hóa đổi mới.

Nhiều người lao động cảm thấy vừa hào hứng, vừa lo lắng về sự thay đổi

Nhiều người lao động cảm thấy vừa hào hứng, vừa lo lắng về sự thay đổi

Một số xu hướng nổi bật

Thay đổi là điều tất yếu. Sự thay đổi đang ngày càng tăng tốc, mang lại cảm giác vừa lạc quan, vừa bất định. Đây là kết quả chính từ cuộc khảo sát lực lượng lao động của PwC với 19.500 người lao động tại 14 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm 1.000 người lao động đến từ Việt Nam (xem biểu đồ).

Cuộc khảo sát về lực lượng lao động mới nhất của chúng tôi cho thấy, mặc dù phần lớn người lao động mong muốn sẽ thích nghi, nhưng họ cũng cảm thấy choáng ngợp trước tốc độ thay đổi.

Về mặt tích cực, người lao động cảm thấy công việc của mình được đảm bảo hơn và mong muốn học các kỹ năng mới, đặc biệt là trước sự phát triển của trí tuệ tạo sinh (GenAI).

Bên cạnh đó, một xu hướng nổi bật khác mà chúng ta không thể bỏ qua: biến đổi khí hậu. Người lao động Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu đến công việc của họ và mong muốn doanh nghiệp bắt đầu hành động. Mối lo ngại này tăng lên 65% so với mức 55% vào năm ngoái, thể hiện kỳ vọng ngày càng tăng đối với những thay đổi ý nghĩa.

Mặc dù nhân viên đã sẵn sàng phát triển và thích ứng, nhưng họ cần được hỗ trợ để vượt qua những thay đổi này. Do đó, việc đầu tư vào phát triển kỹ năng và thực hiện các biện pháp ứng phó với các vấn đề khí hậu sẽ không chỉ nâng cao sự hài lòng trong công việc, mà còn đảm bảo đáp ứng sự kỳ vọng của nhân viên.

Người lao động tại châu Á - Thái Bình Dương (bao gồm Việt Nam) cho biết, khối lượng công việc của họ đã tăng lên đáng kể và tốc độ thay đổi đang ngày càng nhanh, điều này vừa mang lại động lực, vừa tạo ra những thách thức mới. Người sử dụng lao động sẽ ứng phó thế nào trước những biến đổi này?

92% người lao động Việt Nam được khảo sát cảm thấy đã sẵn sàng thích nghi với cách làm việc mới.

Khảo sát của chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong việc hiểu rõ các mục tiêu của nhân viên, xác định những trở ngại để thay đổi và thúc đẩy hợp tác một cách hiệu quả, nhằm kiến tạo một văn hóa đổi mới.

Thực tế, người lao động cảm thấy vừa hào hứng, vừa lo lắng về sự thay đổi. Trong khi 92% người lao động Việt Nam cảm thấy đã sẵn sàng thích nghi với cách làm việc mới và phát triển trong vai trò của mình, thì 73% tin rằng, có quá nhiều thay đổi xảy ra cùng một lúc. Đặc biệt, sự thay đổi đang tăng tốc khi 88% số người được khảo sát cho hay, họ đã trải qua nhiều thay đổi tại nơi làm việc trong năm vừa qua so với 12 tháng trước đó.

Trong khi đó, quan điểm về sự bảo đảm công việc đang có những ý kiến trái chiều: 52% số người tham gia khảo sát cảm thấy tự tin về công việc của họ trong 12 tháng tới, nhưng 65% chia sẻ rằng, những thay đổi gần đây tại nơi làm việc khiến họ cảm thấy lo ngại.

Người lao động xem việc phát triển kỹ năng là chìa khóa thành công cho công việc của họ với 64% đồng ý rằng, các kỹ năng mà công việc của họ yêu cầu sẽ thay đổi đáng kể trong 5 năm tới.

71% người lao động cho rằng, họ có thể thể hiện và phát triển kỹ năng của mình so với các đồng nghiệp trong khu vực và 75% kỳ vọng, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ họ phát triển các kỹ năng mới trong tương lai thông qua các cơ hội học tập.

Bên cạnh đó, người lao động nhìn nhận, các phần thưởng phi tài chính cũng quan trọng như mức lương/thưởng. Những ưu tiên hàng đầu gồm 82% là lương thưởng, 75% cảm giác hài lòng, 70% sự linh hoạt.

Những điều tưởng như xa xỉ

Vẫn theo kết quả khảo sát, 88% số người đồng ý về việc doanh nghiệp cần chủ động thực hiện các biện pháp giúp giảm thiểu tác động đến môi trường. Người lao động Việt Nam xem biến đổi khí hậu là mối đe dọa hữu hình đối với công việc của họ. 65% cảm thấy lo lắng về những rủi ro liên quan đến sức khỏe và an toàn do biến đổi khí hậu gây ra.

Một vấn đề tưởng như xa vời như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) lại rất được quan tâm. Hiện tại, việc ứng dụng GenAI tại nơi làm việc vẫn còn hạn chế. 55% người được khảo sát có sử dụng GenAI trong năm qua. Tuy nhiên, chỉ có 25% cho biết, họ sử dụng GenAI trong công việc hàng ngày.

88% người dùng tin rằng, GenAI sẽ giúp họ nâng cao kỹ năng, thúc đẩy khả năng sáng tạo. Sự lạc quan về GenAI đang gia tăng với 91% người dùng kỳ vọng, GenAI sẽ giúp cải thiện chất lượng công việc.

Johnathan Ooi, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Thương vụ và Hoạt động Pwc

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/khau-vi-moi-cua-nguoi-lao-dong-post350820.html
Zalo